Đưa tiêu chuẩn trở thành công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội

Nguyễn Hiền

Dự thảo Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 của Việt Nam đã xác định các mục tiêu cần phải thực hiện trong thời gian tới đối với hoạt động tiêu chuẩn hóa.

Đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.
Đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, thông qua việc tăng cường năng lực quản lý của các bộ ngành, địa phương; hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở thực hành có trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác nhau.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

Phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa nhằm nâng cao năng lực xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), ban biên soạn. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đào tạo nhân lực trong hoạt động tiêu chuẩn hóa cũng là một trong những nội dung cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Theo Dự thảo Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030, cần tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và uy tín cũng như sức cạnh tranh của các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, triển khai đầy đủ, đồng bộ các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn hóa và minh bạch hóa.