Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt: Áp dụng thử Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008

pv.

(Tài chính) Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật và công nghệ hạt nhân, xây dựng và phát triển tiềm lực về cơ sở vật chất - kỹ thuật và nhân lực góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành năng lượng nguyên tử ở Việt Nam.

Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
Năm 2014 đánh dấu là năm đầu tiên Viện  Nghiên cứu hạt nhân chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị định 115 với những kết quả hoạt động nổi bật là: Lò phản ứng hạt nhân (LPƯHN) Đà Lạt tiếp tục được vận hành an toàn 12 đợt dài ngày với tổng thời gian hoạt động ở công suất danh định đạt 1481 giờ để chiếu xạ sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt và các thí nghiệm nghiên cứu kết hợp. Các thiết bị khoa học khác như 2 nguồn chiếu xạ Co-60, ICP-MS, GC-MS, HPLC-MS, AAS, nhấp nháy lỏng Tri-Carb 3180, hệ phân tích tự động các tổn thương ADN... cũng  được Viện Nghiên cứu hạt nhân khai thác có hiệu quả.

Viện đã tiến hành nghiệm thu 20, triển khai thực hiện 24, thuyết minh 19 đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN các cấp. Các tập thể khoa học của Viện đã đăng tải 15 công trình ở Tạp chí quốc tế và nước ngoài, 14 công trình ở Tạp chí quốc gia, 09 báo cáo ở các Hội nghị quốc tế và 16 báo cáo ở các Hội nghị trong nước...

Viện đã xây dựng 07 nhóm nghiên cứu ưu tiên về: Vật lý và động học lò phản ứng; Vật lý hạt nhân trên kênh ngang LPƯ; Điện tử hạt nhân, đo lường và điều khiển LPƯ; An toàn bức xạ; Quan trắc và đánh giá tác động phóng xạ môi trường; Nghiên cứu các quá trình môi trường; Quản lý và xử lý thải phóng xạ.

 Công tác triển khai kỹ thuật & dịch vụ khoa học – công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được Viện mở rộng với tổng doanh thu từ hoạt động này vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai kỹ thuật và dịch vụ, hợp tác quốc tế và đào tạo, trình độ của đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ  của Viện đã được nâng lên, đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu vật lý và công nghệ lò phản ứng, quản lý và vận hành LPƯ nghiên cứu; khai thác sử dụng hiệu quả LPƯ... góp phần tăng cường tiềm lực cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam thực hiện dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân với LPƯ đa mục tiêu sắp tới.

Bên cạnh đó, đội ngũ các cán bộ thuộc các hướng về công nghệ LPƯ, an toàn bức xạ và quản lý thải phóng xạ, phân tích, tư vấn và đánh giá tác động môi trường... của Viện Nghiên cứu hạt nhân có thể tham gia vào các nội dung liên quan của dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Trên thực tế, hiện nay Viện Nghiên cứu hạt nhân là đơn vị duy nhất của phía Việt Nam tham gia đánh giá tác động môi trường về mặt phóng xạ cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Bên cạnh đó, Viện bắt đầu đi vào áp dụng thử Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

Năm 2015, Viện Nghiên cứu hạt nhân đang tập trung nỗ lực đẩy các kết quả về mọi mặt hoạt động, trong đó phấn đấu để có bước cải cách trong quản lý các hoạt động nghiên cứu & triển khai; nâng cao chất lượng các kết quả nghiên cứu; trong sự phối hợp các hoạt động của nội bộ Viện và mở rộng hợp tác với bên ngoài; trong xây dựng tiềm lực về đội ngũ cán bộ và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, triển khai và dịch vụ.