Dịch vụ công trực tuyến kho bạc:

Gia tăng tiện ích, phục vụ tốt hơn

Theo Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)

Hiện nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện các khoản chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ giao dịch đạt trên 99,6%. Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã và đang bổ sung các tính năng của chương trình dịch vụ công trực tuyến để phục vụ khách hàng tốt nhất.

Tạo thuận lợi nhất cho đơn vị sử dụng ngân sách

KBNN đã hoàn thành cung cấp toàn bộ 9 thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của mình qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt.

Đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện các khoản chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ giao dịch đạt trên 99,6%. Trung bình mỗi ngày có 100 - 150.000 chứng từ chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN, những ngày cao điểm đầu tháng và cuối tháng có tới 150 - 200.000 chứng từ.

Đặc biệt, đã có 90% đơn vị sử dụng ngân sách cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN nhằm phòng ngừa rủi ro và công khai minh bạch.

Để phục vụ tốt hơn nữa các đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN tiếp tục nâng cấp dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, KBNN đang bổ sung tính năng cho phép các đơn vị thuộc Bộ Công an có thể đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến với KBNN để lập, phê duyệt ủy nhiệm chi; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, bổ sung cổng trao đổi dữ liệu qua internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông.

Hiện tại, các thỏa thuận khung đang được KBNN và các bên liên quan triển khai ký kết. KBNN cũng đang khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng chương trình ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật để triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, cuối năm 2021, hệ thống KBNN chính thức áp dụng quy trình liên thông các ứng dụng nghiệp vụ dịch vụ công trực tuyến - Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) - thanh toán song phương điện tử; dịch vụ công kiểm soát cam kết chi ngân sách qua KBNN và dịch vụ công đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN.

Mới đây, hệ thống KBNN tiếp tục triển khai bổ sung một số chương trình cơ bản. Đơn cử như chương trình ứng dụng hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN (ĐTKB-GD) phục vụ trực tiếp cho KBNN trong công tác quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư qua KBNN.

Chương trình có chức năng nhận chứng từ, hồ sơ từ dịch vụ công trực tuyến và giao dịch viên chỉ tác nghiệp trên ĐTKB-GD. Hay kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị giao dịch vào dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện để đơn vị giao dịch rút ngắn thời gian phải tác nghiệp thủ công trên nhiều ứng dụng tại đơn vị và dịch vụ công trực tuyến…

Thông qua việc gia tăng tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, KBNN hướng tới đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của đơn vị giao dịch với kho bạc.

Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện 

Để dịch vụ công trực tuyến phát huy hết các lợi ích và là bước đệm để toàn hệ thống KBNN hướng tới kho bạc số, các đơn vị kho bạc đang kiến nghị KBNN hoàn thiện thiết kế giao diện theo nhu cầu của người sử dụng; đồng thời, bổ sung các thông báo và tác nghiệp cần làm đối với mỗi dịch vụ công.

Bên cạnh đó, cần nâng cấp hiệu năng để đơn vị sử dụng ngân sách gửi được file hồ sơ có dung lượng lớn kèm chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến; bổ sung tính năng chọn thời gian giải quyết đối với hồ sơ; cho phép dự án đầu tư được quản lý bởi nhiều chủ đầu tư, nhiều cấp ngân sách được đăng ký dịch vụ công trực tuyến.

Cũng theo đề xuất của các đơn vị kho bạc, dịch vụ công trực tuyến cần có chức năng cho phép sắp xếp để tiếp nhận, phê duyệt chứng từ theo thứ tự thời gian; chức năng chọn để xử lý những chứng từ đơn giản, có thời hạn ngắn trước, những chứng từ phức tạp, có thời gian giải quyết dài, cần kiểm tra, kiểm soát hồ sơ sau. Việc  bổ sung tính năng tra cứu, kiểm tra số dư tài khoản ngay khi giao dịch viên tiếp nhận, xử lý hồ sơ và kiểm soát số dư tạm ứng từng tiểu mục, nếu không đủ thì không giao diện sang Tabmis cũng rất cần thiết. Điều này giúp giảm thiểu thao tác thủ công đối với công chức và giảm áp lực công việc lúc cao điểm.

Dịch vụ công trực tuyến cũng cần bổ sung tính năng kiểm soát ngay từ khâu nhập chứng từ của đơn vị giao dịch để giảm bớt lỗi sai đơn giản trước khi gửi kho bạc nhằm tiết kiệm thời gian kiểm soát hồ sơ và chỉnh sửa hồ sơ của công chức kho bạc và cán bộ đơn vị sử dụng ngân sách.

Cùng với đó, KBNN cần sớm ban hành và hướng dẫn quy định về lưu trữ chứng từ điện tử thay cho phương thức in và lưu chứng từ phục hồi như hiện nay. Dịch vụ công trực tuyến cần được bổ sung chức năng ký số của chức danh giao dịch viên để chứng từ khi đưa vào lưu trữ thể hiện đầy đủ thông tin ký số của tất cả các chức danh theo quy định.