Hải quan TP. Hồ Chí Minh đối thoại trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp Canada

Theo Lê Thu/haiquanonline.com.vn

Ngày 24/11, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Canada tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên đề “Cộng đồng doanh nghiệp Canada và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh là đối tác tin cậy, chung tay phục hồi kinh tế sau đại dịch”.

Tổng lãnh sự Canada tại TP. Hồ Chí Minh và Phó Cục trưởng Hải quan TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch. Ảnh: T.H.
Tổng lãnh sự Canada tại TP. Hồ Chí Minh và Phó Cục trưởng Hải quan TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch. Ảnh: T.H.

Hàng hóa xuất nhập khẩu gia tăng

Tổng lãnh sự Canada tại TP. Hồ Chí Minh Behzad Babakhanic cho biết, phát huy thế mạnh kinh tế giữa hai nước, hiện nay doanh nghiệp hai nước đang tận dụng lợi thế của Hiệp định CPTPP, trung bình kim ngạch xuất nhậ khẩu (XNK) hai chiều giữa Việt Nam và Canada đạt khoảng 9 tỷ USD/năm.

Trong đó, chủ yếu xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada, còn xuất khẩu từ Canada sang Việt Nam mới đạt 700 triệu USD. Canada xuất khẩu thịt sang Việt Nam hiện nay đang ở mức 100 triệu USD, gấp 3 lần, thủy sản 50 triệu USD. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN.

Ông Behzad Babakhanic đánh giá, việc khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch giữa hai nước có sự đóng góp lớn của cơ quan Hải quan. Vai trò của cơ quan Hải quan rất lớn trong việc thông thương hàng hóa XNK giữa hai nước.

“Đặc biệt, trong thời gian dịch bùng phát vừa qua, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp duy trì thông quan hàng hóa XNK…”- Tổng lãnh sự Canada nhấn mạnh.

Chia sẻ về những lợi thế từ CPTPP doanh nghiệp hai nước, bà Lisa Mallin, cán bộ chính sách thương mại, Đại sứ quán Canada tại Tokyo- Nhật Bản cho rằng, Hiệp định CPTPP đã tạo nhiều thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường giữa doanh nghiệp Canada và Việt Nam, người tiêu dùng Canada được tiếp cận các dịch vụ, hàng hóa với giá cả hợp lý.

CPTPP tác động gia tăng các sản phẩm nông nghiệp XK. Chẳng hạn như lúa mì, đậu nành, thịt và nhiều sản phẩm khác của Canada xuất khẩu sang Việt Nam tăng rất nhanh. Ví dụ như mặt hàng thịt xuất khẩu tăng rất nhanh, với doanh số 11 triệu CAD từ năm 2018 đã tăng lên 38 triệu CAD vào năm 2020; mặt hàng thị bò gia tăng 400%; thịt lợn tăng 150%...

Tuy nhiên, khảo sát 500 DN Cadada, có đến 93% DN chưa biết hoặc biết rất ít về CPTPP, hội thảo với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh với cộng đồng DN Canada sẽ giúp các DN hiểu biết rõ hơn về hiệp định này…

Hướng dẫn nhiều thủ tục cho doanh nghiệp

Tại hội thảo, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp Canada liên quan đến thủ tục hải quan nhập khẩu một số mặt hàng như: yến mạch, nhân sâm tươi..; kiểm tra chuyên ngành đối với một số mặt hàng thực phẩm; chứng nhận xuất xứ; thuế suất ưu đãi đối với một số mặt hàng nhập khẩu.

Giải đáp câu hỏi của một số doanh nghiệp về nhập nhiều lô hàng trong một giai đoạn (thường là 1 năm) và các mặt hàng giống nhau, có cần phải thêm số invoice cho từng lô hàng hay không, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý Phan Minh Thảo cho biết, căn cứ điểm Khoản 5, Điều 7a Thông tư 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 được sửa đổi bổ sung tại Khoản 4, Điều 1, Thông tư 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 quy định: Thủ tục hải quan áp dụng đối với trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp cho nhiều lô hàng giống hệt được nhập khẩu nhiều lần trong thời hạn được ghi rõ trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại điểm a.8, khoản 3, Điều 1.

Cụ thể, thủ tục hải quan đối với trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ không ghi cụ thể số lượng hàng hóa nhập khẩu. Khi làm thủ tục cho lô hàng nhập khẩu đầu tiên của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp cho nhiều lô hàng giống hệt, người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan 1 bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Cơ quan Hải quan đối chiếu sự phù hợp giữa tờ khai hải quan nhập khẩu với chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Đối với các lô hàng nhập khẩu tiếp theo, người khai hải quan khai vào ô “Phần ghi chú” trên tờ khai hải quan nhập khẩu số tờ khai nhập khẩu lần đầu đã áp dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định tại điểm a.8, khoản 3, Điều này.nhập khẩu nhân sâm tươi, phải kiểm tra an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế và kiểm dịch tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại hội thảo, liên quan đến một số câu hỏi của doanh nghiệp về kiểm tra chuyên ngành, Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, hiện nay Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đang được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ.

Với vai trò được giao làm đầu mối, cơ quan Hải quan sẽ áp dụng Công nghệ thông tin và quản lý rủi ro trong việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành, sẽ có thay đổi căn bản so với trước đây. Khi nghị định được ban hành, cơ quan Hải quan sẽ có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp chủ động thực hiện các bước trước khi hàng cập cảng, hàng hóa nhập khẩu sẽ thông quan nhanh chóng…