Phát triển nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn tới

TS. Đỗ Thị Thanh Mai - Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

(Tài chính) Dự án đầu tư phát triển các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và Ninh Thuận II, bảo đảm đến năm 2020, đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành, đến năm 2030, nguồn điện hạt nhân có tổng công suất 10/700 MW đang được tích cực triển khai.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phục vụ cho ngành điện hạt nhân. Nguồn: dienhatnhan.com.vn
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phục vụ cho ngành điện hạt nhân. Nguồn: dienhatnhan.com.vn

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phục vụ cho ngành điện hạt nhân gồm: nhân lực để xây dựng nhà máy, nghiên cứu triển khai và xử lý kỹ thuật, quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, nhân lực cho giáo dục và đào tạo lĩnh vực này.

Thay đổi nhận thức về nghề để thu hút lao động

Thực tiễn cho thấy, nhân lực cho một số ngành cần cho sự phát triển đất nước như nghề thợ nề, thợ lò hiện đang thiếu nhưng ít người muốn theo học và nhiều trường không muốn đào tạo…. dù được hỗ trợ kinh phí học tập và sinh hoạt. Điều này là do tâm lý con người ưa chọn những ngành nghề nhẹ nhàng, nhàn hạ, sạch sẽ, ổn định, an toàn, tránh những nghề nặng nề, vất vả, nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Đặc biệt, trong suy nghĩ đơn thuần, lao động trong ngành điện hạt nhân có sự rủi ro cao nên càng khó thu hút người học. Con số thống kê gần đây của ngành giáo dục cho thấy phần lớn sinh viên theo học chuyên ngành điện hạt nhân tại các cơ sở đào tạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều xét tuyển qua nguyện vọng 2. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của xã hội đối với ngành điện hạt nhân là chưa tương xứng.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự tham gia của toàn hệ thống chính trị vào công tác tuyên truyền nghề. Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường phổ biến trong toàn xã hội về tiêu chí cụ thể của người lao động hiện đại, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo để thay đổi nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp quản lý và của toàn xã hội.

Làm tốt công tác tuyên truyền để xã hội có sự nhìn nhận đúng đắn về vị trí thang bậc xã hội, từ đó có thái độ đúng đắn hơn về vị trí nghề trong xã hội; tuyên truyền về năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo và các cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp để thanh niên yên tâm chọn nghề.

Các phương tiện truyền thông đại chúng, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật cần chủ động, tích cực tuyên truyền về những tấm gương người lao động giỏi, những tấm gương sáng trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội, nhất là những ngành nghề mới để thu hút mối quan tâm của giới trẻ vào những giá trị thực tiễn của cuộc sống và lao động, làm tăng ý nghĩa của lao động thực tiễn trong thanh thiếu niên.

Phân công nhiệm vụ chuẩn bị nhân lực và đầu tư ngân sách

Chính phủ có thể giao nhiệm vụ chuẩn bị nhân lực cụ thể cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tham gia dự án xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà…), đồng thời hỗ trợ ngân sách để các tập đoàn, tổng công ty này thu hút chuyên gia, thu hút người học. Trong các tập đoàn, tổng công ty có các trường đào tạo nghề chuẩn bị nhân lực cho nội bộ đơn vị và nhu cầu xã hội. Để đáp ứng nhân lực cho việc vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2020 thì công tác chuẩn bị nhân lực ngay từ bây giờ cũng không phải là sớm, cần được quan tâm hơn.Chính phủ có chủ trương chỉ đạo, định hướng về việc Nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí đào tạo đội ngũ nhân lực trong một số lĩnh vực đặc thù, phục vụ các công trình quốc gia có giá trị lớn và đòi hỏi cao về an ninh như điện hạt nhân.

Chính phủ cần phát huy tốt vai trò dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ở cấp quốc gia theo trình độ và ngành đào tạo ở cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nói chung, cho ngành điện hạt nhân nói riêng. Nguồn nhân lực chất lượng cao là sản phẩm của quá trình đào tạo, giáo dục và rèn luyện lâu dài của mỗi người lao động. Việc làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực giúp các trường có đủ thông tin cần thiết để chuẩn bị đội ngũ, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất. Đồng thời, người dân cũng cần có thông tin về thị trường lao động xã hội để có định hướng đúng đắn cho mình và tư vấn cho con cháu mình dự báo nguồn nhân lực.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuẩn bị nguồn nhân lực

Ở Việt Nam, ngành điện hạt nhân là một ngành mới, vì vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc sử dụng chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm chất lượng và an toàn trong xây dựng, sản xuất điện hạt nhân.

Cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, người lao động theo từng công việc: nguồn nhân lực để xây dựng nhà máy, nguồn chuyên gia nghiên cứu triển khai và xử lý kỹ thuật, quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, nhân lực cho giáo dục và đào tạo lĩnh vực điện hạt nhân.

Điện hạt nhân thuộc lĩnh vực an toàn, an ninh quốc gia, vì vậy, cần coi trọng giáo dục phẩm chất, thái độ, kỷ luật, ý thức, bản lĩnh chính trị cho người lao động. Hơn nữa, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tác phong công nghiệp, tinh thần hợp tác, khả năng thích nghi của mỗi cá nhân ảnh hưởng lớn đến chất lượng và năng suất lao động của đơn vị và của quốc gia nên bên cạnh việc xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc thợ đáp ứng cơ bản yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, cần đặt tiêu chí cụ thể về mặt phẩm chất cho người lao động lĩnh vực này nói riêng, các lĩnh vực liên quan đến an toàn, an ninh quốc gia nói chung./.