Hàng nội trước sức ép cạnh tranh: Chưa xong Trung, đã lo Thái!

Việt Phương - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Sau rất nhiều những bê bối về chất lượng, người tiêu dùng Việt đã quay lưng với hàng Trung Quốc. Đáng ra đây sẽ là cơ hội để các sản phẩm Việt chiếm lĩnh thị trường, lấy lại lợi thế sân nhà. Tuy nhiên, thị trường lại đang chứng kiến một sự xâm nhập mới mang tên Thái Lan.

Hàng nội trước sức ép cạnh tranh: Chưa xong Trung, đã lo Thái!
Một trong rất nhiều cửa hàng chuyên “hàng Thái” trên tại Việt Nam

Xét về khả năng nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp Thái Lan (cùng với đó là hàng hóa Thái Lan) chắc chắn “ăn đứt” doanh nghiệp Việt, hàng Việt khi đang từng bước thế chân hàng tiêu dùng Trung Quốc trong ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam. Họ bước vào thị trường Việt Nam với những sản phẩm được coi là tốt về chất lượng, phù hợp về giá cả. Đó cũng là lý do họ chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.

“Ăn nhau” ở giá

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nếu như 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu rau quả Thái Lan về Việt Nam mới đạt giá trị 73 triệu USD thì tính đến hết tháng 7, con số này tăng thêm tới 33 triệu USD, đạt mức 106 triệu USD, chiếm 34,2% thị phần so với 23,1% của Trung Quốc. Cùng kỳ năm ngoái, thị phần của Trung Quốc là 34,2% còn Thái Lan là 29,4%. Rau quả từ Thái Lan lần đầu tiên đã vượt Trung Quốc và trở thành nước dẫn đầu trong việc xuất khẩu rau quả vào Việt Nam với các mặt hàng chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, me... Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại khoảng 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác…

Điều đáng nói, các sản phẩm Thái Lan có mặt trên thị trường hầu hết đều là các sản phẩm tiêu dùng mà trong nước cũng sản xuất được. Từ những vật dụng thường dùng nhất như kem đánh răng, dầu gội đầu, khăn mặt, đến mỹ phẩm… đặc biệt, trái cây, rau củ quả, hàng nông sản là chủng loại có sản lượng lớn nhất tràn lan thị trường Việt, từ Nam ra Bắc, đâu đâu cũng thấy hoa quả, gạo Thái Lan.

Theo TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, điều lo ngại là với công nghệ trồng trọt hiện đại hơn, người Thái có thể sản xuất được nhiều trái cây trái vụ dễ dàng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khi ta hết mùa các loại trái cây này. Còn ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng đang dễ dãi với trái cây Thái Lan. Họ mặc định trái cây Thái chất lượng tốt, ngon hơn nhưng vấn đề kiểm dịch, có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không thì ít ai quan tâm.

Những bài học đơn giản

Các chuyên gia đánh giá, điểm vượt trội mà hàng Thái có được không chỉ ở chất lượng, giá cả… mà họ vẫn luôn thay đổi mẫu mã để hướng đến thị hiếu của người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tâm lý của người tiêu dùng.

Trên thực tế, các sản phẩm của Thái Lan đã đặt chân vào Việt Nam từ lâu, song không quá ồn ã. Chỉ tới khi thương vụ mua lại Metro Việt Nam của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan mới khiến dư luận dậy sóng. Sau sự kiện ấy người ta mới giật mình trước sự có mặt một cách nhanh, mạnh và rất chắc chắn của người Thái trên đất Việt. Có thể kể tới sự mở rộng quy mô ngày càng lớn của Tập đoàn C.P Thái Lan (Charoen Pokphand - Thái Lan) C.P là một trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp, điển hình là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, sản xuất thực phẩm. Hoặc mới đây nhất là động thái “đánh tiếng” mua Sabeco (thương hiệu bia lớn nhất Việt Nam) của một tỷ phú Thái Lan…

Với những diễn biến ấy, rất dễ đồng cảm với phát biểu của bà TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khi cho rằng: Chính Thái Lan chứ không phải Trung Quốc mới thực sự là đối thủ “đáng gờm” bởi những điểm mạnh của họ. Và nếu các DN trong nước không đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng hệ thống phân phối… thì rất khó có thể cạnh tranh với hàng Thái và những DN đến từ các nước khác, nhất là khi cánh cửa hội nhập đang ngày một rộng mở.