Xây dựng nhà máy điện hạt nhân và những vấn đề đặt ra

An Bình Minh

Để bù đắp phần thiếu hụt điện năng do tình hình nguồn nhiên liệu dùng cho sản xuất điện hiện nay đang cạn kiệt dần, Việt Nam cần xây dựng không chỉ một mà nhiều nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Bởi lẽ, theo tính toán trong nghiên cứu tiền khả thi, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng từ 2.000 MW đến 4.000 MW điện hạt nhân. Khi đó sản lượng điện hạt nhân sẽ chiếm tỷ trọng từ 7-9% trong tổng sản lượng điện năng của Việt Nam.

Ở Việt Nam, phát triển năng lượng hạt nhân theo Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 03/01/2006. Do vậy, việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam là hợp lý do những yếu tố sau:

Thứ nhất, về nhiên liệu hạt nhân. Qua nghiên cứu thăm dò, đánh giá trữ lượng tài nguyên urani và đất hiếm ở Việt Nam có thể thấy, tổng trữ lượng urani trong một số mỏ và điểm quặng ở nước ta là rất lớn, tính theo U308 dự báo là 218.167 tấn, trong đó cấp C1 là 113 tấn, cấp C2 là 16.563 tấn, cấp P1 là 15.153 tấn và cấp P2+P3 là 186.338 tấn.

Các điểm mỏ quặng có trữ lượng lớn là Bắc Nậm Xe 9.800 tấn cấp C2, Nam Nậm Xe 321 tấn cấp C2, Nông Sơn 546 tấn cấp P1, Khe Hoa- Khe Cao 7.300 tấn các loại… Với trữ lượng này, Việt Nam có thể sử dụng nguồn nhiên liệu tại chỗ để sản xuất điện hạt nhân.

Thứ hai, về hạ tầng cơ sở tương đối đầy đủ cũng như nền công nghiệp điện lực đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Việt Nam có thể xây dựng và vận hành thành công các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Về công nghệ, Việt Nam có nhiều sự lựa chọn, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, nền công nghiệp hạt nhân trên thế giới đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn với những bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu và sản xuất ra thế hệ lò phản ứng tiên tiến ngày càng an toàn và hiệu quả.

Thứ ba, về chính trị ổn định. Để phát huy có hiệu quả những tiềm năng sẵn có ở Việt Nam trong quá trình phát triển điện hạt nhân, nên sớm thành lập Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử Quốc gia, xây dựng và hoàn chỉnh Luật Năng lượng nguyên tử nhằm tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động trong lĩnh vực này.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam cũng có những khó khăn, thách thức khi phát triển điện hạt nhân: (i) vấn đề nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm còn thiếu; (ii) cơ sở hạ tầng kỹ thuật và luật pháp còn thấp; (iii) năng lực tài chính hạn chế; (iv) sự chấp thuận của công chúng còn chưa có các nghiên cứu đầy đủ, đôi khi vẫn còn những thông tin phản đối của một số dân chúng; (v) ý thức chấp hành kỷ cương và văn hoá an toàn nói chung còn chưa cao.

Những điều cần biết về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Việt Nam đã có những bước chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân từ những năm của thập kỷ 90. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế chính trị chưa thuận lợi nên mới chỉ tạm dừng ở nghiên cứu tổng quan. Công việc chuẩn bị đã được triển khai mạnh mẽ hơn kể từ sau 2002, khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam do Viện Năng lượng nguyên tử (Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN) chủ trì phối hợp cùng một số cơ quan liên quan khác đã hoàn thành và trình Thủ tướng vào tháng 8/2005.

Cuối tháng 4/2008, Viện Năng lượng nguyên tử đã được Bộ Công Thương và EVN tiếp tục giao nhiệm vụ lập Báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải- Tỉnh Ninh Thuận, mỗi địa điểm dự kiến xây dựng 02 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 1.000MW. Tổng mức đầu tư khoảng 3.562 triệu USD.

Sở dĩ Ninh Thuận được chọn là địa điểm tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân là do các yếu tố sau:

Thứ nhất, có địa hình thuận lợi nhất - Gần biển có thể xây dựng cảng, vận chuyển nguyên vật liệu, nước cung cấp xây dựng nhà máy và nước làm mát lò.

Thứ hai, các tỉnh phía Nam có nhu cầu tiêu thụ điện lớn và thiếu các nhà máy sản xuất điện.

Thứ ba, sau khi hoàn thành công trình Thuỷ điện Sơn La có thể đảm bảo đáp ứng khá tốt nhu cầu tiêu thụ điện của khu vực phía Bắc.

Từ những yếu tố trên, xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận sẽ thuận lợi cho việc cung cấp điện ở phía Nam, giảm thiểu tiêu hao điện.

Tóm lại, phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là hợp lý trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo đang dần cạn kiệt, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng cao cho phát triển kinh tế của đất nước./.