Dự án VN3.01/09: Hỗ trợ đào tạo nhân lực hiệu quả cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Hà Huyền

(Tài chính) Ngày 16/4/2015, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Họp báo công bố kết quả Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao khung pháp lý về an toàn hạt nhân và tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan pháp quy” (VN3.01/09), do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, dự án VN3.01/09 do EU tài trợ, đã hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị nhân lực cần thiết cho chương trình phát triển điện hạt nhân, đặc biệt tập trung nâng cao năng lực kỹ thuật cho cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam, phục vụ cho công tác thẩm định địa điểm, thanh tra nhà máy điện hạt nhân ứng phó sự cố và kiểm soát phóng xạ môi trường. Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn, với những kết quả tích cực đạt được của Dự án, hai bên sẽ tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác chặt chẽ, triển khai thành công dự án pha tiếp theo trong thời gian tới.

Dự án VN3.01/09: Hỗ trợ đào tạo nhân lực hiệu quả cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại buổi Họp báo.

Đánh giá cao hợp tác giữa EU và Việt Nam trong thời gian qua, ông Franz Jessen – Đại sứ EU tại Việt Nam, cho rằng, cần phải thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên đặc biệt trong lĩnh vực pháp quy hạt nhân để hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân.

Cũng tại buổi họp báo, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn và bức xạ hạt nhân đã thông tin với báo chí về các hoạt động, kết quả và đóng góp của Dự án cho Việt Nam.

Trong vòng 3 năm thực hiện Dự án đã phối hợp tổ chức được 27 hội thảo và khoá đào tạo cho hơn 500 lượt cán bộ, 9 đoàn ra cho 22 cán bộ học tập từ 1 – 5 tuần tại các nước Đức, Pháp, Bỉ và Phần Lan và 8 cuộc họp.

Bên cạnh đó, Dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc hỗ trợ Cục An toàn và bức xạ hạt nhân xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể như: Sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử và Nghị định chi tiết quy định một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử; hỗ trợ hoàn thiện 05 văn bản quy phạm pháp luật quy định các yêu cầu bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân; tư vấn xây dựng Kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân; tư vấn xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân.

Dự án VN3.01/09: Hỗ trợ đào tạo nhân lực hiệu quả cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam - Ảnh 2
Quang cảnh buổi họp báo.

Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ tích cực Việt Nam chuẩn bị tốt cho công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ Cục An toàn và bức xạ hạt nhân xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật;

Thứ hai, hỗ trợ Cục An toàn và bức xạ hạt nhân phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng phục vụ thẩm định và thanh tra an toàn (hướng dẫn nội bộ);

Thứ ba, nâng cao năng lực thẩm định an toàn phục vụ cấp phép dự án điện hạt nhân;

Thứ tư, hỗ trợ Cục An toàn và bức xạ hạt nhân xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và chương trình đào tạo của cơ quan pháp quy

Thứ năm, chuyển giao kinh nghiệm và kiến thức về hệ thống pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của châu Âu (Bỉ, Pháp, Phần Lan, Đức) cho Việt Nam.

Tại buổi họp báo này, ông Jorge Tirira – Giám đốc kỹ thuật Dự án, bà Selma Kus – Giám đốc quản lý Dự án, Cục trưởng Vương Hữu Tấn và Phó Cục trưởng Lê Quang Hiệp đã giải đáp nhiều câu hỏi của các phóng viên báo chí.

Đó là, tác động của Dự án đối với Cục An toàn và bức xạ hạt nhân; các khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án; kinh nghiệm của các nước phát triển điện hạt nhân châu Âu trong quản lý an toàn, hỗ trợ tiếp theo của EU cho Việt Nam; giải pháp để đạt hiệu quả hơn nữa cho giai đoạn tiếp theo, phê duyệt địa điểm nhà máy điện hạt nhân… Những vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng.

Đây là Dự án do EU tài trợ nhằm phục vụ cho chương trình điện hạt nhân, nâng cao năng lực cán bộ cho cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam.

Tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với EU tổ chức thực hiện Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao khung pháp lý về an toàn hạt nhân và tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy về hạt nhân của Việt Nam và trung tâm hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan pháp quy” (VN3.01/09) do EU tài trợ kinh phí với tổng giá trị 2 triệu Euro.

Được biết, với những kết quả tích cực đã đạt được từ Dự án, Ủy ban châu Âu đã chính thức phê duyệt tài trợ tiếp 2 triệu Euro cho thực hiện dự án “Tăng cường năng lực và tính hiệu quả của Cục An toàn và bức xạ hạt nhân và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Cục” (Dự án EC VN3.01/13) giai đoạn tiếp theo./.

Trong vòng 3 năm triển khai thực hiện Dự án đã phối hợp tổ chức được 27 hội thảo và khoá đào tạo cho hơn 500 lượt cán bộ, 9 đoàn ra cho 22 cán bộ học tập từ 1 – 5 tuần tại các nước Đức, Pháp, Bỉ và Phần Lan và 8 cuộc họp.