Giá gạo xuất khẩu đảo chiều giảm mạnh sau tuần lặng sóng


Giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung thế giới bất ngờ tăng giảm trái chiều giữa các nguồn cung, trong đó gạo Thái Lan giảm mạnh ở tất cả các phân khúc.

Gạo Việt đang tiếp tục có giá cao nhất thế giới.
Gạo Việt đang tiếp tục có giá cao nhất thế giới.

Gạo Thái Lan giảm mạnh, gạo Việt đứng im

Sau tuần đầu tiên “lặng sóng”, trong tuần này giá gạo của các nguồn cung trên thế giới bất ngờ biến động trái chiều giữa các nguồn cung và các phân khúc gạo. Theo đó, gạo Thái Lan giảm mạnh ở tất cả các phân khúc, mức giảm từ 11-14 USD/tấn, gạo Việt Nam chỉ giảm 5 USD ở phân khúc 25% tấm; còn gạo của Pakistan giảm 1-3 USD cho hai phân khúc 100% và 5% tấm song phân khúc 25% tấm lại đột ngột tăng mạnh 32 USD/tấn.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, ở phân khúc 5% tấm gạo của Việt Nam “đứng im” với giá 653 USD/tấn, trong khi đó gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan giảm mạnh 14 USD, xuống còn 639 USD/tấn còn gạo cùng phẩm cấp của Pakistan giảm nhẹ 3 USD xuống mức 590 USD/tấn. Với mức giá hiện tại, gạo Việt Nam tiếp tục đứng cao nhất thế giới - bỏ xa đối thủ Thái Lan 14 USD/tấn và cách Pakistan 63 USD/tấn.

Ở phân khúc 25% tấm, gạo của Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm nhẹ 5 USD/tấn, xuống còn 625 USD/tấn; gạo Thái Lan giảm mạnh 11 USD/tấn, còn 578 USD/tấn; riêng gạo của Pakistan đột ngột tăng 32 USD/tấn, lên mức 545 USD/tấn.

Ở phân khúc 100% tấm, cả hai nguồn cung gồm Thái Lan và Pakistan đều giảm, tuy nhiên gạo Thái Lan giảm 13 USD xuống mức 480 USD/tấn, còn gạo Pakistan sụt giảm 1 USD và có giá 462 USD/tấn. Chỉ riêng gạo Việt Nam giữ vững giá 533 USD/tấn và là mức giá cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 53 USD/tấn, hơn Pakistan 71 USD/tấn.

Lý giải nguyên nhân giá gạo Thái Lan đột ngột giảm mạnh, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, giá gạo Thái Lan đã tăng liên tục trong tháng cuối cùng của năm 2023 nên việc giảm giá vào thời điểm này sẽ giúp họ thu hút khách hàng.

“Thời gian vừa qua giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam tăng nhanh đã góp phần giúp Miến Điện (Myanmar) trở thành lựa chọn ưu thế. Vì vậy giá gạo Thái Lan giảm thời điểm này có thể nhằm mục đích thu hút đơn hàng. Trong khi đó, gạo Việt Nam vẫn giữ mức cao bởi nguồn cung trong nước vẫn hạn chế và phải ra Tết chúng ta mới có lúa mới thu hoạch”- đại diện doanh nghiệp này nói thêm.

Nhu cầu nhập khẩu của Indonesia và Philippines nhiều nhất

Trong những dự báo gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều thống nhất rằng, 2024 tiếp tục thuận lợi cho gạo Việt bởi các thị trường chủ lực và truyền thống gồm Indonesia, Philippines có nhu cầu lớn.

Với Indonesia, theo VFA, Indonesia dự báo sản lượng gạo trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 2,25 triệu tấn, giảm khoảng 46,3% so với năm trước do ảnh hưởng tiêu cực của điều kiện thời tiết El Nino tới vụ thu hoạch.

Còn với Philippines, theo ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu tại Philippines. Nước này nhập 3,5- 4 triệu tấn/năm và năm 2024 cũng vậy.

Trước đó, trong năm 2023 Philippines đã nhập khẩu 387.210 tấn gạo trong tháng 12/2023 (tính đến ngày 28), tăng khoảng 29,19% so với cùng kỳ, theo báo cáo của Business World Online trích dẫn Cục Công nghiệp Thực vật (BPI). BPI báo cáo đã cấp 824 giấy phép nhập khẩu SPSIC trong tháng 12 năm 2023, với số lượng 660.010 tấn. Cũng theo BPI, nhập khẩu gạo của Philippines ước đạt 3,48 triệu tấn từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 28/12/2023. Bộ Nông nghiệp (DA) ước tính tổng lượng gạo nhập khẩu năm 2023 là 3,65 triệu tấn.

Dữ liệu của BPI cho thấy Việt Nam vẫn là nhà cung cấp hàng đầu của Philippines trong năm 2023, chiếm khoảng 2,94 triệu tấn hay 84,27% tổng lượng nhập khẩu. Thái Lan và Miến Điện cung cấp lần lượt 297.200 tấn và 143.920 tấn.

Ấn Độ cung cấp 13.758 tấn gạo cho Philippines tính đến ngày 28/12/2023. Nước này dự kiến sẽ nhận 75.000 tấn gạo từ Ấn Độ vào đầu tháng 1/2024 - đây là một phần trong khoản phân bổ 295.000 tấn được cấp vào tháng 10 năm 2023. Ấn Độ đã ban hành hạn ngạch xuất khẩu gạo trắng non-basmati sang Philippines bất chấp lệnh cấm xuất khẩu gạo đang diễn ra.

Theo Báo Công Thương