Giải pháp điều hành giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát

PGS. TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính

2023 là năm đáng chú ý đối với kinh tế Việt Nam, khi nền kinh tế vừa thoát khỏi đại dịch COVID-19 nhưng lại đối mặt với nhiều thách thức về lạm phát cao, sự suy giảm nghiêm trọng trong tiêu dùng, đầu tư và có một số dấu hiệu của suy thoái kinh tế. Vì vậy, việc xem xét diễn biến chỉ số tiêu dùng (CPI) các tháng đầu năm 2023 có ý nghĩa.

Số liệu thống kê CPI tháng 7/2023 cho thấy, CPI đã quay đầu và tăng nhẹ ở mức 2,06%
Số liệu thống kê CPI tháng 7/2023 cho thấy, CPI đã quay đầu và tăng nhẹ ở mức 2,06%

Kiểm soát lạm phát trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát (CPI so với cùng kỳ năm trước) ở mức cao và có xu hướng tăng liên tục trong 5 tháng, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, lập đỉnh vào tháng 1/2023 ở mức 4,89%. Tuy nhiên, sau đó lạm phát đã giảm và có xu hướng giảm nhanh, liên tục, từ tháng 2/2023 đến tháng 6/2023, chỉ ở mức 2% trong tháng 6/2023, tiếp đó có xu hướng tăng nhẹ ở mức 2,06% trong tháng 7/2023.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) cũng cùng xu hướng tăng, giảm nhưng ở mức cao hơn nhiều so với lạm phát trong 12 tháng qua (7/2022 đến tháng 7/2023). Chỉ số này được ghi nhận tăng liên tục từ tháng 7/2022 (2,63%) lên đỉnh vào tháng 1/2023 (5,21%) và quay đầu giảm liên tục qua các tháng sau đó, xuống mức 4,33% (6/2023) và 4,11% (7/2023).

Ngoài ra, diễn biến chỉ số CPI theo các phương pháp tính khác nhau cũng đều chỉ rõ, chỉ số CPI trong 7 tháng đầu năm 2023 đã được kiểm soát ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ của năm 2022 và sự gia tăng CPI giữa các tháng cũng giao động ở mức thấp (Bảng 1).

 

Bảng 1: Diễn biến CPI của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2022 và 2023

STT

Năm

Tháng 1

Tháng 2

Tháng 3

Tháng 5

Tháng 6

Tháng 7

1

CPI so tháng trước

           
 

2022

0,19

1,00

0,70

0,38

0,69

0,40

 

2023

0,52

0,45

-0,23

0,01

0,27

0,45

2

CPI so tháng 12 năm trước

           
 

2022

0,19

1,20

1,91

2,48

3,18

3,59

 

2023

0,52

0,97

0,74

0,40

0,67

1,13

3

CPI so cùng kỳ năm trước (Lạm phát)

           
 

2022

1,94

1,42

2,41

2,86

3,37

3,14

 

2023

4,89

4,31

3,35

2,43

2,00

2,06

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023)

Nghiên cứu diễn biến lạm phát trong trung hạn vào tháng 7 của 5 năm gần nhất (2019-2023) cho thấy, lạm phát ở mức 2,06% (7/2023) là mức thấp nhất trong 5 năm, thấp hơn mức 2,44% (2019 khi bắt đầu của đại dịch COVID-19).

Diễn biến lạm phát trên được đánh giá là trong kế hoạch của Quốc hội và đặc biệt có ý nghĩa hơn khi mà tình hình lạm phát luôn ở mức cao và diễn biết phức tạp tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, điển hình 2 trung tâm kinh tế như: Hoa Kỳ mức 7,7%, Liên minh châu Âu (EU) mức 10,7% (10/2022).

Tình hình thế giới có tác động khá mạnh đến diễn biến CPI trong nước. Thương mại quốc tế trên toàn cầu bị sụt giảm, cầu tiêu dùng yếu tại hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới (hệ quả từ việc EU, Mỹ áp dụng chính sách tiền tệ chặt để kiếm chế lạm phát); Dòng đầu tư quốc tế cũng giảm do tác động của giá dầu ở mức cao, lạm phát, lãi suất tăng cao là nguyên nhân nổi bật của tình hình kinh tế trên thế giới tác động đến xu hướng giảm của CPI trên toàn cầu và ở Việt Nam.

Trong nước, các nguyên nhân tác động đến diễn biến CPI có thể kể đến như:

Một là, việc triển khai quyết liệt các chính sách vĩ mô hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng đã có các tác động đến lạm phát: Bên cạnh chính sách tài khóa (gia tăng chi tiêu đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng...); chính sách tiền tệ (giảm liên tục lãi suất cho vay), là những giải pháp tăng cường quản lý giá cả, thị trường, giảm hệ lụy xấu đến CPI của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương.

Hai là, sức mua của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ sụt giảm; Đầu tư công giải ngân chậm so với tổng nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng bị giảm do thương mại quốc tế và xu hướng đầu tư, chuyển dịch đầu tư quốc tế, gây ra tổng cầu suy giảm. Trong khi đó, năng lực và quy mô sản xuất của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng giảm do vấn đề dịch chuyển nhân công, xu hướng tăng giải thể, phá sản của doanh nghiệp; giá nguyên liệu có xu hướng giảm do nhu cầu về nguyên liệu sụt giảm.

Dự báo xu hướng lạm phát các tháng cuối năm 2023

Số liệu thống kê CPI tháng 7/2023 cho thấy, CPI đã quay đầu và tăng nhẹ ở mức 2,06%; xét 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ thì có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ có 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong 6 tháng cuối năm 2023, dự báo chỉ số giá tiêu dùng CPI và CPI bình quân cả năm 2023 sẽ tăng nhẹ. Viện Kinh tế -Tài chính, (Học viện Tài chính) dự báo, CPI năm 2023 trong khoảng 2,5% đến dưới 3%. Điều này được nhận định trên cơ sở:

Thứ nhất, CPI trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 vẫn thấp hơn so với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và một số nước châu Á.

Thứ hai, với trần lãi suất huy động và cho vay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố so với diễn biến của CPI thì rõ ràng lãi suất thực vẫn ở mức cao (khoảng 6,9%). Trong bối cảnh vẫn còn nhiều dư địa về tín dụng, cùng với sự ổn định của thị trường ngoại hối và thặng dư cán cân thương mại, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Thứ ba, chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang lên mức 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023 (Quy định tại nghị định số 24/2023/NĐ-CP) đã và đang tác động trực tiếp đến tăng thu nhập và tiêu dùng của một bộ phận dân cư, qua đó tác động đến hành vi tiêu dùng và tâm lý tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cũng xuất hiện; Chính phủ cho phép các trường công lập tăng học phí hay các cơ sở ý tế công lập được tính đầy đủ chi phí vào giá thành dịch vụ cũng sẽ tác động làm tăng giá dịch vụ.

Thứ tư, việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% (trừ một số lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng…) được thực thi từ 1/7/2023 sẽ kỳ vọng khuyến khích tiêu dùng của dân cư (có thể xuất hiện hiện tượng lạm phát cầu kéo).

Thứ năm, giá năng lượng được nhận định có xu hướng tăng lên (cầu thị trường dầu mỏ có xu hướng tăng dựa trên nhận định khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc và nhu cầu dầu, khí đốt của các nước EU tăng lên trong mùa đông cận kề hoặc do vận tải quốc tế có xu hướng phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 sẽ có thể dẫn đến tăng cầu dầu mỏ trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga –Ukraine không có đột biến đến cuối năm (sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung, đẩy giá dầu tăng lên theo); Giá lương thực, đặc biệt giá ngũ cốc thế giới có xu hướng tăng do bị chi phối nhiều của cuộc chiến giữa Nga - Ukraine (Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc Biển Đen từ 17/7/2023 và chưa rõ ngày quay lại).

Giải pháp điều hành giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát và thực hiện mục tiêu tăng trưởng

Trong bối cảnh Chính phủ tăng cường chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm phục hồi kinh tế và hỗ trợ cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng (6,5% năm 2023), công tác kiểm soát lạm phát sẽ đối mặt nhiều thách thức. Quản lý, điều hành giá là một nhân tố đặc biệt quan trọng trong tiến trình kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới mức 4,5% năm 2023).

Quan điểm tổng thể cần quán triệt là thực thi hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành giá, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành tại các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Giá các mặt hàng nhà nước định giá cần duy trì sự ổn định, mặt hàng điện tăng giá cần dựa trên cơ sở đánh giá kỹ tác động vào CPI trước khi điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá.

Theo đó, tác giả đề xuất một số giải pháp điều hành giá cả thị trường nhằm kiểm soát lạm phát và thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới gồm:

Một là, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến các chính sách kinh tế vĩ mô, tình hình giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cung cấp thông tin và cảnh báo các nguy cơ làm gia tăng lạm phát trong nước.

Hai là, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Các bộ, ngành chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng cuối năm 2023, hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.

Ba là, theo dõi chặt chẽ diễn biến các chính sách kinh tế vĩ mô của các trung tâm kinh tế thế giới để tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bốn là, tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá để tránh tình trạng hệ lụy xấu do thông tin bất cân xứng của thị trường; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và có các biện pháp, chế tài xử phạt hợp lý và kịp thời.

Năm là, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu và dịch bệnh trên vật nuôi.

Sáu là, tăng cường tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, đặc biệt diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân, các nguyên liệu vật tư khai thác tại địa phương phục vụ cho các dự án đầu tư công (tuyến đường cao tốc Bắc Nam).

Bảy là, tiếp tục triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá (sửa đổi) để hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá trong tình hình mới.

Kết luận

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường về kinh tế, tài chính và địa chính trị, kinh tế Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023 vẫn có nhiều điểm khả quan. Đặc biệt, diễn biến CPI 7 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm so với cùng kỳ của năm trước. Nghiên cứu chỉ ra khả năng tăng nhẹ của CPI các tháng cuối và cả năm 2023, qua đó cũng nêu rõ một số nguyên nhân chủ yếu và đề xuất 7 giải pháp về điều hành giá cả đảm bảo thực hiện mục tiêu CPI bình quân ở mức dưới 4,5% trong năm 2023.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê, 2023, Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022, 2023;
  2. Tổng cục Thống kê, 2023, Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023;
  3. Khánh Huyền, 11/2022, Giữ vững “phòng tuyến” chống lạm phát, tạo động lực cho thị trường, https://vneconomy.vn/giu-vung-phong-tuyen-chong-lam-phat-tao-dong-luc-cho-thi-truong.htm