Đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi phát triển nhà ở xã hội


Tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" do Báo Người Lao động tổ chức ngày 28/3, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, các vướng mắc về cơ chế chính sách như quỹ đất, trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán sẽ được đơn giản hóa trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội phát triển.

Phát triển nhà ở xã hội cần gắn với hệ sinh thái

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trương Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng đột phá phải bắt đầu từ ý tưởng. Chính phủ có ý tưởng thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội, tuy nhiên, cần căn cứ theo nhu cầu thực tế tại từng địa phương, khu vực mà phân bổ cho hợp lý, tránh tình trạng nơi có nhu cầu lớn thì lại không có, nơi không có nhu cầu thì lại dư thừa.

Hiện nay, một trong những vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội là về vốn. Công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9% - 10%.

"Cho nên, phải có gói cho vay đối với người tiếp cận nhà ở xã hội. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần phải được giải quyết. Ngân hàng cho vay lãi suất khoảng 5% thì công nhân, người lao động mới mua được nhà ", ông Tuấn đề xuất.

Hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan chuyên môn; lãnh đạo TP. Hồ Chính, Bình Dương, Đồng Nai cùng nhiều chuyên gia đô thị, pháp luật, kinh tế; doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: VGP/Lê Anh.
Hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan chuyên môn; lãnh đạo TP. Hồ Chính, Bình Dương, Đồng Nai cùng nhiều chuyên gia đô thị, pháp luật, kinh tế; doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: VGP/Lê Anh.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, các DN trong ngành phản ánh rằng vấn đề thủ tục hành chính để thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương thường kéo dài, nhất là ở các thành phố lớn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội, phải nâng cao hơn nữa vai trò của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho hay, hiện nay quá trình triển khai các thiết chế công đoàn kết hợp với phát triển nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc. 

Tổng LĐLĐ kết hợp với nhà đầu tư làm dự án nhà ở và đứng ra làm các thiết chế văn hóa để người lao động có khu vui chơi, thể dục thể thao thì sẽ đồng bộ, giúp công nhân vừa ổn định chỗ ở vừa nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, thực tế khi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội đều mong muốn xây nhà cao 15-20 tầng (cao hơn quy hoạch trước đó) dẫn đến mất nhiều thời gian điều chỉnh quy hoạch vì liên quan nhiều quy hoạch khác; và chưa điều chỉnh quy hoạch thì chưa được chấp thuận đầu tư.

Vì vậy, ông Lê Văn Nghĩa cho rằng quy hoạch phải tổng thể, phải rộng, nhiều nơi quy hoạch nhà ở xã hội 5 tầng thì không đảm bảo thu hút đầu tư.

Chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết phát triển nhà ở xã hội là chủ trương chung của Chính phủ nhưng mỗi địa phương khác nhau.

Khi người lao động đến Bình Dương làm việc, UBND tỉnh xem đây là cơ hội cũng là thách thức cho địa phương. UBND tỉnh đã làm việc với Becamex để phát triển nhà ở xã hội gắn liền hệ sinh thái như y tế, giáo dục, giao thông… 

"Nhà ở xã hội phải gắn với hệ sinh thái, không thể tách rời", ông Huy nhấn mạnh.

Sẽ đơn giản hóa nhiều thủ tục đầu tư nhà ở xã hội

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội một cách bền vững trong thời gian tới, theo TS. Cấn Văn Lực đầu tiên phải thay đổi quan điểm và cách tiếp cận. Phải coi đây là chính sách mang ý nghĩa về kinh tế và an sinh xã hội. Cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản.

Thứ hai là cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý. "Tôi rất mong muốn Bộ Chính trị có một nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội", TS. Lực bày tỏ.

Thứ ba là Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất. 

Thứ tư là cần quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nhà ở xã hội. 

Thứ năm là phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội.

Cuối cùng là ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến phát triển nhà ở xã hội. Đó là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Hưng, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023.

Trong đó, về việc quỹ đất chưa đảm bảo nhu cầu, sắp tới các doanh nghiệp có quỹ đất thuộc sở hữu hợp pháp thì được chỉ định làm chủ đầu tư khi phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở.

Ngoài ra, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.

Để triển khai hiệu quả các dự án nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng cũng đề nghị người đứng đầu các địa phương cần xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị và quyết tâm phải làm.

Ngoài ra, dự kiến đối với đối tượng được thuê nhà ở xã hội thì không phải đảm bảo nhiều điều kiện như hiện nay, và chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công chứ không phải tổng thu nhập như hiện nay.

Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội thì quy định là người chưa có nhà ở hoặc diện tích trung bình dưới 10 m2/người. Như vậy, dự thảo cắt giảm nhiều thủ tục về khâu xác định đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo Lê Anh/baochinhphu.vn