Cà Mau:

Hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất

Theo Ðặng Duẩn/Báo Cà Mau

Chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch lúa, hoa màu, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, vấn đề tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp được dự đoán là sẽ khó khăn hơn. Ðể vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, các địa phương cần có nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân, cũng như thực hiện các biện pháp phát triển sản xuất phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Toàn (bên trái), Chủ tịch HÐQT HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Thuỷ sản Ông Muộn, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, tát nước rửa mặn, phơi đầm chuẩn bị sạ lúa trên đất nuôi tôm. Ảnh: Ðặng Duẩn
Ông Nguyễn Văn Toàn (bên trái), Chủ tịch HÐQT HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Thuỷ sản Ông Muộn, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, tát nước rửa mặn, phơi đầm chuẩn bị sạ lúa trên đất nuôi tôm. Ảnh: Ðặng Duẩn

Chủ động sản xuất

Lý Văn Lâm là xã có diện tích trồng lúa lớn của TP. Cà Mau, với hơn 1.100 ha chuyên lúa, bên cạnh đó là 180 ha lúa - tôm năng suất cao. Vấn đề đảm bảo quá trình thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đạt hiệu quả cao nhất, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, là mối bận tâm của chính quyền địa phương.

Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm Trần Quyết Toán cho biết: “Tình hình sản xuất 6 tháng đầu năm của người dân ổn định. Diện tích lúa sạ khô hiện đạt 50-60 ngày tuổi, sạ nước từ 30-40 ngày tuổi, hiện các trà lúa phát triển tốt. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND xã sẽ tăng cường tuyên truyền Nhân dân thu hoạch từng khu vực, tránh thu hoạch đồng loạt, dẫn đến vượt khả năng vận chuyển, chế biến, gây tồn đọng, giảm giá thành”.

Riêng về dưa hấu, hiện xã Lý Văn Lâm có 9 ha với 23 hộ dân trồng trái vụ, so với cùng kỳ tăng 6 ha. Qua đánh giá, dịch bệnh cũng không ảnh hưởng nhiều, do diện tích nhỏ nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn còn cao, nên không dẫn đến tình trạng tồn đọng sản phẩm. Hiện giá dưa hấu dao động từ 7.000-7.500 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ mọi năm từ 2.000-2.500 đồng.

Theo kế hoạch, TP. Cà Mau giao xã Lý Văn Lâm sản xuất dưa hấu giai đoạn cuối năm đạt 75 ha, để đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu cũng như đầu ra ổn định, UBND xã Lý Văn Lâm khuyến khích người dân trồng rải vụ để vừa đảm bảo diện tích dưa hấu, vừa hạn chế sức ép sản lượng tập trung vào cuối năm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm Mạc Ngọc Truyền cho biết: “Hội Nông dân xã vận động người dân trồng dưa trái vụ được 12,5 ha, hiện giá cả và đầu ra ổn định. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân rải vụ khoảng 10 ha nữa, đảm bảo cung ứng và không ùn ứ sản phẩm. Thực hiện việc này thì giai đoạn chính vụ phục vụ Tết Nguyên đán, diện tích dưa sẽ không còn quá lớn, gây khó cho tiêu thụ. Sản phẩm dư của xã phần lớn là xuất ra tỉnh khác, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì nếu tập trung quá lớn diện tích vào cuối năm sẽ rất khó tiêu thụ. Việc rải vụ vừa đảm bảo chỉ tiêu được giao, vừa chủ động được đầu ra, giảm thiểu tình trạng được mùa mất giá, thậm chí là không tìm được đầu ra”.

Hỗ trợ tốt cho nông dân

Mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân an tâm sản xuất, tuy nhiên, còn nhiều khó khăn cần đến sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp, ngành có liên quan, để có thể thực hiện tốt chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế như hiện nay. Hợp tác xã (HTX) là hình thức kinh tế hợp tác hiệu quả và đang bắt đầu nhận được sự tin tưởng của người dân, tuy nhiên, trong giai đoạn này thì hầu hết đều gặp khó, họ cần những chính sách phù hợp, kịp thời của Nhà nước để vượt qua.

Chủ tịch HÐQT HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Thuỷ sản Ông Muộn, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Do dịch bệnh nên hiện HTX còn tồn hơn 60 tấn gạo. Ngoài ra, các sản phẩm khác của xã viên như tôm, cua đều giảm giá. Sắp đến vụ sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm mà bà con còn phân vân, chưa chuẩn bị vụ mới. Chúng tôi đã vận động và bản thân cũng đang chuẩn bị vụ trồng lúa chất lượng cao trên đất nuôi tôm, để người dân tự tin thực hiện. Nếu bà con không thực hiện tốt vụ này thì HTX cũng không tìm được nguồn nguyên liệu để sản xuất”.

Tiêu thụ khó dẫn đến HTX gặp trở ngại trong huy động vốn đầu tư, tiếp tục sản xuất. Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Nhìn chung, vốn đầu tư hiện là vấn đề lớn. Ngoài huy động vốn từ thành viên HTX thì phần còn lại là vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện sản phẩm làm ra bán không được, nên mong có thể được giảm lãi suất. Về đầu ra, rất mong Sở Công thương, Liên minh HTX có mối liên kết với doanh nghiệp thu mua tiếp với HTX. Thực tế, người dân nuôi trồng rất hiệu quả nhưng nếu cứ bán rẻ hoặc tồn đọng sản phẩm do không tìm được đầu ra ổn định thì họ sẽ mất niềm tin vào kinh tế hợp tác”.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể sẽ gặp khó về đầu ra cũng như giá đầu ra bị sụt giảm vào giai đoạn cuối năm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, nhưng nghịch lý là hiện giá cây, con giống cũng như vật tư nông nghiệp đang tăng.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn cho biết: "Từ đầu năm đến nay, qua rà soát thì giá phân, thuốc bảo vệ thực vật tăng. Thức ăn cho cá bổi, cho tôm tăng từ 10-15%, làm cho chi phí nuôi trồng tăng cao".

Việc nuôi trồng chi phí tăng, nếu đầu ra tiếp tục khó thì người dân sẽ thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho vụ mùa này cũng như vụ lúa, rau màu cuối năm. Ðể hỗ trợ nông dân, Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời đã chủ động phối hợp với các HTX, các công ty, tập đoàn ngoài tỉnh tạo điều kiện ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con khi vào vụ thu hoạch. Hiện các thương lái đang tiến hành đặt cọc, giá lúa tương đương cùng kỳ.

Ông Duy Quốc Tuấn cho biết thêm: “Ðể ổn định đầu ra, nhất là rau màu phục vụ cuối năm, chúng tôi đã khuyến cáo bà con chọn loại phù hợp với thị trường tiêu thụ, tránh trồng đồng loạt cùng một sản phẩm sẽ gây khó về đầu ra. Riêng cá bổi, toàn huyện có hơn 100 ha nuôi cá bổi thâm canh, sẽ tập trung thu hoạch vào khoảng cuối tháng 12 năm nay, nhưng do hiện tại nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, vấn đề vận chuyển, tiêu thụ được dự báo là sẽ khó, nhờ các cơ quan chuyên môn tạo cầu nối cho bà tiêu thụ cá bổi thương phẩm”.

Các địa phương đã có nhiều giải pháp chủ động trong thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tế, nhưng bên cạnh đó sẽ rất cần sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn để góp phần thực hiện tốt việc vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế ổn định.