Doanh nghiệp Việt hướng đến xây dựng thương hiệu xanh

Yến Tâm

Thương hiệu xanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, dán nhãn "xanh', ''sạch".
Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, dán nhãn "xanh', ''sạch".

Thời của sản phẩm xanh, hướng đến môi trường

Sau đại dịch COVID-19, cùng với xu hướng thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang có thay đổi lớn, người tiêu dùng quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe khi ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, dán nhãn “xanh”, “sạch”, được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi khí hậu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Cũng theo các chuyên gia, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA… bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định cao về tiêu chuẩn môi trường. Vì vậy, thực hiện tốt sản xuất xanh cũng là một cơ hội để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu hay Nhật Bản…

Chung tay phát triển thương hiệu xanh

Những doanh nghiệp hoạt động lâu đời nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung ở Việt Nam nói chung đã và đang nỗ lực, cố gắng chung tay để có một nền kinh tế xanh, một môi trường sạch không rải thải.

Không chỉ có những doanh nghiệp đơn lẻ, các công ty còn liên doanh hợp sức cùng với nhau chung tay để bắt kịp xu hướng sống xanh. Mới đây, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) đã được thành lập nhằm hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường. Cụ thể, PRO Vietnam sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.

Các doanh nghiệp luôn chú trọng đổi mới công nghệ để xử lý triệt đểô nhiễm môi trường.
Các doanh nghiệp luôn chú trọng đổi mới công nghệ để xử lý triệt để
ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, Lavie vừa cho ra mắt sản phẩm chai nước khoáng thiên nhiên thủy tinh và đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu tất cả chai nhựa của Lavie đều được thu gom, tái chế và sử dụng lại hoàn toàn.

Trong hoạt động sản xuất, công ty Nhựa Tiền Phong đã liên tục đổi mới trang thiết bị tự động với mục tiêu sản xuất sản phẩm được khép kín, tiết kiệm nguồn tài nguyên, không bị rò rỉ khí thải gây hại đến sức khỏe nngười lao động và môi trường.

Đồng thời, Nhựa Tiền Phong đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để thay thế chất phụ gia Pb thành Glicerin và xây dựng khu xử lý nước thải chuyên biệt để xử lý triệt để việc ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước thải ra môi trường luôn đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định.

Đại diện của Nhựa Tiền Phong khẳng định, việc áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 14000:2015, ISO 50001 trong các khu nhà máy cũng như làm đánh giá quan trắc môi trường theo từng quý đã giúp cho Nhựa Tiền Phong luôn được đánh giá cao tại các hội thảo về môi trường.