Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng vi mô ở Việt Nam

ThS. Trần Công Dũ - Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Tín dụng vi mô được xem là một hoạt động của tài chính vi mô. Mục đích của hoạt động tín dụng vi mô là nhằm giúp cho người vay vốn để sản xuất, kinh doanh, có việc làm và thoát nghèo. Hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam hiện nay còn gặp một số hạn chế trong việc tổ chức, cấp tín dụng vi mô, cũng như việc hướng dẫn người dân quản lý và sử dụng khoản tiền được hỗ trợ sao cho hiệu quả. Bài viết này khái quát thực trạng hoạt động tín dụng vi mô ở Việt Nam và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động này.

Ảnh minh họa. Nguồn: VietnamPlus
Ảnh minh họa. Nguồn: VietnamPlus

Vai trò của hoạt động tín dụng vi mô ở Việt Nam

Tín dụng vi mô (TDVM) cung cấp các sản phẩm tài chính cho người nghèo nên hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội là rất thiết thực. Ở Việt Nam hiện nay, các hình thức tổ chức TDVM khá đa dạng và trải rộng ở 3 khu vực: Khu vực chính thức gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân, Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện; Khu vực bán chính thức bao gồm: các chương trình của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương và một số chương trình do các đoàn thể xã hội điều hành; Khu vực phi chính thức như: hụi hè, có vay có lãi và không lãi…

Quy mô hoạt động TDVM ngày càng lớn và đa dạng, góp phần quan trọng vào xoá đói giảm nghèo, bình đẳng giới… cũng như góp phần xoá dần đi quan điểm giải quyết đói nghèo là trách nhiệm của Chính phủ.

TDVM đã hình thành mạng lưới dịch vụ tài chính cho người nghèo. Tức là mạng lưới dịch vụ tài chính không chỉ phụ thuộc khu vực chính thức (Nhà nước) mà sự xuất hiện khu vực TDVM bán chính thức đã làm thay đổi bối cảnh về dịch vụ tài chính. Khu vực tài chính bán chính thức thường hướng hoạt động đến các địa phương kém phát triển như thiếu đất canh tác, cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế thấp… Nhờ đó, các sản phẩm tài chính được cung cấp đến tay những đối tượng như: người nghèo, phụ nữ khó khăn…

TDVM cũng đã làm thay đổi quan điểm trong hoạt động kinh doanh tài chính. Hầu hết các nhà kinh doanh tài chính cho rằng, tín dụng cho người nghèo là hoạt động bố thí, không sinh lời. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động TDVM nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới cho thấy, tài chính vi mô (TCVM) không chỉ có tác động tích cực cho nền kinh tế - xã hội mà còn đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các tổ chức này.

TDVM đã góp phần thay đổi định kiến về người nghèo, thay đổi cách nhìn về người nghèo. Trước đây, có quan điểm cho rằng, người nghèo và không có khả năng kinh doanh, có cho người nghèo vay tiền thì họ cũng tiêu xài hết, người nghèo sẽ mãi mãi nghèo, do đó không nên cho họ vay tiền… Đến nay, nhờ có hoạt động TDVM, người nghèo đã được quan tâm hơn, họ đã được hỗ trợ tài chính để cải thiện hoạt động kinh tế. Đại bộ phận người nghèo vay vốn từ hoạt động TDVM đã thoát nghèo và cải thiện được những định kiến khắc khe đối với họ.

Một số vấn đề tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TDVM ở Việt Nam còn một số tồn tại hạn chế như:

Thứ nhất, nguồn vốn hoạt động của các tổ chức TDVM còn hạn chế. Mặc dù, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 đã quy định các tổ chức này có nhiều cơ hội hơn để tranh thủ nguồn vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do những hạn chế về tài chính nên chất lượng của các báo cáo tài chính không đủ minh bạch, không đủ mức sinh lời hấp dẫn để thuyết phục sự đầu tư vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hạn chế về nguồn vốn là một trong những hạn chế lớn ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức TDVM.

Thứ hai, các sản phẩm TDVM chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu vay vốn, cũng như nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính khác của người nghèo. Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn cao, hầu hết người dân nghèo đều có nhu cầu được vay vốn và nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, các tổ chức TDVM còn hạn chế ở nhiều mặt, nhất là hạn chế về nguồn vốn nên các tổ chức này chưa thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về tài chính cho người nghèo.

Thứ ba, chi phí tổ chức hoạt động để cung cấp các dịch vụ TDVM đến người nghèo rất lớn. Trong hoạt động tín dụng, các ngân hàng thương mại thường từ chối cho vay đối với các món cho vay nhỏ bởi vì chi phí giao dịch, thẩm định, theo dõi các khoản cho vay không chênh lệnh nhiều.

Thứ tư, cơ chế tổ chức và hoạt động còn nhiều bất cặp. Các tổ chức TDVM ở Việt Nam còn hoạt động độc lập, đơn lẻ, chưa có sự kết nối tốt, do vậy chưa tạo ra được sức mạnh tổng thể chung để khai thác hết tiềm năng của hoạt động này. Ngoài ra, các tổ chức này cũng gặp không ít khó khăn về mặt nhân sự, do hầu hết các chương trình TDVM mà đặc biệt là các chương trình của các tổ chức phi chính phủ được thực hiện thông qua Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cán bộ phụ trách các chương trình này là phần lớn là cán bộ phụ nữ, do đó ít cán bộ có chuyên môn về tài chính tín dụng, năng lực chưa phù hợp với hoạt động TDVM.

Cơ hội và thách thức nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng vi mô

TDVM là một kênh phù hợp để cung cấp vốn cho hộ thu nhập thấp ở Việt Nam. Có một số cơ hội cho các tổ chức TDVM để củng cố vai trò của họ trong lĩnh vực cụ thể này:

- Đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ thu nhập thấp. Sản phẩm tiết kiệm linh hoạt, bảo hiểm và quỹ tương trợ đã mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Điều này đã chứng minh rằng các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp không những cần được hỗ trợ vốn và các hướng dẫn về mặt kỹ thuật mà còn sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ tài chính khác... Ngoài ra, nếu họ càng hiểu biết về sản phẩm và quyền lợi bảo hiểm thì họ càng quan tâm tới việc mua sản phẩm. Đây là cách hiệu quả để giảm tính dễ bị tổn thương của hộ nghèo trong trường hợp họ phải đương đầu với các rủi ro và trong một phạm vi lớn hơn là đóng góp cho xóa đói giảm nghèo.

- Các công ty bảo hiểm quan tâm hợp tác với các tổ chức tín dụng vi mô. Hầu hết các công ty bảo hiểm trước đây luôn nhắm đến hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các công ty bảo hiểm bắt đầu khám phá thị trường hộ thu nhập thấp rộng lớn. Mối quan hệ đối tác giữa công ty bảo hiểm và tổ chức TCVM có thể đem lại kết quả tốt đẹp và lợi ích cho cả 2 bên và cho khách hàng.

Bên cạnh những cơ hội trên, thực tiễn cho thấy, cho vay, quản lý vốn và thực hiện các dịch vụ TDVM không phải là công việc dễ dàng, tổ chức TDVM phải đối mặt với nhiều thách thức:

- Năng lực thể chế và kỹ thuật. Trong giai đoạn đầu của dự án hỗ trợ TDVM, năng lực của các nhà hoạt động trong lĩnh vực TDVM ở Việt Nam đã bộc lộ hạn chế. Do vậy, trước khi triển khai sản phẩm và dịch vụ mới, các tổ chức TDVM cần xem xét cẩn thận năng lực thể chế và năng lực kỹ thuật của mình.

- Hệ thống thông tin quản lý. Hầu hết các tổ chức TDVM ở Việt Nam đều hoạt động với một hệ thống thông tin quản lý ở mức cơ bản, thường là chưa được vi tính hóa ở cấp địa phương. Đây là một cản trở lớn cho việc quản lý các sản phẩm, dịch vụ tài chính phức tạp và kém linh hoạt.

- Tìm đúng đối tác. Khi triển khai một sản phẩm mới, tổ chức TDVM cần đánh giá năng lực thực hiện phương án sản xuất kinh doanh của người vay. Nếu bản thân tổ chức TDVM thực hiện hỗ trợ vốn chưa đạt hiệu quả cao, họ có thể thuê hoặc phối hợp thực hiện với các tổ chức khác có tiềm năng mang lại lợi ích cho cả tổ chức TDVM, khách hàng và tổ chức bảo hiểm.

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng vi mô ở Việt Nam

Để khắc phục những tồn tại, vượt qua thách thức, nâng cao chất lượng hoạt động của TDVM, cần quan tâm đến các nhóm giải pháp sau:

Về quản lý, điều hành

- Đào tạo đội ngũ cán bộ có liên quan, nhất là cán bộ chủ chốt trong các tổ, nhóm. Công tác này cần được chú trọng hoặc liên kết đào tạo vì một bộ phận cán bộ quản lý chưa quan tâm nhiều đến công tác đào tạo và chú ý thực hiện chế độ chính sách đến đội ngũ cán bộ. Nâng cao kiến thức, hiểu biết và năng lực của các tổ chức, nhất là ở địa phương, để cung cấp các dịch vụ TDVM phù hợp cho người nghèo một cách bền vững.

- Xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp với tổ chức và hoạt động của các tổ chức TDVM. Nâng cao tính minh bạch trong quản lý. Bám sát các văn bản pháp luật của Nhà nước, từ đó đề ra các chính sách giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ một cách thuận lợi. Hỗ trợ xây dựng chính sách thông qua các hội thảo, thăm quan học tập, soạn thảo và chia sẻ các báo cáo chính sách và tài liệu kỹ thuật giữa các tổ chức tín dụng vi mô và giữa các tổ, nhóm.

Về chất lượng hoạt động của tín dụng vi mô

Cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; xác định đúng đối tác trong quá trình hỗ trợ vốn; tạo các cơ hội về kinh tế cho khách hàng (đào tạo nghề, hướng nghiệp, khởi sự kinh doanh…). Các tổ chức TDVM làm cầu nối với các tổ chức tài chính khác nhằm kết nối các nguồn vốn, qua đó giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn và đa dạng hóa các sản phẩm tài chính; tư vấn thành lập các tổ, nhóm vay vốn theo định hướng của đơn vị mình nhằm thực hiện thành công các dự án TDVM.

Về mở rộng tín dụng vi mô

- Phối kết hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để lồng ghép thực hiện các hoạt động tín dụng vi mô với các dự án phát triển cộng đồng khác như: sinh kế cộng đồng, sức khoẻ, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề, bảo vệ môi trường… nhằm giúp khách hàng tiếp cận với nhiều kênh cung cấp vốn khác nhau.

- Cung cấp dịch vụ hỗ trợ như: bảo hiểm, tiết kiệm định hướng, dịch vụ quản lý chi trả, vốn vay khẩn cấp.

- Tài khoản tiết kiệm linh hoạt giúp khách hàng có thể rút tiền để giảm áp lực kinh tế; cho vay khẩn cấp; bảo hiểm vi mô với phạm vi bảo hiểm gồm các trường hợp chết, ốm đau, thương tật và tàn tật, trộm cắp và có thể là hạn hán hoặc thiên tai.

- Tùy từng hoàn cảnh kinh tế xã hội cũng như sở thích cá nhân, mỗi người sẽ có nhu cầu về dịch vụ tài chính quản lý rủi ro khác nhau. Tiết kiệm linh hoạt có thuận lợi là nó có thể bảo vệ người dân trước mọi cú sốc tài chính. Bảo hiểm vi mô nhằm vào các rủi ro cụ thể, nhưng thông qua cơ chế chia sẻ rủi ro, nó có thể bảo vệ người dân trước những mất mát tài chính lớn mà họ không đủ khả năng bù đắp bằng khoản tiết kiệm của mình.

Về nghiệp vụ tín dụng

Tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ các bộ chuyên trách, và cán bộ làm công tác thẩm định. Trong đó, chú trọng tập huấn cho cán bộ huyện, xã, cụm và cả cán bộ tiềm năng; huấn luyện các thành viên trước khi tham gia chương trình; cần có chính sách cho vay hộ nghèo một cách hợp lý nhằm giúp họ tiếp cận được với các nguồn vốn chính thức một cách thuận lợi; tìm nguồn vốn để mở rộng phạm vi hoạt động phục vụ người nghèo; phổ biến các thông tin về các nhà tài trợ vốn rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoạt động gắn liền mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội; xây dựng năng lực đáp ứng yêu cầu nhằm góp phần tăng uy tín của tổ chức tín dụng vi mô, phục vụ thành viên được lâu dài và hiệu quả.

Về nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng

Người vay nên sử dụng vốn đúng mục đích; các cá nhân, hộ gia đình nên quản lý chi tiêu một cách hợp lý và chặt chẽ; phải có kế hoạch sử dụng vốn và kế hoạch tiết kiệm phù hợp và có điều chỉnh theo sự thay đổi của các tín hiệu thị trường; tham vấn ý kiến của các thành viên trong tổ, nhóm, cán bộ ở chính quyền địa phương, cán bộ của các tổ chức tín dụng vi mô trong quá trình sử dụng vốn; cụ thể hóa các chính sách trong các tổ, nhóm và quy chế hoạt động; thông qua công tác hỗ trợ hướng dẫn người vay vốn trong việc sử dụng và quản lý vốn vay của mình, dần dần góp phần hình thành và phát huy ý thức tiết kiệm trong các hộ nghèo.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngân hàng Nhà nước (2018), Thông tư số 03/2018/TT-NHNN quy định về cấp phép, tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô;
  2. Christopher Dunford, President (Freedom from Hunger, Source: Monday Development, September 28, 1998). January 1999. Microfinance: A Means to What End? http://www.grameen-info.org/dialogue/dialogue37/sfeature.html;
  3. Extracted from Credit for the Poor, September 1998. January 1999. Earnings Shrink, but Clients Cope (Country report, Indonesia) http://www.grameen-info.org/dialogue/dialogue37/country.html;
  4. Shahidur R Khandker. January 1999. Microcredit to Advance Women http://www.grameen-info.org/dialogue/dialogue37/action.html
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023