Dòng tiền tìm về nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

Minh Lâm

VN-Index tiếp tục giằng co về chiều, có lúc rơi xuống dưới tham chiếu và phải nhờ đến sức kéo tốt của nhóm blue-chips mới có thể giữ được sắc xanh 4 phiên liên tiếp.

VN-Index tiếp tục giằng co nhưng vẫn duy trì được đà tăng.
VN-Index tiếp tục giằng co nhưng vẫn duy trì được đà tăng.

Thanh khoản mua chủ động gia tăng từ đầu phiên sáng 12/7 giúp cho VN- Index giữ được sắc xanh và tiếp tục duy trì nhịp tăng điểm. Sự phân hóa đã hiện diện rõ hơn khi lực cầu chỉ tìm đến một vài nhóm ngành nhất định có thể kể đến như: bảo hiểm, bất động sản với mức tăng lần lượt là 0,8% và 1,78%.

Tuy nhiên, kịch bản lặp lại, VN-Index lần nữa tiến sâu vào vùng kháng cự 1.150 điểm khi áp lực chốt lời sau giờ nghỉ trưa gia tăng. Cũng may, nhờ lực cầu hỗ trợ, chủ yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đã giúp thị trường đã lấy lại sắc xanh vào cuối phiên.

Tính đến 14h, tuy chỉ số chung vẫn giữ được sắc xanh nhưng số mã giảm đã lên đến 250 mã cho thấy sự đóng góp tích cực đa phần nằm ở các cổ phiếu vốn hóa lên có tác động trực tiếp như VCB (+1%) và đặc biệt bộ 3 nhà Vin: VHM (+2,2%), VRE (+2,9%), VIC (+1,2%). Những mã cổ phiếu này cùng nhau góp gần 4 điểm cho VN-Index.

Phiên chiều nay còn chứng kiến sự khởi sắc của cổ phiếu mía đường khi cả SBT (+7%) và LSS (+6,7%) đều leo lên mức kịch trần. Trong đó, riêng SBT trong đợt ATC khớp tới 1,83 triệu đơn vị ở mức trần, nâng tổng khối lượng khớp lên 8,8 triệu đơn vị cả ngày. LSS khiêm tốn hơn nhưng cũng khớp mức kỷ lục, gần 4,5 triệu đơn vị.

Ở chiều đối nghịch, HPG (-1.1%), CTG (-1%) cùng VPB (-1.3%) cùng lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số. VN30-Index chững lại đà tăng và lùi về mức 1.146,54 điểm (-0.13%) khi bên bán có được ưu thế trong rổ với 15 mã giảm, 14 mã tăng và một mã đi ngang cho thấy mức độ phân hóa khá cao. PDR dẫn đầu đà tăng với mức tăng 3,8%; ở phía ngược lại, VPB là mã giảm mạnh nhất với mức giảm 1,3%.

Kết phiên, VN-Index tăng nhẹ 2,43 điểm (tương đương 0,21%) dừng ở mốc 1.154 điểm. Sự giằng co trong phiên cho thấy tâm lý thận trọng ở cả bên mua và bên bán, đặc biệt dòng tiền mua mới còn đang ngập ngừng quanh vùng cản.

Xét về thanh khoản, điều này càng được phản ánh khi khối lượng giao dịch chững lại đà tăng và sụt giảm khỏi mức trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy lực đã yếu đi sau phiên rung lắc trước đó. Giao dịch khớp lệnh giảm hơn 18% so với phiên trước, với tổng khối lượng giao dịch hơn 696 triệu cổ phiếu, tương đương 14.379 tỷ đồng về giá trị.

Hiện tại, chỉ số đang tiến sâu vào vùng kháng cự 1.150-1.160 điểm. Do đó, việc xuất hiện các nhịp rung lắc như 2 phiên gần đây là hoàn toàn dễ hiểu. Vì vậy, để tiếp tục nối dài đà tăng và hướng đến mục tiêu sóng 3 tăng quanh mức 1.200 điểm, VN-Index phải chinh phục được vùng cản trên.