Đồng bộ các giải pháp thúc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2021


Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, ngay từ đầu năm, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo động lực và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2021, Bộ Tài chính đang xây dựng Chương trình công tác với nhiều giải pháp cụ thể.

Cụ thể, về xây dựng chính sách, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công trình Chính phủ ban hành ngay trong quý I/2021, theo hướng minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch..., để đưa ra được những kiến nghị, hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, thuận lợi cho quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công.

Về tổ chức thực hiện, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ thực hiện kịp thời việc kiểm tra phân bổ vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm đảm bảo việc giao kế hoạch vốn theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện việc phân bổ chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập dự toán trên hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để đảm bảo nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án.

Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Nâng cao trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn vay ODA 

Lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích, việc giải ngân chậm vốn vay nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng rút ngắn thời gian giải ngân và các dự án sẽ phải vừa rút vốn vừa trả nợ hoặc kéo theo tình trạng hủy vốn với nhà tài trợ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn vay trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài đang thu hẹp lại.

Lý giải về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài tại các bộ, ngành và địa phương vẫn còn chậm (còn tới 26 nghìn tỷ đồng không thực hiện được, phải hủy dự toán), Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã chỉ rõ những tồn tại và nguyên nhân khiến việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài tại các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn.

Cụ thể, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án vay vốn trong nước do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, dẫn đến nhiều dự án không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân.

Bên cạnh đó, trách nhiệm người sử dụng vốn chưa được đề cao, chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, phải liên tục điều chỉnh; năng lực triển khai còn yếu kém, chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu…

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân do vướng mắc thực thi quy định pháp luật như chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư; vướng mắc trong triển khai các quy định mới liên quan tới quản lý định mức đầu tư…

Từ những phân tích cụ thể trên, lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực và trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn ở tất cả các khâu của dự án và kiên quyết cắt vốn đối với các dự án thực hiện không đảm bảo kế hoạch đề ra.

Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn trong tất cả các khâu từ chuẩn bị dự án đầu tư, đến triển khai dự án và thanh quyết toán vốn vay, vốn đầu tư cho dự án, để tránh việc điều chỉnh dự án và phát sinh các vướng mắc trong quá trình giải ngân và có khối lượng để giải ngân; khẩn trương hoàn thành thủ tục đề nghị giải ngân hoặc hoàn chứng từ về công tác kiểm soát chi, ghi thu, ghi chi đối với khối lượng đã hoàn thành được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi.

Đồng thời, các chủ dự án cần chủ động phối hợp với cơ quan cho vay lại, hoàn thiện hồ sơ thẩm định phương án tài chính đối với các dự án cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, để đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng cho vay lại.

Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA, tiến hành kiểm đếm kịp thời cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành để làm thủ tục rút vốn, không chờ toàn bộ các địa phương hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm.