Nguồn nhân lực là ” khâu” quan trọng nhất cho điện hạt nhân

Lê Cường

(Taichinh) - Theo Quyết định số 1558 của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8/2010 về phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử,” Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân, yêu cầu ứng dụng an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Một buổi hội thảo về nguồn nhân lực cho điện hạt nhân. Nguồn internet
Một buổi hội thảo về nguồn nhân lực cho điện hạt nhân. Nguồn internet

Mặc dù Việt Nam có lò nghiên cứu hạt nhân vận hành hơn 30 năm, đồng thời đã xây dựng được đội ngũ cán bộ về vật lý lò, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia về điện hạt nhân trên thế giới, đội ngũ cán bộ cho điện hạt nhân của Việt Nam hiện nay vẫn đang đứng ở vạch xuất phát.

Do đó việc phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam trong thời gian tới, là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.

Trong thời gian đầu tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân tại 5 trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực và Trung tâm đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Thời gian qua, Việt Nam đã duy trì việc cử người đi học tập, đào tạo tại nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Hiện Việt Nam đã cử 300 người sang Liên bang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến nhà máy điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động khảo sát, học tập ngắn hạn và học tập kinh nghiệm quản lý điện hạt nhân tại một số nước, như Liên bang Nga, Hà Lan, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc… đáp ứng bước đầu cho việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã tích cực, chủ động triển khai có kết quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dự án điện hạt nhân.

Trong năm 2014, EVN và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân, chuẩn bị cho chương trình phát triển điện hạt nhân của quốc gia đến năm 2020 nói chung và cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nói riêng.

Từ năm 2004 đến nay, EVN đã cử khoảng 172 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về nhiều lĩnh vực khác nhau trong nhà máy điện hạt nhân tại các quốc gia có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…

Tập đoàn cũng lựa chọn và cử 29 con em cán bộ nhân viên ngành điện có thành tích học tập tốt đi đào tạo kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân tại Đại học Năng lượng Moskva (MPEI).

Kinh phí đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân chiếm khoảng từ 2-5% tổng kinh phí của một dự án điện hạt nhân. Bởi việc đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là đào tạo cơ bản là rất quan trọng.

Như vậy việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở Việt Nam đã đi trước một bước, nhưng đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo hơn nữa để làm sao vừa đảm bảo được số lượng và chất lượng.

Vì thế, phát triển nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân cũng là một trong 7 vấn đề trọng tâm trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân trong giai đoạn tới của Việt Nam.