Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam: Chủ trương nhất quán, chuẩn bị kỹ càng

PV.

Phát triển điện hạt nhân là chủ trương nhất quán của Chính phủ trước yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng cho tiến trình phát triển bền vững và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.

Tham quan mô hình Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Tham quan mô hình Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Nhất quán và sẵn sàng

Ở Việt Nam, chủ trương phát triển điện hạt nhân đánh dấu bằng Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, xác định sẽ khởi công xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào cuối năm 2014 và vận hành tổ máy số 1 vào năm 2020. Giống như nhiều quốc gia khác, phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam chuẩn bị hết sức công phu và dài hạn, đặc biệt sau sự cố điện hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, theo hướng dẫn của cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tiến trình chuẩn bị đến khi đưa tổ máy đầu tiên đi vào vận hành phải trải qua 3 giai đoạn.

Đối với Việt Nam, giai đoạn 1 đánh dấu bằng cột mốc tháng 11/2009, khi Quốc hội cho chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuân. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn thứ 2, tiếp tục chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể kí hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Giai đoạn 3 là thực hiện hợp đồng triển khai công tác xây dựng lắp đặt và đưa vào vận hành.

Kinh nghiệm của các quốc gia có lĩnh vực điện hạt nhân phát triển cho thấy, thông thường cả 3 giai đoạn trên mất khoảng 10 - 15 năm, nhưng vẫn có những nước có thời gian triển khai dài hơn. Đối với Việt Nam, do lần đầu tiên triển khai chương trình điện hạt nhân, nên chúng ta chưa thể có ngay đội ngũ chuyên gia và cán bộ, hệ thống pháp lý và các hạ tầng kĩ thuật khác một cách đồng bộ và hoàn chỉnh. Do vậy, chúng ta thận trọng và chuẩn bị kĩ càng là việc nên làm.

Hiện nay, Tập đoàn điện lực (EVN) - Chủ đầu tư của dự án điện hạt nhân đã hoàn thành cơ bản hồ sơ phê duyệt địa điểm và phê duyệt đầu tư. Tại hội nghị đánh giá kết quả 10 năm (giai đoạn 2006 - 2015) thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (EVNNPB) - cho biết, tháng 11/2011, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn với Liên danh tư vấn E4 Group (Nga), KIEP (Ucraina), EPT (Nga) về lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ phê duyệt địa điểm cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Nguồn tài chính cho hợp đồng là khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Liên bang Nga.

Theo hợp đồng đã ký kết, báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được Liên danh tư vấn giao nộp cho EVNNPB vào tháng 11/2014. Tháng 3/2015, hoàn thành và giao nộp hồ sơ cho công nghệ AES-2006 - phiên bản V491 là công nghệ thuộc thế hệ III+. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại Quyết định số 6070/QĐ-BCT ngày 17/6/2015.

Ngày 16/7/2015, EVN và EVNNPB đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị công bố quy hoạch điều chỉnh địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và triển khai cắm mốc ranh giới điều chỉnh quy hoạch địa điểm. Hiện tại, hồ sơ phê duyệt địa điểm, báo cáo báo cáo nghiên cứu khả thi của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được EVN chính thức trình Chính phủ vào đầu tháng 9/2015, dự kiến, tháng 3/2016, báo cáo này mới được phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo.

Trong khi đó, đối với Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, vào tháng 9/2011, EVN đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) để lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo báo cáo nghiên cứu khả thi. Nguồn tài chính cho hợp đồng là khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Hiện tại, vẫn còn một số khảo sát phải bổ sung, liên quan đến địa điểm xây dựng. Dự kiến, cuối năm nay mới hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi để thực hiện các thủ tục trình duyệt vào năm 2016.

Được biết, mỗi nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận cần khoảng 1.100 cán bộ, nhân viên, trong đó khoảng 500 người yêu cầu tốt nghiệp cử nhân và kỹ sư trở lên, chiếm 40% đội ngũ vận hành. Để chuẩn bị đội ngũ nhân lực này, từ năm 2010 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 323 sinh viên đi học ở Nga và 236 người trong đó đã cam kết sẽ về làm việc cho Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tốp sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp vào cuối năm 2006.

Ngoài ra, Việt Nam đã tận dụng được rất tốt sự giúp đỡ của IAEA và các tổ chức quốc tế của các nước khác trong việc đào tạo các cán bộ tham gia quản lý, tham gia các công tác nghiên cứu và hỗ trợ kĩ thuật. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt kế hoạch năm 2015 và triển khai bước tiếp theo, sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ cho công tác bồi dưỡng này. Đồng thời, theo đề án đào tạo đến năm 2020, sẽ tiếp tục cho cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ pháp quy và các chuyên gia kĩ thuật - những người trực tiếp làm việc vận hành quản lý dự án.

EVN cho biết, hiện Tập đoàn này đang nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở, chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng và vận hành hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. EVN và các đơn vị sẽ tích cực thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đảm bảo theo đúng các quy định, các yếu tố về an toàn kỹ thuật. Mục tiêu cao nhất là nhằm đưa điện hạt nhân trở thành nguồn năng lượng an toàn, tin cậy, bổ sung cho công suất nguồn điện của cả nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

An toàn được đặt lên hàng đầu

Yêu cầu an toàn của điện hạt nhân ngày một nâng cao, những công nghệ mới và những yêu cầu đảm bảo an toàn về quản lý nhà nước cũng cao hơn. Do vậy, việc xem xét để có tiến độ hợp lý cho điện hạt nhân ở Việt Nam là rất cần thiết, nhằm đảm bảo cho công tác chuẩn bị đầy đủ, toàn diện, đồng bộ cho an toàn và hiệu quả của điện hạt nhân trong tương lai.

Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, trong đó vấn đề an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu và cũng là sự băn khoăn của nhiều người. Chia sẻ về điều này ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, bất kì một đất nước nào phát triển điện hạt nhân đều cần phải có những nguyên tắc lấy an toàn là số một, lấy hiệu quả là hướng phấn đấu. Cốt lõi của làm điện hạt nhân là đảm bảo cho an ninh năng lượng của quốc gia cho sự phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực khoa học - công nghệ cao và phức tạp, chính vì vậy mà các nhà khoa học, các kỹ sư trong ngành luôn đặt an toàn là yếu tố đầu tiên. Trong sự phát triển của năng lượng hạt nhân, có nhiều yếu tố khiến người ta lo lắng. Sự lo lắng này là chính đáng nhưng lo lắng thái quá lại bất hợp lý, đặc biệt là do nhiều người không nắm được tiến bộ của khoa học - kỹ thuật. Các nước đã và đang cố gắng tối đa để công nghệ hạt nhân ngày càng an toàn hơn đặc biệt là sau sự cố Fukushima, tiêu chuẩn an toàn được nâng lên cao hơn nữa, tính đến mọi biến số về thiên nhiên và cả các sự cố như máy bay rơi… Chính vì vậy, xét về mặt kỹ thuật và công nghệ, vấn đề an toàn về cơ bản đã được giải quyết.

Cũng theo TS. Nguyễn Mộng Sinh, xét về yếu tố con người, văn hóa an toàn cần được chú trọng. Phát triển an toàn kỹ thuật phải đi cùng với nâng cao nhận thức con người bởi yếu tố con người mang tính quyết định. Ở Việt Nam, vấn đề này đang nhận được sự quan tâm lớn. Nước ta chưa hoàn thành công nghiệp hóa do đó tư duy và tác phong làm việc của người dân phần nào còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, văn hóa an toàn đã được chú trọng xây dựng và được cải thiện hơn. Việc Việt Nam lùi thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng để đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực tốt cũng như cơ sở hạ tầng đảm bảo cho phát triển điện hạt nhân an toàn.