Tăng cường hoàn thiện cơ chế chính sách về điện hạt nhân

PV.

(Tài chính) Để góp phần gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách về phát triển điện hạt nhân, thì xây dựng văn bản pháp quy về điện hạt nhân đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải phối hợp triển khai xây dựng đồng bộ, đầy đủ. Đây cũng là yếu tố then chốt tạo điều kiện thuận lợi cho điện hạt nhân phát triển ổn định.

Đẩy mạnh xây dựng văn bản chính sách
Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước dự án điện hạt nhân đề triển khai xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về dự án mới và quan trọng.

Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối đã có báo cáo tổng hợp kế hoạch soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân. 

Theo đó, các văn bản pháp quy về vấn đề này đã được xây dựng đầy đủ, từ dự Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đến các Nghị định hướng dẫn; các Thông tư của các Bộ đã được xây dựng nhằm quy định chi tiết tất cả các vấn đề trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như: cơ chế, chính sách đặc thù quản lý, thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nghĩa vụ tài chính của tổ chức có nhà máy; lộ trình nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ; chế độ với người học tập, làm việc trong lĩnh vực nguyên tử…

Quan trọng hơn là cơ chế, chính sách đối với chu trình nhiên liệu hạt nhân, xử lý chất thải phóng xạ và quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; các hệ thống quy trình, quy chuẩn quốc gia về quan trắc, cảnh báo phóng xạ, kiểm tra, thanh tra an toàn hạt nhân, quản lý chất thải, nguồn phóng xạ…

Trong thời gian qua, các bộ, ngành đã phối hợp triển khai khá tích cực trong việc tạo lập khung pháp lý ban đầu, đặc biệt là ban hành các văn bản liên quan đến việc lập và phê duyệt báo cáo phân tích thực hiện dự án điện hạt nhân.

Về vấn đề này, theo Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tới sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước và pháp quy hạt nhân; nghiên cứu – triển khai và hỗ trợ kỹ thuật; xây dựng, quản lý và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để khắc phục hạn chế và triển khai thành công cũng như vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, lựa chọn địa điểm an toàn và công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đảm bảo việc vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân.

Thứ hai, cần xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy và chuẩn bị năng lực cho các ngành công nghiệp trong nước tham gia cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến điện hạt nhân và thu xếp tài chính, cung cấp nhiên liệu, xử lý chất thải, sự chấp thuận của công chúng…

Thứ tư, cần sớm hoàn thiện và ban hành đủ các văn bản quy phạm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình, thủ tục phục vụ phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Thứ năm, cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách và giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân. Tổ chức điều tra, thăm dò nguồn tài nguyên urani, xây dựng cơ chế, chính sách về khai thác, sử dụng thương mại tài nguyên urani…

Thứ sáu, cần xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư và thu xếp tài chính cho việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên./.