Đổi mới để tạo đột phá trong quản lý của các đơn vị sự nghiệp công

Theo baohaiquan.vn

(Taichinh) - Sáng nay, 10/4/2015, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đổi mới cơ chế hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tài chính. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Nguồn:baohaiquan.vn
Thứ trưởng Vũ Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Nguồn:baohaiquan.vn

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Việc đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp là sắp xếp, bố trí lại nguồn lực hợp lý của ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; từng bước xóa bỏ sự can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, giảm sự bao cấp của Nhà nước.

Yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công nhằm tạo ra đột phá trong quản lý, tính chủ động, trách nhiệm của các đơn vị trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Chính vì vậy, Thứ trưởng khẳng định: "Đổi mới cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công là nhiệm vụ buộc phải thực hiện, chỉ có đổi mới mới tạo ra thu nhập tăng thêm thu nhập cho viên chức, người lao động, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ".

Chia sẻ về các nội dung liên quan đến việc đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nêu lên 3 lĩnh vực.

Thứ nhất, đối với các cơ sở giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện cơ chế tài chính tự chủ mới để chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi phí cho NSNN.

Hiện nay, có 5 trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm là Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học kinh tế quốc dân, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Tài chính - Marketing. Trong đó, Trường Đại học Tài chính - Marketing là trường đầu tiên được Bộ Tài chính trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Thứ hai, đối với đơn vị sự nghiệp chung, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập với mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển dần sang hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công thay vì giao dự toán như trước đây, gắn liền với lợi ích mà đơn vị đã năng động tạo nên bằng nhiều hình thức cung ứng các dịch vụ khác nhau, khuyến khích các đơn vị chủ động tăng thu, giảm dần việc thụ động phụ thuộc và ngân sách Nhà nước.

Thứ ba, đối với việc triển khai thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động với đơn vị sự nghiệp công, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã có Kết luận số 11-KL/BCSĐ, trong đó giao các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tài chính xây dựng đề án chuyển đổi mô hình và quản lý cơ chế tự chủ tài chính.

Với những văn bản, chỉ đạo đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu các đơn vị sự nghiệp quán triệt đầy đủ những nội dung cụ thể liên quan đến đơn vị mình, đặc biệt là những nội dung mới sửa đổi, bổ sung để chủ động triển khai, thực hiện.

Các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính gồm Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Cục Kế hoạch tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ sẽ là những đầu mối hướng dẫn, giải đáp vướng mắc; phối hợp chặt chẽ, cùng với các đơn vị rà soát, xây dựng, đề xuất phương án đổi mới các cho đơn vị.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe giới thiệu những điểm mới về đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16; những cơ hội và thách thức đối với các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ Tài chính khi thực hiện Nghị quyết số 77.

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến, quan điểm thiết thực của các đơn vị về nội dung thực hiện xây dựng đề án cơ chế tự chủ; nội dung thành lập Hội đồng trường, rà soát hoàn thiện, xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy của các Trường; các vấn đề liên quan về tài chính, cơ sở vật chất đầu tư xây dựng cơ bản đối với các đơn vị sự nghiệp; trong đó tập trung vào các vấn đề tồn tại, vướng mắc và giải pháp cần triển khai trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn và chuẩn bị cơ sở vật chất tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tài chính mới...

Có thể nói, trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn hạn chế, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước có hạn, khó có khả năng tăng đột biến trong thời gian tới. Vì vậy, việc triển khai quyết liệt các nội dung thí điểm nêu tại Nghị quyết 77 và Nghị định 16 của Chính phủ sẽ góp phần tăng thêm nguồn lực tài chính đầu tư phát triển dịch vụ công có chất lượng, gắn với mục tiêu công bằng và hiệu quả theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.