Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản

Lý Tuấn

Thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa, cũng như đẩy mạnh cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Toàn cảnh buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản” sáng 26/7. Ảnh: Lý Tuấn
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản” sáng 26/7. Ảnh: Lý Tuấn

Ngày 26/7, Tạp chí Hải quan tổ chức Tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản” với sự tham dự của các đại biểu và khách mời là đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); các Hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế… và đông đảo doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng biên tập Tạp chí Hải quan cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như: Cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra… Xuất khẩu không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước.   

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, thì mặt hàng nông, thuỷ sản Việt Nam đang còn tồn tại một số vấn đề như: chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều; kim ngạch xuất khẩu vào thị trường cao cấp còn ít; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn, chế biến còn hạn chế… Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và xung đột vũ trang Nga - Ukraine, chi phí dịch vụ, vận tải logistics tăng cao dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa…

“Chúng tôi hy vọng, qua buổi tọa đàm này, các diễn giả, các hiệp hội, quý doanh nghiệp sẽ có nhiều ý kiến nhận diện thực trạng khó khăn, hạn chế hiện nay về nội tại của ngành, thị trường, về thủ tục, hay về cơ chế chính sách,… để qua đó có những hiến kế, đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới, đạt được mục tiêu kế hoạch mà ngành nông nghiệp đề ra năm 2022, cũng như phát triển bền vững trong những năm tới”, bà Vũ Thị Ánh Hồng nhấn mạnh.

"Ùn ứ" hàng hóa tại cửa ngỏ Trung Quốc, doanh nghiệp cần làm gì?

Thông tin về nguyên nhân gây ùn ứ hàng hóa tại cửa ngõ Trung Quốc, bà Bùi Hoàng Yến - Tổ Phó Tổ Công tác miền Nam Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ năm 2019 đến nay, tình hình xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại do xuất hiện nhiều rào cản từ Trung Quốc trong đó ảnh hưởng từ chính sách zero-COVID của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các quy định về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc cũng làm thay đổi rất lớn từ năm 2022.

Từ đầu năm 2022,doanh nghiệp nước ngoài xuất thực phẩm sang thị trường Trung Quốc phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Ảnh: Lý Thành
Từ đầu năm 2022,doanh nghiệp nước ngoài xuất thực phẩm sang thị trường Trung Quốc phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Ảnh: Lý Thành

Đặc biệt, theo Lệnh 248, Lệnh 249 của Trung Quốc, ngay từ đầu năm 2022, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài xuất thực phẩm sang thị trường Trung Quốc phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc tuân thủ những quy định mới. 

“Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. Ðối với các sản phẩm trồng trọt, Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Chính những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc”, bà Yến thông tin.

Đáng chú ý, để tránh ùn các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, đại diện Bộ Công Thương lưu ý, Ngoài nhiều biện pháp của các cơ quan ban ngành và các địa phương có biên giới với Trung Quốc đã áp dụng trong thời gian qua thì về phía Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất - nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Ngoài ra, để tính đến các phương án, về lâu dài, việc tiếp tục thúc đẩy ký kết các nghị định thư về kiểm dịch thực vật giữa hai bên đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là vấn đề cần thiết để giảm thời gian thông quan. Đặc biệt, chuyển mạnh xuất khẩu sang chính ngạch, có các hợp đồng thương mại mua bán giữa hai bên là "vấn đề vẫn chưa bao giờ hết tính thời sự" trong giai đoạn hiện nay để tránh các rủi ro khi phụ thuộc vào hình thức buôn bán mang tính trao đổi cư dân biên giới. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Công Thương đã từng có các văn bản để khuyến cáo cho các doanh nghiệp.

Việc tính toán cho tiêu thụ nội địa trong nước hoặc các thị trường khác khi vào cao điểm mùa thu hoạch nông sản, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán cũng là phương án cần được các doanh nghiệp về nông sản của Việt Nam tính đến để giảm tình trạng phụ thuộc vào một thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi thông quan nông sản gặp khó khăn.

Đối với doanh nghiệp, bà Bùi Hoàng Yến cho rằng, việc tính toán cho tiêu thụ nội địa trong nước hoặc các thị trường khác khi vào cao điểm mùa thu hoạch nông sản, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán cũng là phương án cần được các doanh nghiệp về nông sản của Việt Nam tính đến để giảm tình trạng phụ thuộc vào một thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi thông quan nông sản gặp khó khăn.

Doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ ràng rằng, những quy định của Trung Quốc về nhập khẩu nông, thủy sản là những quy định mang tính kinh tế mà bất cứ nước nào muốn bảo vệ người tiêu dùng của nước họ đều phải quy định. Chính vì vậy, Việt Nam cần những giải pháp mang tính thích nghi với những quy định mới của Trung Quốc.

“Doanh nghiệp cần tập trung giải quyết 2 vấn đề nổi cộm là chất lượng và an toàn thực phẩm đối với hàng nông, thủy sản Việt Nam, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu”, đại diện Bộ Công Thương lưu ý.

Bên cạnh đó, phân tích về những cơ hội xuất khẩu từ các FTA, bà Bùi Hoàng Yến cho biết, Việt Nam đã ký kết 15 FTA. Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất - nhập khẩu trong thời tới. Việc thực hiện cam kết FTA với các nước châu Âu và khu vực khác trên thế giới sẽ giúp phát triển thị trường xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đa dạng, cân bằng và đạt hiệu quả hơn.

Theo bà Bùi Hoàng Yến, để tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại, doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động như: Chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Hiện nay, các nội dung chính của Hiệp định hiện đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương tại đây. Đây là kênh thông tin tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp khi tìm hiểu về EVFTA. 

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như: nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Cần lưu ý rằng, để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.

“Cuối cùng, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU”, đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận.

Nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về Hải quan, ông Đào Xuân Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản được Nhà nước khuyến khích với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông, thủy sản đơn giản, tạo thuận lợi thương mại và được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

Tuy nhiên, theo ông Tám, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp do đã xuất hiện biến chủng mới, nhiều nước trên thế giới còn áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch nên hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng.

Để hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại từ dịch bệnh, ngành Hải quan khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản cần lưu ý: Nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan kịp thời; thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế; Các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh/ thiên tai…; nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào các đối tượng khách hàng, thị trường truyền thống; hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý Tổng cục Hải quan cũng chia sẻ về những nhóm giải pháp mà ngành Hải quan đang đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như: Nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; nhóm giải pháp về xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động XNK trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19;  nhóm giải pháp đẩy mạnh cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành; công tác đối thoại, trao đổi với doanh nghiệp; công tác đàm phán, tổ chức các kỳ họp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan hàng hóa;… 

Trong đó, đối với nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Đào Xuân Tám cho biết, ngành Hải quan đã chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá. Hay cho doanh nghiệp được nộp bản scan điện tử Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu AK, KV để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc.

Mặt khác, tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản hàng hóa thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong tỏa, cũng như hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng.

“Đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan, tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Tám thông tin.

Về công tác đối thoại, trao đổi với doanh nghiệp, ông Tám chia sẻ Tổng cục Hải quan đã thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, Hội nghị trực tuyến hoặc tham gia các Hội nghị do Chính phủ, Bộ ngành tổ chức để kịp thời nắm bắt, tiếp thu, giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID 19. 

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp do đã xuất hiện biến chủng mới; nhiều nước trên thế giới còn áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch nên hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng.

Do đó, để hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại từ dịch bệnh, ngành Hải quan khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản như cần nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan kịp thời; thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế; các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai….

“Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào các đối tượng khách hàng, thị trường truyền thống. Cũng như hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu”, ông Đào Xuân Tám nhấn mạnh.