Hàn Quốc: Tung gói hỗ trợ xuất khẩu

Theo Minh Anh/thoibaonganhang.vn

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) trong cuộc họp gần đây nhất đã đưa ra một báo báo, theo đó mức tăng trưởng kinh tế dự kiến của quốc gia này trong năm 2015 được hạ thấp, chỉ còn đạt 2,8% trong năm 2015, thấp hơn với mức ước hồi đầu năm là 3,1%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc từ đầu năm 2015 phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, Chính phủ nước này đã phải thực hiện nhiều nỗ lực hỗ trợ, bao gồm việc cắt giảm lãi suất hồi tháng 6 và kế hoạch kích thích tài khóa được đưa ra đầu tháng 7.

Tuy nhiên, dường như cho đến thời điểm hiện tại, các quyết sách này chưa có tác động rõ rệt đến sự chuyển biến của nền kinh tế, và quyết định hạ thấp triển vọng tăng trưởng của BoK được đưa ra là điều có thể dự đoán.

Theo BoK, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực châu Á bắt nguồn từ sự sụt giảm mạnh mẽ của khu vực tiêu dùng, cũng như niềm tin của các tổ chức kinh tế bị dao động mạnh dưới tác động của dịch MERS.

Dịch MERS, bùng nổ tại Hàn Quốc từ đầu năm 2015, ngoài những thiệt hại về người, đã tác động mạnh đến doanh thu bán lẻ cũng như hoạt động du lịch của quốc gia này, từ đó kéo theo tăng trưởng sụt giảm liên tiếp từ đầu năm trở lại đây.

Trong khi đó xuất khẩu – một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc cũng đang kéo dài chuỗi suy giảm sang tháng thứ 6 liên tiếp, do những tác động từ sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc và tình trạng phục hồi không chắc chắn của Khu vực đồng Euro.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra để có thể khôi phục lại đà tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó thúc đẩy xuất khẩu là một mục tiêu ưu tiên. Theo thông tin của Bộ Thương mại Hàn Quốc, quốc gia này đang có kế hoạch hỗ trợ về mặt tài chính trị giá 16,2 nghìn tỷ won dưới dạng các khoản tín dụng lãi suất thấp, hoặc các chính sách bảo hiểm đối với các nhà xuất khẩu nội địa trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2016.

Hoạt động xuất khẩu, vốn đóng góp khoảng một nửa vào tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong những năm gần đây, hiện đang trải qua giai đoạn suy giảm do sức cầu thế giới sụt giảm mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc – quốc gia chiếm đến 1/4 tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc.

Sự sụt giảm của tổng cầu thế giới không chỉ do tác động mang tính tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, mà còn bắt nguồn từ chính những thay đổi về mặt cơ cấu tại các nền kinh tế xuất nhập khẩu chủ chốt trên thế giới.

Ví dụ như Trung Quốc, trong một thời gian dài trước đây, Hàn Quốc thường xuất khẩu những mặt hàng trung gian đến Trung Quốc, và đây là nơi gia công để xuất khẩu đến những nước thứ 3 khác.

Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã có chính sách phát triển mạnh những lĩnh vực công nghiệp trung gian, do đó lượng hàng trung gian nhập khẩu cũng có chiều hướng giảm mạnh mẽ.

Do đó, gói chính sách hỗ trợ sắp tới của Hàn Quốc không chỉ mang tính chất trợ giúp về mặt tài chính trong ngắn hạn, mà còn định hướng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển sang xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hoặc các sản phẩm hoàn chỉnh đến thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, chính sách này cũng khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc gia tăng đầu tư phát triển công nghệ để tiếp tục dẫn đầu trong thị trường xuất khẩu toàn cầu. Đồng thời, Bộ Thương mại Hàn Quốc cũng khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới như Việt Nam, Mexico, song song với việc tiếp tục gia tăng đàm phán ký kết các hiệp định tự do với các nền kinh tế Trung Á và Mỹ La tinh, nhằm mở rộng hơn thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp nội địa trong tương lai.