Những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân trong thời gian qua

PV.

Ngày 03/12/2015 tại TP. Hồ Chí Minh, trpng buổi hội thảo Phát triển điện hạt nhân và trách nhiệm an toàn của các bên liên quan, chuyên gia năng lượng hạt nhân Liên bang Nga, PGS.,TS. Pavel A. Belousov đã trình bày những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân.

PGS.TS Pavel A. Belousov, Phó Trưởng khoa Khoa Nghiên cứu Vật lý và Kỹ thuật Điện đangthuyết giảng về những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân tại Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH).Ảnh Financeplus.vn
PGS.TS Pavel A. Belousov, Phó Trưởng khoa Khoa Nghiên cứu Vật lý và Kỹ thuật Điện đangthuyết giảng về những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân tại Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH).Ảnh Financeplus.vn

Tại hội thảo, TS. Pavel A. Belousov trình bày lược sử về phát triển công nghệ hạt nhân Nga. Trọng tâm bài thuyết trình của ông là về công nghệ VVER. Lò phản ứng VVER đầu tiên, công suất 210 MW khởi động năm 1964 tại nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh. Năm nay, một lò phản ứng công suất 1200 MW cũng được lên kế hoạch vận hành tại Novovoronezh.

“VVER là một trong những phương án thành công nhất nhằm tạo ra một lò phản ứng điện hạt nhân an toàn và hiệu quả. Lò phản ứng VVER do Nga thiết kế tiếp tục cung cấp điện năng trên khắp thế giới”, ông cho biết.

Theo ông Pavel A. Belousov, 67 tổ máy điện sử dụng lò phản ứng VVER do Nga thiết kế đã được xây dựng từ những năm 1960 và hiện tại 57 lò phản ứng VVER đang vận hành tại 19 nhà máy điện hạt nhân trên 11 quốc gia.

Sự ổn định của các lò phản ứng này được chứng minh qua thời gian hoạt đông lâu dài mà không xảy ra sự cố. Việt Nam cũng lựa chọn công nghệ lò phản ứng VVER cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình.

Ông đặc biệt nhấn mạnh mức độ an toàn cao của công nghệ lò phản ứng này. Theo đó, 2 lò phản ứng VVER-440 tại Armenia vẫn hoạt động bình thường ngay cả trong trận động đất Spitak 0.7g năm 1988.

Sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân Nga sử dụng lò phản ứng VVER dựa trên những bước tiến công nghệ vượt trội được thử nghiệm qua thời gian, sử dụng kết hợp hệ thống an toàn chủ động và bị động.

Các lò phản ứng này có thể chịu được động đất, sóng thần, tố lốc và tai nạn máy bay nghiêm trọng. Hiện nay các tổ máy điện hạt nhân VVER đang được xây dựng tại Nga, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, tại Hội thảo TS. A. Belousov cũng đã giới thiệu thiết kế VVER mới nhất – VVER-TOI. Công nghệ mới này có thể đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, cũng như các yêu cầu về hiệu suất đang ngày càng cấp thiết trong ngành công nghiệp hạt nhân, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các nguồn năng lượng khác.

“Kinh nghiệm trong quản lý các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà ROSATOM có được trong 20 năm vừa qua được tích hợp vào trong thiết kế mới này, tối ưu hóa các thông số kỹ thuật và kinh tế, và được thiết kế trong môi trường thông tin mới nhất,” ông nói.

Loại lò phản ứng này có thời gian hoạt động là 60 năm với công suất 1,200 MW và có thể chống chịu tai nạn máy bay nghiêm trọng.