Giải đáp vướng mắc về cơ chế, chính sách thuế


(Tài chính) Trong thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Liên quan đến việc giải đáp vướng mắc cũng như các kiến nghị của DN đưa ra tại các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như các vướng mắc cá biệt khác do DN trực tiếp đề xuất với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có những văn bản trả lời cụ thể. Finance Plus trân trọng gửi tới quý DN toàn văn các câu trả lời của Tổng cục Thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kiến nghị 1: Đề nghị sớm đưa thuế Thu nhập DN (TNDN) về mức thống nhất 20%, bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của DN hoặc tối thiểu cần nâng mức trần lên 15 - 20% của doanh thu chứ không phải của chi phí. Đề nghị tiếp tục có các biện pháp giảm thuế Giá trị gia tăng để kích thích thị trường.

Trả lời

Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/06/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 đã quy định giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% (theo Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008) xuống còn 22%. Theo lộ trình giảm thuế suất thuế TNDN, từ ngày 01/01/2016, áp dụng mức thuế suất phổ thông là 20%. Tại Điểm 5 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/06/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN đã sửa đổi, bổ sung như sau: “m) Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hoá bán ra;”

Như vậy, mức trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được nâng từ 10% tổng số chi phí được trừ (theo Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008) lên thành 15% tổng số chi phí được trừ.

Kiến nghị 2: Theo Nghị định 92/2013/NĐ-CP ban hành ngày 13/8/2013 thì trong thực tế nhiều DN mặc dù có số lao động lớn hơn 30 (Theo luật là không phải DN nhỏ) nhưng doanh thu hàng năm lại rất thấp (Thấp hơn nhiều so với mức 20 tỷ đồng, mốc quy định DN nhỏ) mà vẫn không được hưởng chính sách ưu đãi thuế đối với DN nhỏ. Do đó các DN kiến nghị Nhà nước nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho các DN có doanh thu hàng năm dưới 20 tỷ đồng thay vì áp dụng cho các DN nhỏ. Điều này rất tốt vì các DN cần hỗ trợ là các DN có khó khăn về tài chính chứ không phải các DN có số lượng lao động ít.

Trả lời

Tại Điểm 6 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/06/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN quy định: “2. DN có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề.”

Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN quy định: “2. DN được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%. Tổng doanh thu năm làm căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% quy định tại khoản này là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của DN của năm trước liền kề.”

Căn cứ các quy định nêu trên, DN có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định (không phụ thuộc vào số lượng lao động đơn vị sử dụng).

Kiến nghị 3: Đề nghị Chính phủ nên có chính sách kéo dài thời gian nợ thuế với những DN sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho, chưa được nhà nước thanh quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp.

Trả lời

Về gia hạn nộp thuế: Điểm c và d - Khoản 1 - Điều 31 – Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp được gia hạn nộp thuế bao gồm: “c. Chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước. d. Không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác” Căn cứ quy định nêu trên: trường hợp DN gặp khó khăn về vốn do chưa được ngân sách nhà nước thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoặc do gặp khó khăn đặc biệt khác thì được xem xét gia hạn nộp thuế.

Về tiền chậm nộp: Khoản 32 - Điều 1- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã quy định mức tính tiền chậm nộp 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày và 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày. Khoản 1, 2 - Điều 35 - Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính quy định người nộp thuế có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Mức miễn tiền chậm nộp tối đa không quá: giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại hoặc chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo. Do đó, trường hợp DN sản xuất kinh doanh gặp khó khăn bất khả kháng thì có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp và mức miễn tiền chậm nộp tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại.