Khắc phục nguy cơ thiếu hụt năng lượng

PV.

(Tài chính) Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1/2006/QĐ-TTg. Theo đó, đến năm 2020 Việt Nam sẽ hoàn thành xây dựng và đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận sẽ do Nga và Nhật xây dựng
Hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận sẽ do Nga và Nhật xây dựng

Thiếu tới 65 tỷ kWh vào năm 2020

Nhu cầu năng lượng Việt Nam dự báo sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm tới. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng trong tương lai gần. Theo thông tin từ Bộ Công thương, đến năm 2015, cả nước thiếu 8 tỷ kWh điện, đến năm 2020 thiếu từ 36 đến 65 tỷ kWh. Ngay cả khi khai thác hết các nguồn năng lượng tự nhiên không tái tạo như than đá, khí đốt và dầu và đẩy mạnh mua điện của nước ngoài cũng không thể cung cấp đầy đủ và lâu dài cho nhu cầu trong nước.

Theo ước tính, trữ lượng dầu khí có khoảng 3,8 tỷ - 4 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó lượng xác minh được mới có 1 - 1,1 tỷ tấn. Năm 2014, năm đầu tiên Việt Nam đã khai thác dầu từ thế giới đưa về nước 1,84 triệu tấn. Tới đây, sẽ phải tăng lên 5 - 7 triệu tấn vì trong nước đang thiếu.

Tương tự, khí cũng chỉ khoảng 14-15 tỷ m3/năm. Trước đây, Việt Nam từng đưa vào quy hoạch điện 20 tỷ m3/năm, nhưng năm 2014 chỉ thu được 10 tỷ m3 và năm thu cao nhất cũng chỉ được 14-15 tỷ m3/năm.

Thủy điện về lý thuyết là 300 tỷ kWh nhưng thực tế khai thác cũng chỉ đạt khoảng 80-82 tỷ kWh. Ích lợi của thủy điện rất lớn, có cả lợi ích đa mục tiêu nhưng cũng có tác động trái chiều nên buộc phải chia sẻ lợi ích ấy với các mục tiêu khác. Ví dụ như phải dành nước cho sinh hoạt, phải bảo đảm dòng chảy, môi trường cho hạ du.

Năng lượng tái tạo cũng đã được Việt Nam tính đến, tuy nhiên điện gió hiện nay mới có 30 ngàn MW dù theo dự báo lý thuyết của Mỹ có khoảng 500 ngàn MW. Ngay cả khi Việt Nam phấn đấu đến 2020 có 1000MW và 2030 có 6.200MW thì cũng chỉ đóng góp khoảng 18 - 19 tỷ kWh. Điện từ phụ phẩm nông nghiệp từ bã mía, trấu, gỗ khoảng 300MW. Điện từ rác khoảng 200MW. Điện từ thủy triều khoảng 30 triệu kWh. Điện từ mặt trời khoảng 1.800MW, song tỷ trọng này cũng rất thấp…

Biện pháp duy nhất để cải thiện tình hình căng thẳng về năng lượng lúc này là phải phát triển điện hạt nhân. Điện hạt nhân không chỉ giải quyết nhu cầu thiếu hụt năng lượng trước mắt mà còn đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực khác trong tương lai.

Chủ động nguồn năng lượng cho tương lai

Điện hạt nhân, được các nhà chiến lược và công nghệ năng lượng Việt Nam quan tâm, bởi ngoài những ưu điểm nội tại về mặt công nghệ và kinh tế thì điện hạt nhân vẫn là giải pháp tối ưu cho vấn đề năng lượng của nhiều quốc gia. Theo dự kiến từ nay đến giữa thế kỷ 21, công suất điện hạt nhân toàn cầu sẽ tăng từ 372.000 MW hiện nay lên đến 1.000.000 MW và tỷ trọng sản lượng điện hạt nhân sẽ đạt đến con số 19% tổng sản lượng điện toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ điện hạt nhân tương ứng ở Mỹ: 50%; Pháp: 85%; Nhật Bản: 60%; Hàn Quốc: 70%; Trung Quốc: 30%; Indonesia: 40% và Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam: 20%...

Việc chuẩn bị cho phát triển ĐHN ở Việt Nam đã được dự kiến từ những năm của thập kỷ 90, tuy nhiên phải tới năm 2006, Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình mới được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1/2006/QĐ-TTg. Theo đó, đến năm 2020 Việt Nam sẽ hoàn thành xây dựng và đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Đến ngày 25/11/2009, chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6. Theo dự kiến, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ đi vào vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2020, tổ máy số 2 vào năm 2021. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ khởi công vào tháng 5/2015, vận hành tổ máy số 1/2021 và tổ máy số 2/2022.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1:

- Nằm ven biển xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

- Tổng diện tích kỹ thuật toàn nhà máy: 161 ha.

- Khu vực cách ly an toàn: 379 ha.

- Diện tích mặt nước ngoài biển: 310 ha.

- Các tổ máy sẽ được vận hành thương mại lần lượt vào các năm 2020 và 2021.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2: 

- Nằm ven biển xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

- Tổng diện tích kỹ thuật toàn nhà máy: 155 ha.

- Khu vực cách ly an toàn: 401 ha.

- Các tổ máy dự kiến sẽ được vận hành thương mại lần lượt vào các năm 2021 và 2022.

Từ thời điểm đó đến nay, các nhà máy điện hạt nhân đang được gấp rút triển khai theo đúng tiến độ đã đề ra. Ủng hộ đề án này, nhiều chuyên gia về năng lượng nguyên tử trong và ngoài nước cũng đều cho rằng, việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam là hợp lý trong bối cảnh điện hạt nhân đang trở thành giải pháp thích hợp để thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng và giảm tải phát thải khí ô nhiễm.