Quá trình phát triển điện hạt nhân trên thế giới
(Tài chính) Trên thế giới, điện hạt nhân đã có lịch sử 60 năm, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. So với các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, điện hạt nhân có ưu thế hạn chế gây ô nhiễm khí quyển và hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới
Điện lần đầu tiên được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân vào ngày 20/12/1951 tại lò thử nghiệm EBR-1 của Mỹ và thắp sáng được bốn bóng đèn nhưng các nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên trên thế giới bắt đầu hoạt động vào thập niên 1950.
Ngày 26/6/1954, tổ máy điện hạt nhân đầu đầu tiên với công suất 5MW(e) được đưa vào vận hành tại tại Obninsk thuộc Liên Xô cũ. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới ở Obninsk không chỉ là xí nghiệp sản xuất điện mà còn có một mục đích khác là đào tạo các chuyên gia điều khiển lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm. Tuy nhiên, sau khi nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã giảm đi, nhiệm vụ của nhà máy điện hạt nhân Obninsk đã thay đổi. Cơ sở này từ đó đã trở thành phòng thí nghiệm khoa học có đóng góp vô giá vào sự phát triển nền khoa học Nga.
Nhà máy điện hạt nhân Obninsk đã phục vụ cho nền khoa học và ngành năng lượng trong thời gian 48 năm. Ngày 29/4/2002, lò phản ứng ngừng hoạt động. Nhà máy biến thành Viện bảo tàng của ngành công nghiệp hạt nhân Nga.
Sơ lược về quá trình phát triển điện hạt nhân trên thế giới
Sau nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Obnisk, Liên Xô cũ, trên thế giới đã xuất hiện các lò phản ứng hiện đại hơn và các sáng chế được sử dụng tại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đã mang lại những kinh nghiệm bổ ích trong lĩnh vực phát triển ngành năng lượng hạt nhân. Có thể sơ lược quá trình phát triển điện hạt nhân trên thế giới qua những giai đoạn như sau:
- Giai đoạn những năm 1950-1960: Đây là giai đoạn khởi đầu, khi công nghệ gần như chưa được thương mại hóa. Sau tổ máy điện hạt nhân đầu đầu tiên tại Obninsk thuộc Liên Xô cũ, năm 1956, Nhà máy điện nguyên tử Calder Hall thuộc Vương quốc Anh có quy mô công nghiệp đầu tiên trên thế giới được vận hành. Tại Mỹ, dựa trên kinh nghiệm thành công xây dựng lò phản ứng PWR cho tàu ngầm nguyên tử, Công ty Mỹ Westinghouse cũng đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dùng lò PWR tại Shippingport bang Pensylvania với công suất 60MW, bắt đầu hoạt động vào năm 1957. Nhìn chung, trong giai đoạn này, phát triển điện hạt nhân chủ yếu nhằm mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và xây dựng tiềm lực hạt nhân bảo đảm an ninh quốc gia.
- Giai đoạn 1970-1980: Giai đoạn công nghệ điện hạt nhân đã được thương mại hóa cao. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ trên thế giới xảy ra vào thời gian này đã làm cho nhiều quốc gia đẩy nhanh tốc độ phát triển điện hạt nhân, nâng tỷ trọng điện hạt nhân trong sản lượng điện toàn cầu tăng gần hai lần, từ 9% lên 17%. Đây là giai đoạn hoàng kim của điện hạt nhân. Lò Unterweser 1.350 MW ở Đức bắt đầu sản xuất điện từ năm 1978 và đến nay tổng sản lượng điện là 221,7 tỷ KWh, nhiều hơn so với bất kỳ lò nào khác.
- Giai đoạn cuối thập niên 1980 và những năm 1990: Sau sự cố Chernobyl (1986), sự phản đối của công chúng, các yếu tố chính trị và sự đòi hỏi tăng cường các yêu cầu về an toàn đã làm cho tốc độ xây dựng điện hạt nhân giảm mạnh.
- Giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI tới nay: Xu hướng phát triển điện hạt nhân có những thay đổi tích cực khi an ninh năng lượng có ý nghĩa quyết định và công nghệ điện hạt nhân ngày càng được nâng cao. Mỹ có kế hoạch đến năm 2020 sẽ tăng thêm 10.000 MW điện hạt nhân. Vương quốc Anh quay trở lại phát triển điện hạt nhân. Trung Quốc dự kiến phát triển điện hạt nhân đến năm 2020 đạt 70 GW.
Trải qua 60 năm phát triển nhiều thăng trầm, điện hạt nhân đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp điện lực ở nhiều quốc gia. Điện hạt nhân đã góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo anh ninh năng lượng, thực hiện đa dạng hóa nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường.
Hiện nay có trên 430 lò phản ứng năng lượng hạt nhân thương mại đang hoạt động ở 31 nước, với công suất trên 370.000 MW. Khoảng 70 lò phản ứng đang được xây dựng. Dự kiến điện hạt nhân toàn cầu đến giữa thế kỷ XXI đạt công suất 1.000.000 MW, giữ vững tỷ trọng 19% tổng sản lượng điện chung của toàn thế giới. Trong đó, tỷ trọng điện hạt nhân của nhiều nước đạt ở mức rất cao như: Mỹ: 50%; Pháp: 85%; Nhật Bản: 60%; Hàn Quốc: 70%; Trung Quốc: 30%; Indonesia: 40% và Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam: 20%.