Dồn lực giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Theo Ẩn Liên/Báo Hậu Giang

Xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) là điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án đúng theo tiến độ, 5 tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, đã tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB hơn 36km và đã bàn giao cho các địa phương vào ngày 15/3. Ảnh: Ẩn Liên
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB hơn 36km và đã bàn giao cho các địa phương vào ngày 15/3. Ảnh: Ẩn Liên

Xúc tiến giải phóng mặt bằng

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 1/2022.

Trong đó, có đoạn Cần Thơ đi Cà Mau gồm 2 Dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau trải dài qua 5 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài hơn 109km. Tổng mức đầu tư khoảng 27.000 tỉ đồng (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang 9.769 tỉ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau 17.485 tỉ đồng).

Hiện nay, các đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn thành công tác lập dự án đầu tư để đảm bảo tiến độ trình Bộ GTVT phê duyệt. Bước đầu đã hoàn thành được hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB hơn 36km và đã bàn giao cho các địa phương vào ngày 15-3. Các tỉnh, thành phố đã có sự chuẩn bị chu đáo xúc tiến thủ tục thực hiện công tác GPMB để chuẩn bị khởi công 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau vào cuối năm nay.

Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết: Ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã chủ động đăng ký làm việc với UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ngành để báo cáo thông tin về dự án và đề nghị triển khai một số công việc chuẩn bị cho khâu bồi thường, GPMB đảm bảo tiến độ khởi công dự án trong tháng 11/2022. Tới thời điểm này, hầu hết các nội dung công việc đều cơ bản đảm bảo được yêu cầu tiến độ chung của dự án.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và có văn bản giao nhiệm vụ cho đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án. Trong đó tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Cà Mau giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện. TP. Cần Thơ giao cho quận Cái Răng và tỉnh Kiên Giang giao cho huyện Vĩnh Thuận thực hiện. Đây là cơ sở để các đơn vị phối hợp bàn giao - tiếp nhận hồ sơ và cọc GPMB (đợt 1 từ ngày 15/3/2022) và triển khai các công việc tiếp theo.

Ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: Đây là dự án có vai trò rất lớn trong việc kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị và đầu mối giao thông trong khu vực, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho cả vùng. Nhận thức rất rõ về vai trò, tầm quan trọng của dự án nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang quyết tâm chỉ đạo sâu sát, xác định công tác GPMB là điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án đúng theo tiến độ.

Tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, trong đó có cập nhật dự án cao tốc đi qua Hậu Giang vào quy hoạch. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thống kê, cung cấp số liệu diện tích chuyển đổi đất trồng lúa nước 2 vụ trở lên và đã gửi về Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sẽ là đơn vị chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu các huyện có dự án đi qua phối hợp, hỗ trợ tối đa để thực hiện hoàn thành công tác GPMB theo kế hoạch.

Tại Hội nghị bàn giao hồ sơ cột mốc GPMB dự án mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng các khu tái định cư vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án và đưa vào Khung chính sách trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện. Đồng thời, sớm trình Thủ tướng phê duyệt Khung chính sách, làm cơ sở cho các địa phương xây dựng, phê duyệt giá đất cụ thể và lập thủ tục quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho phù hợp.

Hậu Giang cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận sớm bàn giao cọc GPMB đợt còn lại để địa phương chủ động trong việc xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo thời gian thu hồi đất ít nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp theo quy định

Tập trung cao độ

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, thông tin là TP. Cần Thơ đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản, ý kiến chỉ đạo  của Bộ GTVT về dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trên địa bàn thành phố. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị tư vấn thiết kế triển khai thỏa thuận thống nhất về các yếu tố kỹ thuật, cung cấp số liệu, các nội dung theo yêu cầu.

“TP. Cần Thơ đã trình Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm Quốc gia trên địa bàn thành phố do Bộ GTVT triển khai. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đã làm việc với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận để cung cấp các thông tin về số liệu tổng hợp, diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đồng thời cập nhật phạm vi thu hồi đất của dự án vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất làm căn cứ tổ chức GPMB. UBND thành phố đã giao UBND quận Cái Răng làm chủ đầu tư GPMB, thành lập hội đồng bồi thường hỗ trợ, tái định cư”, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết.

Theo tiến độ Bộ GTVT đề ra, TP. Cần Thơ cam kết phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, các tỉnh, nỗ lực hết sức để giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao 70% diện tích GPMB của gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20-11-2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Các địa phương thống nhất cao và mong dự án sẽ sớm được triển khai để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, đặc biệt là kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới của địa phương, tạo động lực phát triển cho các địa phương cũng như liên kết vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có khoảng 17km đi qua địa phận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Đây là tuyến đường tỉnh rất mong đợi để góp phần liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh sẽ dốc hết sức phối hợp trong quá trình GPMB cũng như thực hiện dự án, cam kết với Bộ GTVT sẽ bám sát mốc tiến độ công việc đã đề ra. Đồng thời đề nghị Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kết hợp chặt chẽ với tỉnh trong quá trình thực hiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

Để thuận lợi hơn trong công tác GPMB thực hiện dự án, ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chỉ ra rằng: Rút kinh nghiệm từ những dự án giao thông liên tỉnh, trong khâu GPMB thường vướng mắc về giá bồi thường ở những vị trí giáp ranh giữa các tỉnh. Do đó, các tỉnh cần thống nhất phương án tại những vị trí này để tránh sự so bì gây kéo dài trong công tác GPMB.

Phát biểu tại Hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nêu rõ: “Đến ngày 30-6 phải phê duyệt toàn bộ dự án đầu tư của 12 dự án thành phần; cuối năm nay phải khởi công 12 dự án thành phần này và đến năm 2025 phải cơ bản hoàn thành. Năm 2026 đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Đây là những mốc quan trọng nhất chúng ta phải bám sát trong quá trình thực hiện”.

Với yêu cầu tiến độ và khối lượng công việc còn lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, do vậy Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ thực hiện song song đồng thời các nhiệm vụ. Tuyến cao tốc này có điều kiện thuận lợi là triển khai trên địa hình bằng phẳng của vùng đồng bằng, hướng tuyến chủ yếu tránh các khu đô thị, khu dân cư. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nền đất yếu mất rất nhiều thời gian. Do đó, đề nghị lãnh đạo các địa phương, sở, ngành phối hợp trong quá trình giải quyết các hồ sơ liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai 2 dự án thành phần này.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44 với 12 dự án thành phần có tổng chiều dài khoảng 729km, bao gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. “Trong số 3 phân đoạn trên, chúng tôi phấn đấu sẽ hoàn thành sớm phân đoạn từ Cần Thơ - Cà Mau để đáp ứng nhu cầu phát triển, liên kết các tỉnh ĐBSCL”, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết.