Thông tư 33/2017/TT-BTC:

Quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước


Ngày 20/4/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTC quy định chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Bộ Tài chính cho biết, các quy định tại thông tư mới nhằm tăng cường hiệu lực pháp lý cũng như để phù hợp mục tiêu cải cách hành chính và thực tiễn hoạt động của quỹ ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo đó, về trách nhiệm của công chức tham gia quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá tài sản quý được quy định theo hướng: tại kho bạc nhà nước (KBNN), Vụ trưởng Vụ Kho quỹ là trưởng ban; Kế toán trưởng Sở Giao dịch và thủ kho là thành viên.

Tại KBNN tỉnh, huyện thì giám đốc là trưởng ban, các thành viên là kế toán trưởng và thủ kho.

Ngoài việc có chung trách nhiệm là trực tiếp mở, khóa cửa kho tiền; cùng vào ra kho tiền thì mỗi thành phần ban quản lý kho tiền có những trách nhiệm riêng. Cụ thể, các trưởng ban có trách nhiệm tổ chức, quản lý, đảm bảo an toàn bí mật tiền mặt, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác bảo quản trong kho tiền, trực tiếp tham gia kiểm quỹ, kiểm kê kho tiền theo quy định; xác định nguyên nhân thừa, thiếu tiền mặt...

Các kế toán trưởng có trách nhiệm quản lý, giám sát việc xuất, nhập tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý vào kho tiền; kiểm tra, đối chiếu số liệu thực tế kiểm kê với số liệu trên sổ kế toán và sổ kho quỹ, đồng thời kiểm soát việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn kho quỹ. Các thủ kho chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối và sắp xếp các loại tiền, tài sản trong kho gọn gàng, ngăn nắp; đối chiếu số liệu nhập, xuất, tồn kho tiền mặt, giấy tờ có giá trong khpo và các sổ nghiệp vụ của mình với sổ kế toán.

Vụ trưởng Vụ Kho quỹ KBNN, Giám đốc KBNN các tỉnh, huyện được ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện toàn bộ hoặc từng phần công việc quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý.

Kế toán trưởng được ủy quyền cho người khác trong tổ chức của mình có đủ điều kiện thực hiện toàn bộ hoặc từng phần công việc.

Tuy nhiên, việc ủy quyền này phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2017. Bãi bỏ Quyết định số 61/2002/QĐ-BTC ngày 17/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Mời Quý độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 33/2017/TT-BTC.