Hội đồng Năng lượng Thế giới:

Tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới

Linh Anh (Theo World Nuclear News)

Thị trường năng lượng tái tạo đang ngày càng được chú trọng đầu tư và đạt mức độ tăng trưởng cao tại các nước đang phát triển. Điều này đã góp phần làm thay đổi bức tranh năng lượng thế giới. Tuy nhiên, năng lượng hạt nhân đang được xem như một phương tiện để bù đắp sự thiếu hụt điện năng ngày càng lớn trong khi hạn chế được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Điện hạt nhân góp phần quan trọng vào bù đắp sự thiết hụt điện của nhiều quốc gia.
Điện hạt nhân góp phần quan trọng vào bù đắp sự thiết hụt điện của nhiều quốc gia.

Thông tin trên vừa được Hội đồng Năng lượng Thế giới cho biết trong Báo cáo nguồn năng lượng thế giới. Báo cáo này được cập nhật 3 năm một lần về dữ liệu nguồn năng lượng toàn cầu và các thông tin liên quan.

Thống kê trong báo cáo cho thấy, tổng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đã tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua, tăng từ 1037 GWe trong năm 2006 lên 1985 GWe vào cuối năm 2015.

Trong giai đoạn này, công suất năng lượng gió tăng từ 74 GWe lên 432 GWe, trong khi năng lượng mặt trời đã tăng từ 6 GWe lên 227 GWe. Công suất thủy điện tăng từ 893 GWe lên 1209 GWe. Trong khi đó, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 23% lượng điện toàn cầu với mức tương ứng 24.098 TWh.

Trong chương về năng lượng hạt nhân - biên soạn với sự hỗ trợ của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới - báo cáo lưu ý, tính đến cuối tháng 12 năm 2015, công suất phát điện hạt nhân toàn cầu dừng ở mức 390 GWe, chiếm khoảng 11% sản lượng điện của thế giới.

Tại cuộc họp báo công bố về báo cáo này, Tổng giám đốc Hiệp hội Hạt nhân thế giới Agneta Rising nói: “So với 25 năm trước, 2015 là một năm rất tốt cho năng lượng hạt nhân, vì nó tăng gấp đôi công suất lắp đặt trực tuyến. Vì vậy, năm 2015 có 10 GWe công suất hạt nhân mới được lắp đặt trực tuyến”

Phát triển điện hạt nhân hiện nay tập trung vào nhóm các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nga. Các nước này đã xây dựng khoảng 40-65 lò phản ứng tính đến cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, một số nước khác cũng đã phát triển điện hạt nhân trong thời gian qua. Cụ thể, Mỹ xây dựng 4 lò phản ứng, châu Âu 5 lò, Tiểu vương quốc Ả rập 4 lò. Ngoài ra, các nước Pakistan, Argentina, Brazil, Ukraine và Belarus cũng triển khai xây dựng các lò phản ứng.  

“Chúng tôi nhận thấy các nước đang khởi động các dự án hoặc tiếp tục xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ điển hình trong số đó”, Tổng giám đốc Hiệp hội Hạt nhân thế giới Agneta Rising nói.

Báo cáo Nguồn Năng lượng Thế giới cũng lưu ý, với các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh ở châu Á, điện hạt nhân được xem như là một sự lựa chọn tối ưu của chính phủ các nước này trong chiến lược phát triển kinh tế.

Đến năm 2035, báo cáo dự báo, các lò phản ứng nhanh sẽ được lắp đặt ở một số nước đã có kinh nghiệm vận hành các lò phản ứng này ở Nga và đang phát triển các lò phản ứng thế hệ IV như lò Astrid được thiết kế ở Pháp.

Hiệp hội Hạt nhân Thế giới cho hay, sản xuất uranium toàn cầu đã tăng 40% từ năm 2004-2013, chủ yếu gia tăng sản xuất bởi Kazakhstan, nhà sản xuất uraniym dẫn đầu thế giới. Tổng công suất điện hạt nhân được xác định tăng khoảng 70% trong 10 năm qua.

Chủ tịch điều hành của nhóm nghiên cứu nguồn Năng lượng thế giới, Hans-Wilheim Schiffer cho biết: “Báo cáo của chúng tôi nhận thấy, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và công nghệ, đã được áp dụng trong các lĩnh vực năng lượng, tạo ra nhiều cơ hội, nhưng đi cùng với đó cũng có nhiều thách thức. Những biến động phụ thuộc vào các nhân tố và dữ liệu sẽ là cơ sở quan trọng cho việc ra quyết định chiến lược của các bên liên quan, chẳng hạn như Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các công ty, đang trở nên quan trọng hơn trong quá khứ”.