Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển giai đoạn hậu COVID-19

TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên - Trường Đại học Sao Đỏ

Trong các năm từ 2020-2022, Việt Nam trải qua 4 đợt phòng, chống dịch COVID-19. Đến thời điểm này, dịch bệnh đã được kiểm soát, cuộc sống sinh hoạt của người dân đã trở lại hoạt động bình thường, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục… cũng phục hồi và phát triển trở lại, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hậu dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp nhằm phục hồi và phát triển.

Hậu dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp nhằm phục hồi và phát triển.
Hậu dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp nhằm phục hồi và phát triển.

Thực trạng phát triển doanh nghiệp năm 2022 và quý I/2023

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,1% về số DN, giảm 1,3% về vốn đăng ký so với năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3.172,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 50,4 nghìn DN tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2022 là 4.763,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm trước.

Bên cạnh đó, cả nước còn có 59,8 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208,3 nghìn DN, tăng 30,3% so với năm 2021. Bình quân một tháng có 17,4 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, năm 2022, cả nước có 1.959 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,0% so với năm 2021; 36,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 16,1%; 110,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 31,9%.

Cũng trong năm 2022, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73,8 nghìn DN, tăng 34,3% so với năm 2021; gần 50,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18,6 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11,9 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Đến quý I/2023, cả nước có gần 34 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng, giảm 2% về số DN, giảm 34,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nếu tính cả 446,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10,6 nghìn DN tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2023 là 756,7 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23 nghìn DN quay trở lại hoạt động (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2023 lên gần 57 nghìn DN, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có gần 19 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn DN, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4,6 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 24,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2022; 37,2% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 38,5% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý II/2023, có 44,1% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023; 35,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 20,6% số DN dự báo khó khăn hơn.

Khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19

Đơn hàng giảm sút

Nhìn chung, DN ở hầu hết các ngành hàng đều gặp khó khăn trong đầu năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, ngành công nghiệp bị ảnh hưởng theo xu hướng chung, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo. Theo đó, quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm 2022 và mức tăng 5,7% của cùng kỳ 2021. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 4,4%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 1,5%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,8%.

Đồng thời, các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nguyên nhân của sụt giảm đơn hàng chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều DN Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, do đó đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.

Nhu cầu tiêu dùng từ các đối tác thương mại lớn của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 khiến kim ngạch xuất khẩu quý I/2023, ước đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9%, trong đó khu vực đầu tư trong nước giảm 17,4%, khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 10,0%.

Trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chính trong quý I/2023 có đến 35 nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng âm, chiếm đến 83,1% giá trị xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ như: Hàng dệt may giảm 17,4%; Điện tử máy tính và linh kiện giảm 10,9%; Điện thoại các loại và linh kiện giảm 15,0%; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,3%... Theo khu vực kinh tế, năm 2022, cả nước có 1.959 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,0% so với năm 2021; 36,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 16,1%; 110,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 31,9%.

Doanh nghiệp cạn vốn, hoạt động chông chênh

Không chỉ thiếu đơn hàng, các DN cũng phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các DN đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh. Cụ thể, DN ngành Thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều DN phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

DN nông nghiệp cũng thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kỳ thu mua tập trung ở các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Trong khi đó, DN sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho DN cung ứng vật liệu.

Thiếu vốn cùng với các khó khăn mang tính hệ thống trước nay của DN tư nhân Việt Nam về nền tảng quản trị, về công nghệ… khiến phần lớn DN Việt đối diện với tình thế “chông chênh” để duy trì một phần hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi.

Ngoài ra, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các DN bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình DN khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp DN thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách.

Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của DN có nguy cơ bị bán tháo. Thậm chí, thông tin từ DN, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của DN Việt cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là thách thức không chỉ với DN Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô.

Chưa kể đến việc các ngân hàng nhất là ngân hàng thương mại liên tục thay đổi chính sách đã tạo nên rất nhiều vấn đề bất cập, các điều kiện cho vay quá chặt. Lãi suất đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao nên còn gây nhiều khó khăn trong kinh doanh, sản xuất, với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay sẽ khiến chi phí DN đội lên rất lớn.

Chi phí đầu vào tăng vọt

Giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga - Ukraine dẫn đến chi phí đi vay cao hơn, hoạt động thương mại bị gián đoạn, lạm phát lên cao, ảnh hưởng đến các DN trên toàn thế giới. Lạm phát gia tăng đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất khiến chi phí đi vay của DN cao hơn. Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đã gây ra tình trạng thiếu hụt đầu vào và tăng giá hàng hóa.

Chi phí logistics tăng bởi giá xăng dầu tăng mạnh, dự kiến chi phí vận chuyển đường biển tăng khoảng 10-30% tùy từng tuyến đường. Ngoài ra, chi phí vận chuyển trong nước cũng được dự báo tăng khoảng 10%, cộng thêm hiện tượng ùn nghẽn tại các cảng biển gia tăng do thiếu năng lực khai thác và nhu cầu vận chuyển tăng cao sau giai đoạn COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tài chính của DN.

Thống kê cho thấy, hơn 2/3 DN đang chịu áp lực do lạm phát có xu hướng gia tăng và bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới. Đây là những khó khăn lớn nhất mà DN đang phải đối mặt; tiếp theo là gián đoạn do “di chứng” của đại dịch COVID-19 gây ra (61,5%); đứt gãy chuỗi cung ứng (53,9%); sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp (48,1%) và khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất (40,4%) (Đặng Đức Thành, 2023).

Sự đứt gãy và thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại các doanh nghiệp

Sự thiếu hụt lao động dẫn đến việc nhiều DN phải đẩy mạnh tuyển dụng để khôi phục sản xuất kinh doanh, phát sinh nhiều chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo cho nhân lực mới, mất thêm thời gian cho việc tăng chất lượng, sự lành nghề của lực lượng lao động và cả việc xây dựng quan hệ lao động, văn hóa DN.

Thách thức về chất lượng nguồn lao động chưa đạt yêu cầu do tay nghề thấp, thiếu kỹ năng mềm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời, thách thức về mức độ, khả năng thích ứng của người lao động với tốc độ cập nhật các phương thức, mô hình làm việc mới. Khả năng này kém khiến người lao động khó bắt kịp với tốc độ đổi mới của DN nên đã phát sinh sự “lệch pha”, làm chậm quá trình phục hồi DN.

Ngoài ra, thách thức về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động làm giảm năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh của DN (theo nghiên cứu về tác động của đại dịch COVID-19 đến người lao động khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam của Investing in Women (IW) và VBCWE).

Một số đề xuất trong thời gian tới

Nhằm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hậu COVID-19, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Một là, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của DN, đặc biệt với các DN tư nhân trong nước đang đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua.

Đối với việc duy trì niềm tin của DN vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, thực chất quy trình tham vấn, lấy ý kiến của DN khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan, không chỉ lấy ý kiến một vài đơn vị mang tính đại diện.

Hai, có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của DN trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng cần nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp tài sản vay.

Ba là, khó khăn lớn nhất của các DN công nghiệp trong thời kỳ lạm phát các nước tăng cao, suy thoái kinh tế diễn ra là thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp và giảm sút (đặc biệt là xuất khẩu). Vì vậy, DN rất cần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu…

Bốn là, về lao động, chính sách hỗ trợ cho người lao động cần rõ ràng, giảm bớt thủ tục, hướng dẫn cụ thể, giảm bớt khó khăn cho DN. Cần có gói hỗ trợ DN và người lao động giúp DN giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để DN trả lương cho người lao động đối với DN gặp khó khăn.

Năm là, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các DN. Bên cạnh đó, tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu thụ trong nước “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Về phía doanh nghiệp

Thứ nhất, thực hiện tái cấu trúc DN. Đây là biện pháp dài hạn và thực hiện thường xuyên, tuy nhiên khi xảy ra dịch bệnh thì yêu cầu tái cấu trúc DN trở nên cấp bách, đồng thời cũng là cơ hội để DN thực hiện tái cấu trúc nhanh hơn, quyết liệt hơn, trong đó, tập trung vào tái cấu trúc chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc vốn và nguồn vốn.

Thứ hai, thực hiện chuyển đổi số trong DN. Thực hiện chuyển đổi số trong các DN Việt Nam còn khá chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do các DN Việt Nam đa số là các DN nhỏ và vừa kinh doanh theo phương thức truyền thống, hạn chế nguồn lực và kênh phân phối, nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo DN chưa cao.

Thứ ba, sử dụng các công cụ quản lý DN hiện đại. Có nhiều công cụ đã được DN trên thế giới sử dụng hiệu quả các DN Việt Nam có thể áp dụng trong việc quản lý DN, quản lý kinh doanh như: Strategic Planning, Customer Relationship Management, Benchmarking, Balanced Scorecard… Chẳng hạn, để quản trị mục tiêu chiến lược và hiệu quả công việc DN có thể sử dụng bộ đôi công cụ BSC và KPI.

Thẻ điểm cân bằng (Balance Scoredcard - BSC) là một hệ thống quản lý chiến lược qua 4 khía cạnh tài chính, khách hàng, hoạt động nội bộ và hoạt động nghiên cứu phát triển. BSC cho biết, để có thể đạt được các mục tiêu chiến lược, DN cần ưu tiên phát triển những nguồn lực nào để tạo ra sự khác biệt, DN cần có năng lực cốt lõi gì, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Chỉ số đánh giá thực hiện công việc (Key Performance Indicator - KPI) là công cụ đo lường hiệu suất làm việc, giúp DN có thể tính toán trước được kết quả và từ đó theo dõi quá trình tăng trưởng so với mục tiêu đã đề ra.

Thứ tư, tìm hướng đi mới, thay đổi cách thức marketing và bán hàng. Khi xảy ra dịch bệnh, khách hàng sẽ không đi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, lúc này DN cần thay đổi phương thức kinh doanh chuyển từ phục vụ tại cửa hàng sang phục vụ tại nhà, chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online.

Thứ năm, chú trọng khai thác thị trường nội địa. Tác động của việc “đứt gãy” nguồn cung ứng nguyên phụ liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm là rất lớn, đặc biệt đối với các DN xuất khẩu sang các thị trường: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Để giải quyết vấn đề này, các DN cần chủ động khai thác thị trường nội địa, kể cả ở khía cạnh tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu thay thế và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các DN cần tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế.

Thứ sáu, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Theo đó, DN cần rà soát lại toàn bộ các chi phí và thực hiện giảm, cắt giảm các chi phí đến mức tối đa như chi phí thuê văn phòng, chí phí hành chính, chi phí quảng cáo…

Thứ bảy, đào tạo và đào tạo lại nhân viên. Ngoài việc thực hiện các chính sách về lao động, các DN cần đào tạo và đào tạo lại lao động để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển DN trong hiện tại và tương lai.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê (2022), Thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội năm 2022;
  2. Tổng cục Thống kê (2023), Thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội quý I/2023;
  3. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022, 2023), Báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2022 và quý I năm 2023;
  4. Đặng Đức Thành (2023). Hỗ trợ kinh tế tư nhân phục hồi sau đại dịch Covid-19, https://vneconomy.vn/ho-tro-kinh-te-tu-nhan-phuc-hoi-sau-dai-dich-covid-19.htm.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023