Đưa nông nghiệp vào quỹ đạo chuyển đổi số

Theo Hiền Dung/daibieunhandan.vn

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng, du lịch, công nghiệp… những năm gần đây, TP. Cần Thơ đã chú trọng đầu tư, hỗ trợ các nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu hướng tới là tận dụng CĐS để đưa Cần Thơ phát triển xứng tầm là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Xu thế số hóa trong nông nghiệp

Xác định CĐS là một xu hướng tất yếu, là chìa khóa đưa ngành nông nghiệp và nông thôn phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và vùng ĐBSCL đang chịu nhiều tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh,… những năm gần đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh CĐS trong hoạt động của ngành.

Mô hình quản lý môi trường ao nuôi tôm thông minh được nhiều nhà khoa học và người nuôi tôm quan tâm.Ảnh: Phong Linh.
Mô hình quản lý môi trường ao nuôi tôm thông minh được nhiều nhà khoa học và người nuôi tôm quan tâm.
Ảnh: Phong Linh.

Trên địa bàn thành phố, bên cạnh các viện, trường được xếp trong tốp đầu của cả nước và vùng ĐBSCL về lĩnh vực nông nghiệp như Trường Ðại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL,… còn có các cơ quan, đơn vị khoa học - công nghệ phát triển mạnh như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc… Ðây là một điều kiện thuận lợi cho thành phố tiến hành CÐS trong nông nghiệp. Nhờ đó, thời gian qua, nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 đã được triển khai thực hiện và đạt kết quả bước đầu khả quan.

Cụ thể như mô hình: trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và điện toán đám mây; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; lắp đặt thiết bị máy quan trắc khí tượng thủy văn tự động trên đồng ruộng; cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; cảm biến môi trường nuôi thủy sản;... Từ những mô hình này, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức và nắm bắt được xu thế CÐS trong nông nghiệp, chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp dựa theo tập quán sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Gần đây, thành phố triển khai nhiều chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ tạo nền tảng cho hoạt động CÐS trong nông nghiệp như: Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ; Dự án Xây dựng DNA mã vạch cây dâu Hạ Châu của TP. Cần Thơ; Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu số về nguồn tài nguyên thực vật hữu ích trên địa bàn thành phố; Dự án kết nối thông tin phục vụ công tác quản trị sản xuất, tiêu thụ nông sản Cần Thơ;…

Thông qua Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp thực hiện các dự án trong lĩnh vực chế biến nông sản, chế biến thực phẩm theo hướng số hóa như: ứng dụng dây chuyền công nghệ đóng gói và bảo quản trái cây, cải tiến và đổi mới hệ thống chế biến các loại hạt nông sản...

Cải thiện cơ chế, chính sách để đầu tư chuyển đổi số

Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/8/2021 của Thành ủy Cần Thơ “Về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đề ra mục tiêu: Tăng cường phối hợp, phát triển các hệ thống dữ liệu lớn phục vụ sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; dự báo, cảnh báo về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nguồn nước nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; Khuyến khích nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ số, quản trị thông minh trong sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu các giải pháp nông nghiệp thông minh, quản trị chuỗi cung ứng nông sản, bảo quản và chế biến nông sản; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp bền vững, chất lượng cao.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều mô hình CĐS trong nông nghiệp được áp dụng thành công, nhưng nhìn chung, theo nhận định của nhiều nhà khoa học tại Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp”, tổ chức tại TP. Cần Thơ ngày 24/6 vừa qua, việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động CĐS trong nông nghiệp vẫn còn là vấn đề khá mới lạ nếu so với nhận thức và tập quán canh tác của nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, khả năng triển khai, ứng dụng CĐS trong lĩnh vực này trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế.

Vấn đề đặt ra hiện nay là muốn thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động CĐS trong nông nghiệp, ngành nông nghiệp thành phố cần tập trung đầu tư phát triển nền tảng dữ liệu phục vụ CĐS. Theo đó, song song với việc đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản,… cần đa dạng hóa các kênh thông tin về môi trường, thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu… để nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã biết, từ đó chủ động tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Mặt khác, chính quyền thành phố cần tiếp tục rà soát, cải thiện cơ chế, chính sách, nhằm huy động được nhiều nguồn lực đầu tư trong xã hội vào lĩnh vực CĐS trong nông nghiệp; tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để bảo đảm tính hiệu quả của CÐS trong nông nghiệp, đòi hỏi phải giải quyết tốt vấn đề kết nối và đào tạo nhân lực trong CÐS. Theo đó, yêu cầu đặt ra là ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với ngành khoa học và công nghệ, các sở, ngành có liên quan và các địa phương để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phục vụ CÐS trong nông nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo kết nối các thành phần trong hệ sinh thái CÐS.