Ngành Thuế: Gắn công nghệ thông tin với cải cách hành chính

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Năm 2009, ngành Thuế bắt đầu xây dựng hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sử dụng giải pháp có sẵn của SAP (hãng phần mềm của Đức) đã được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Hệ thống này có quy mô lớn, triển khai cho 63 cục thuế và hơn 700 chi cục thuế, quản lý hơn 20 triệu người nộp thuế.

Ngành Thuế: Gắn công nghệ thông tin với cải cách hành chính
Dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế TNCN đã đánh dấu bước thành công lớn của ngành Thuế. Nguồn: internet
Thành quả ban đầu

Hệ thống quản lý thuế TNCN hỗ trợ tối đa các chức năng cơ bản trong quản lý thuế TNCN từ đăng ký thuế, xử lý tờ khai, xử lý chứng từ, kế toán thuế, quản lý nợ thuế, kiểm soát thu nhập của cá nhân trên phạm vi toàn quốc và có khả năng xử lý khối lượng thông tin lớn. Bên cạnh đó, dự án đã đề xuất cải tiến quy trình, nghiệp vụ quản lý thuế để hướng tới các chuẩn  mực quốc tế.

Dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế TNCN đã đánh dấu bước thành công lớn của ngành Thuế trong hoạt động quản lý thuế gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (viết tắt là TMS – Tax Managment System) cũng được Tổng cục Thuế xây dựng theo giải pháp SAP, trên cơ sở mở rộng hệ thống quản lý thuế TNCN (QLT_TNCN) để quản lý các loại thuế còn lại (giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)...). Hệ thống TMS thay thế 16 ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế đang vận hành và triển khai phân tán tại 3 cấp của ngành Thuế (Tổng cục, Cục thuế và Chi cục thuế), đáp ứng toàn bộ các khâu xử lý dữ liệu cho các quy trình nghiệp vụ: Đăng ký thuế, quản lý hồ sơ thuế, quản lý và xử lý kê khai/quyết toán thuế, kế toán thuế nội địa, quản lý nợ, sổ sách, báo cáo phân tích, đánh giá và có khả năng kết nối với các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế (NNT) trong thực hiện các thủ tục về thuế.

Hệ thống TMS đã thực hiện triển khai tại 25 cục thuế trong cả nước, bao gồm: Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình. Dự kiến đến hết năm 2015, hệ thống TMS sẽ được triển khai trên toàn bộ 63 cục thuế và hơn 700 chi cục thuế thuộc các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong đợt làm việc với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), Phái đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới đã tổ chức khảo sát và đánh giá hệ thống QLT_TNCN và hệ thống TMS tại Cục Thuế TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Phái đoàn đã có đánh giá tốt cả về hệ thống phần mềm và hạ tầng kỹ thuật của hệ thống TMS và khuyến nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tiếp tục triển khai hệ thống TMS như kế hoạch đã đặt ra và nhận xét đó là kế hoạch triển khai khả thi và đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hoá công tác quản lý thuế.

Chính vì vậy, hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung - TMS được Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) xác định là hệ thống ứng dụng tác nghiệp lõi chính thức và duy nhất của ngành Thuế hỗ trợ công tác quản lý thuế của các cấp trong ngành Thuế và tiếp tục mở rộng hệ thống để tích hợp các cấu phần mới như: Thanh tra, kiểm tra, kho cơ sở dữ liệu, phân tích đánh giá rủi ro.

Cung cấp dịch vụ khai thuế qua mạng  

Từ nhiều năm nay, ngành Thuế đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp của 63 tỉnh/thành phố với hơn 300 chi cục thuế. Đến nay, cả nước đã có khoảng 411.615 doanh nghiệp thực hiện kê khai qua mạng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng yêu cầu giảm thời gian nộp thuế, ngành Thuế phấn đấu hoàn thành khai thuế đạt 100% doanh nghiệp trên cả nước vào cuối năm 2014.

Triển khai dịch vụ khai thuế qua mạng đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cả doanh nghiệp, cơ quan thuế và toàn xã hội. Người nộp thuế thực hiện khai thuế qua mạng đã tiết kiệm thời gian chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường áp dụng CNTT trong chính nội bộ các doanh nghiệp. Ứng dụng khai thuế qua mạng cũng hỗ trợ cho cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế tốt hơn: giảm nhân lực thời gian tiếp nhận tờ khai; việc xử lý tờ khai thuế nhanh chóng, chính xác; giảm chi phí, nhân lực  nhập liệu, lưu trữ, tra cứu tờ khai. 

Triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử

Từ năm 2011, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế cần triển khai kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với các ngân hàng để mở rộng điểm thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Qua gần 3 năm triển khai, đến nay ngành Thuế đã ký kết và trao đổi thông tin với 13 Ngân hàng gồm: BIDV, Viettin Bank, Vietcombank, Agribank, VIB bank, Maritimebank, VP bank, Lienviet Bank, Ocean Bank, MHB, VIPBank, PGBank, An Bình Bank, HD bank).

Thông qua việc trao đổi thông tin với ngân hàng số điểm thu NSNN đã lên tăng lên đáng kể. Đồng thời, việc thu thuế qua ngân hàng cũng đã mở ra rất nhiều hình thức thu NSNN như: thu tại quầy, thu qua ATM, thu qua Internet Banking. Với hơn 2.000 điểm thu ngân sách, qua thống kê sơ bộ, các ngân hàng đã thu được trên 500.000 tỷ đồng với gần 4 triệu lượt NNT đến thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai thí điểm chương trình nộp thuế điện tử (NTĐT) cho doanh nghiệp tại 03 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Đến giữa năm 2014, Tổng cục Thuế và các ngân hàng thương mại (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội) đã ký Thoả thuận hợp tác triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử.

Tính đến hiện tại đã có 3428 doanh nghiệp đăng kí sử dụng dịch vụ, trong đó có 1459 doanh nghiệp kích hoạt thành công và 390 doanh nghiệp đã phát sinh giao dịch. Tổng số tiền giao dịch đã thực hiện được đến hiện tại là 611 tỷ đồng.

Việc phối hợp giữa cơ quan thuế với ngân hàng đã giúp NNT có thể thực hiện nộp thuế mọi lúc, mọi nơi (24/7), theo dõi được tình hình nộp NSNN qua tài khoản và được sử dụng các dịch vụ gia tăng ưu đãi khác của ngân hàng. Cơ quan thuế nắm bắt được kịp thời, chính xác thông tin về NNT, giảm thiểu việc điều chỉnh sai sót. Quá trình nộp thuế tự động, ngân hàng, KBNN tiết kiệm được nguồn lực thực hiện thu NSNN tại quầy.

Công khai thông tin cho người nộp thuế

Tổng cục Thuế đã triển khai đăng tải các chuyên mục công khai thông tin trên Trang thông tin điện tử ngành Thuế. Các thông tin được đăng công khai bao gồm thông tin hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; Quyết định cưỡng chế và thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng; Danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hoá đơn do cơ quan thuế phát hành; Danh sách các Doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài.

Việc công khai thông tin cho người nộp thuế đã góp phần tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam: MINH BẠCH - CHUYÊN NGHIỆP - LIÊM CHÍNH - ĐỔI MỚI.