Xử lý chất thải phóng xạ hạt nhân và nhiên liệu đã qua sử dụng:

Sẽ có giải pháp căn bản và lâu dài

PV.

Một trong những băn khoăn của người dân trong vấn đề phát triển điện hạt nhân chính là sẽ xử lí như thế nào đối với chất thải phóng xạ hạt nhân và nguyên liệu đã qua sử dụng? Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý, Việt Nam sẽ có giải căn bản và lâu dài cho vấn đề này.

TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử cho biết, sắp tới, Luật Năng lượng nguyên tử sẽ được sửa đổi, bổ sung để quản lý lâu dài và an toàn rác thải.
TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử cho biết, sắp tới, Luật Năng lượng nguyên tử sẽ được sửa đổi, bổ sung để quản lý lâu dài và an toàn rác thải.

Bổ sung chính sách để quản lý lâu dài và an toàn rác thải

Về nguyên tắc, khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động, phóng xạ sẽ lan ra môi trường ở mức rất thấp, dưới mức cho phép và sẽ được đảm bảo bằng một hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt. Trong trường hợp có sự cố, sẽ luôn có kế hoạch ứng phó và xử lí kịp thời. Mục tiêu là phải đảm bảo an toàn không chỉ cho nhà máy mà cho cả môi trường xung quanh, mức phóng xạ không quá giới hạn cho phép.

Tại Việt Nam, những quy định về xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liên đã qua sử dụng hiện được quy định tại Điều 25 Luật Năng lượng Nguyên tử số 18/2008/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 03/06/2008. Theo đó, tổ chức, cá nhân có chất thải phóng xạ phải thực hiện các quy định như: Thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải phóng xạ ngay tại nguồn phát sinh; Tách chất thải phóng xạ ra khỏi chất thải thường khi thu gom, xử lý; Có phương án phân loại và xử lý chất thải phóng xạ.

Luật Năng lượng Nguyên tử cũng quy định các giải pháp để xử lý chất thải phóng xạ, cụ thể: Lưu giữ để phân rã đối với chất thải phóng xạ có chu kỳ bán rã ngắn; Chôn cất chất thải phóng xạ, nếu việc chôn cất không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường; Chuyển chất thải phóng xạ về dạng ít gây nguy hiểm cho con người, môi trường; Lưu giữ tạm thời trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh chờ xử lý nếu không thể áp dụng các biện pháp trên.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hạt nhân phải có phương án xử lý, lưu giữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh; Phải khai báo chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng do việc tiến hành công việc bức xạ sinh ra; Phải xin cấp giấy phép thực hiện dịch vụ lưu giữ chất thải phóng xạ. Đồng thời tổ chức, cá nhân chỉ được chôn cất chất thải phóng xạ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép, báo cáo tình trạng chôn cất và lập bản đồ địa điểm chôn cất gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia…

Bên cạnh đó, ngày 25/8/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2014, Thông tư này quy định nguyên tắc và yêu cầu đối với quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, trách nhiệm của tổ chức cá nhân liên quan trong quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, trừ các nội dung sau đây: Quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Quản lý chất thải chứa các nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên phát sinh từ các hoạt động khai thác, chế biến quặng, khoáng sản và khai thác dầu khí; Chôn cất chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Thông tư này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có các hoạt động tại Việt Nam liên quan tới việc phát sinh chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và tiến hành các hoạt động liên quan trong quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN cũng quy định rõ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường cho đến khi được chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chôn cất. Chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý chặt chẽ để bảo đảm không gây hại cho con người và môi trường cả ở hiện tại và tương lai, bảo đảm sao cho tổng liều bức xạ đối với nhân viên bức xạ và công chúng không vượt quá giá trị giới hạn liều quy định.

Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được trả lại cho nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nước ngoài trong trường hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp có chính sách nhận lại nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Việc quản lý chất thải phóng xạ trong thành phần còn chứa các chất nguy hại không phóng xạ, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Thông tư này, phải tuân thủ các quy định pháp luật khác liên quan đến quản lý chất thải nguy hại…

Ngoài ra, Thông tư cũng đã quy định việc lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; Cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ; Hồ sơ quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Trách nhiệm của chủ nguồn chất thải phóng xạ, của chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, của tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, của chủ cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ, của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân...

TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sắp tới, luật này sẽ được sửa đổi, bổ sung để quản lý lâu dài và an toàn rác thải, trong đó đưa ra giải pháp, yêu cầu căn bản của quốc gia trong quản lý rác thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng. Đây là vấn đề rất quan trọng và dài hạn, tính đến hàng trăm năm.

Lựa chọn kỹ càng địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ

Thống kê cho thấy, trung bình 1 tổ máy của nhà máy điện hạt nhân 1.000 MW, hàng năm thải ra 30 m3 - 50 m3 chất thải phóng xạ hoạt độ thấp, trung bình và 30 tấn nhiên liệu đã cháy. Với chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình thì ít nguy hiểm, dễ bảo quản, sau 200-300 năm có thể coi như rác thải bình thường.

Tuy nhiên, đối với nhiên liệu hạt nhân đã cháy thì theo thông lệ thế giới là cất giữ toàn bộ khối nhiên liệu đã cháy, để chờ có biện pháp xử lý thích hợp trong tương lai. Các chất thải phóng xạ truyền thống đang lưu giữ trong hầm, kho chứa của nhà máy điện hạt nhân ngày càng lớn, trở thành bài toán đau đầu cho các nhà quản lý và nhà khoa học.

Theo kế hoạch, Việt Nam không chỉ xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà sau này còn phải xây dựng cơ sở chôn giữ lâu dài chất thải phóng xạ do điện hạt nhân sinh ra. Vấn đề đó đòi hỏi tầm chính sách rất dài hạn. Đối với quản lý chất thải trong nhà máy thì sẽ sử dụng các quy trình, công nghệ quốc tế bởi hiện nay, những quốc gia cung cấp công nghệ điện hạt nhân đều đã hoàn chỉnh quy trình này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là quản lý chất thải sau vài chục năm tích lũy và phải đưa ra nơi khác, ra khỏi nhà máy điện hạt nhân, để quản lý, lưu trữ lâu dài. Loại rác thải này chủ yếu là rác thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình. Hiện nay, Việt Nam và Nga đã thỏa thuận cấp chính phủ với nhau, nên nhiên liệu đã cháy (phóng xạ hoạt độ cao) sẽ được chuyển về Nga để xử lý (chỉ chiếm 1% trong tổng số rác thải). Trong khi đó, chất phóng xạ thấp và trung bình chiếm 99%, thậm chí hơn thế, sẽ được xử lý ở Việt Nam.

Theo quy định tại Luật Năng lượng Nguyên tử, việc phân loại, xử lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và việc lựa chọn địa điểm xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, lựa chọn địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bộ Xây dựng phê duyệt địa điểm kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ theo quy hoạch đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, theo TS. Hoàng Anh Tuấn, định hướng quy hoạch về xử lý chất thải phóng xạ dự kiến chọn 2 địa điểm ở khu vực miền Trung, có thể ở Ninh Thuận và các địa phương khác để bảo quản lâu dài chất thải phóng xạ thấp và trung bình. Chất thải phóng xạ thấp và trung bình ít nguy hiểm và các phương pháp bảo vệ, chôn nông hoặc chôn sâu, đã được phát triển tốt trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi, nhưng việc này chưa được nghiên cứu sâu về kỹ thuật, mà chỉ có định hướng về quy hoạch địa điểm. Dự kiến, tới đây, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng quy hoạch.

TS. Hoàng Anh Tuấn cho biết, vấn đề cơ sở chôn giữ rác thải cách nhà máy điện hạt nhân bao xa không quá quan trọng, mà quan trọng là phải tìm ra những nơi đảm bảo các điều kiện về địa chất tốt, không gần nơi canh tác và đô thị, và địa chất phải rất khô để không thẩm thấu phóng xạ ra môi trường xung quanh. Ở nước ta hiện có những địa điểm tương đối thuận lợi cho việc này. Hiện Cục Năng lượng Nguyên tử cũng đang có đề tài nghiên cứu sử dụng vật liệu bentonite (có nhiều ở tỉnh Lâm Đồng) để làm vật liệu xây dựng cơ sở chôn rác thải phóng xạ thấp và trung bình nhằm tiết kiệm nhiên liệu mua từ nước ngoài.

Được biết, việc xử lý rác thải phóng xạ trong nhà máy điện hạt nhân do đơn vị vận hành nhà máy thực hiện, trên cơ sở công nghệ của nước ngoài. Sau này, khi rác thải được đem ra khỏi nhà máy thì sẽ có tổ chức chuyên về vấn đề này đảm trách.