Đồng yen của Nhật Bản tiến gần mức thấp kỷ lục trong vòng 33 năm


Đồng yen của Nhật Bản đang tiếp tục trượt giá mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ra quyết định giữ nguyên lãi suất âm và nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).

Đồng yen trượt giá mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ra quyết địnhgiữ nguyên lãi suất âm và nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Ảnh: Nikkei
Đồng yen trượt giá mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ra quyết địnhgiữ nguyên lãi suất âm và nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Ảnh: Nikkei

Trước đó, kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, BOJ đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và giữ nguyên mục tiêu lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0%, nhưng mức trần 1% của YCC sẽ trở thành một giới hạn linh hoạt, thay vì một giới hạn cố định. Ngoài ra, BOJ cũng từ bỏ cam kết bảo vệ trần lợi suất bằng cách mua vào lượng trái phiếu không giới hạn - lời hứa mà BOJ đã đưa ra trong các cuộc họp trước đây.

Tại phiên giao dịch trên thị trường New York (Mỹ) ngày 31/10, đồng yen có thời điểm trượt giá tới 151,74 yen đổi 1 USD. Nếu vượt qua mốc 151,94 yen trong tháng 10/2022, đồng yen sẽ chạm mức thấp nhất trong 33 năm kể từ tháng 7/1990. Ngoài ra, tỷ giá đồng yen so với đồng euro cũng phá vỡ mốc 160 yen đổi 1 euro lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Tại phiên giao dịch ngày 1/11, tỷ giá đồng yen phục hồi nhẹ, có lúc lên 151,27 yen đổi 1 USD, giảm 13% từ đầu năm đến nay và giảm 38% so với mức đỉnh thiết lập trong đại dịch COVID-19. Tỷ giá đồng yen so với euro dao động trên ngưỡng 160 yen đổi 1 euro. Năm ngoái, đồng yen cũng mất giá khoảng 13% so với USD.

Cách đây 1 năm, việc đồng yen rớt giá ồ ạt về gần ngưỡng 152 yen đổi 1 USD đã dẫn tới việc Bộ Tài chính Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá đồng yen lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ. 

Các nhà đầu tư nhận thấy, lãi suất ở Mỹ và châu Âu còn nhiều dư địa để tăng, trong khi lãi suất ở Nhật Bản bị hạn chế do sự yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Lãi suất dài hạn hiện ở mức khoảng 4,9% ở Mỹ và 0,95% ở Nhật Bản. Khi đồng yen chạm mức thấp nhất vào ngày 21/10/2022, lãi suất của Mỹ và Nhật Bản lần lượt ở mức khoảng 4,2% và 0,25%. Do tăng với tốc độ gần như nhau, nên khoảng cách lãi suất không thay đổi.

Giới phân tích cho rằng những điều chỉnh đối với việc kiểm soát đường cong lợi suất của BOJ sẽ không làm được gì nhiều để thay đổi điều này. Nhà phân tích ngoại hối của JPMorgan, ông Katsuhiro Oshima ước tính, mỗi mức tăng 0,1% trong lãi suất dài hạn của Nhật Bản sẽ khiến tỷ giá của đồng tiền này chỉ tăng khoảng 0,5 đến 1,3 yen so với đồng USD.

Dữ liệu việc làm hàng tháng của Mỹ, sẽ công bố vào ngày 3/11, có thể đẩy lãi suất của Mỹ và đồng USD tăng trở lại. Số lượng việc làm mạnh mẽ của Mỹ được công bố ngày 31/10 vừa qua đã góp phần khiến đồng yen sụt giảm mạnh.

Khi được hỏi liệu Nhật Bản có sẵn sàng hành động, bao gồm cả khả năng can thiệp hay không, nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu Masato Kanda cho biết, nước này đang “ở chế độ chờ”. Đây chính là cụm từ mà ông Kanda đã sử dụng vào tháng 9/2022, trước khi Nhật Bản tiến hành can thiệp mua đồng yen lần đầu tiên sau 24 năm. Trong khi đó, ông Teppei Ino tại Ngân hàng MUFG cho biết, thị trường hiện coi đây là "mức độ can thiệp bằng lời nói cao nhất". Sự sụt giảm của đồng yen đã dừng lại một thời gian sau phát biểu trên của quan chức Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, dường như đang xảy ra sự mất kết nối giữa Chính phủ với BOJ. Khoảng 5 giờ sau bình luận của ông Kanda, BOJ đã công bố một đợt mua trái phiếu đột xuất, có khả năng hạn chế lợi suất dài hạn tăng vọt. Ngay sau đó là sự sụt giảm mới của đồng yen.

Nếu đồng yen tiếp tục trượt giá, một số nhà phân tích kỳ vọng Tokyo sẽ thực sự can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này./.

Theo dangcongsan.vn