Hoàn thiện công tác phân tích tài chính tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Đinh Thị Thu Hiền – Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân

Hệ thống các ngân hàng thương mại ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng đã làm gia tăng tính cạnh tranh nhằm nắm giữ thị phần và phát triển bền vững. Đứng trước thực trạng đó, các ngân hàng đã áp dụng nhiều phương pháp để tồn tại và phát triển. Trong đó, các ngân hàng đã sử dụng công cụ phân tích tài chính để đánh giá, nhận xét quá trình kinh doanh của toàn bộ ngân hàng và từng bộ phận; đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động của ngân hàng và phục vụ tốt hơn cho các đối tượng khách hàng.

Nội dung cơ bản về phân tích tài chính trong các ngân hàng thương mại

Ở những giai đoạn trước, tại Việt Nam, hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) còn mờ nhạt, công tác phân tích tài chính chưa thật sự được chú trọng. Hoạt động phân tích tài chính sau này đã phát triển mạnh mẽ, được các NHTM chú trọng bởi nó góp phần giúp các NHTM ngày càng hoàn được thiện hơn và trở thành những định chế tài chính không thể thiếu trong nền kinh tế.

Hiện tại, không thể phủ nhận tầm quan trọng của phân tích tài chính trong hoạt động của các NHTM. Công cụ phân tích tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với nhà quản trị ngân hàng trong việc nhận diện bộ kết quả hoạt động của NHTM tại kỳ hoạt động một cách khách quan và tương đối trung thực. Trong thực tế, việc phân tích cũng giúp nhà quản trị hiểu rõ nguyên nhân gây ra sự biến động của các chỉ tiêu, các khoản mục trên báo cáo tài chính; nhận biết được các nhân tố ảnh hưởng đến các khoản mục đó để từ đó có các biện pháp đối phó thích hợp, hạn chế nhược điểm và phát huy ưu điểm, nâng cao tính cạnh tranh cho NHTM. Cùng với đó, phân tích tài chính giúp các nhà quản trị NHTM nhận biết và dự đoán trước những rủi ro cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai.

Hầu hết các nội dung phân tích cơ bản được thể hiện qua:

Thứ nhất, phân tích cấu trúc tài chính ngân hàng.

Hoạt động này tập trung phân tích các nội dung về cấu trúc tài sản, cấu trúc nguồn vốn và tính cân bằng giữa tài sản và nguồn vốn. Mục tiêu lớn nhất trong nội dung phân tích này là xác định sự biến động và cơ cấu của từng chỉ tiêu trong tài sản, nguồn vốn, xác định tính ổn định của nguồn tài trợ và tính tự chủ về mặt tài chính; Đồng thời, xác định tính chất cân bằng thể hiện thông qua tính bền vững, tương đối bền vũng và kém bền vững.

Thứ hai, phân tích về hiệu quả hoạt động.

Các hoạt động chủ yếu của NHTM gồm: hoạt động huy động vốn, hoạt động cho vay, đầu tư và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đây được xem là nội dung quan trọng nhất đối với các NHTM vì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng đến các hoạt động của ngân hàng như huy động vốn, cho vay… Thông thường các ngân hàng sẽ dựa vào hiệu quả hoạt động để đánh giá từng hoạt động hoặc toàn bộ hoạt động của ngân hàng để có những nhận xét đánh giá tổng quát nhất, chi tiết và cụ thể nhất làm tiền đề cho các kỳ hoạt động sau. Có thể kể đến một số chỉ tiêu dùng để phân tích như: khả năng sinh lời từ tài sản (ROA), khả năng sinh lời từ vốn chủ sở hữu (ROE), hiệu quả sử dụng vốn lưu động…

Thứ ba, phân tích về rủi ro trong các hoạt động của ngân hàng.

Khác với các ngân hàng nhà nước, các NHTM có mức độ rủi ro cao, vốn hoạt động mang tính chất tự chủ là chính. Do đó, trong quá trình hoạt động không tránh khỏi những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là rủi ro dẫn đến phá sản. Do vậy, phân tích rủi ro luôn là nội dung dành được sự quan tâm đặc biệt đối với các ngân hàng. Rủi ro có thể được phân tích riêng cho từng hoạt động hoặc sử dụng các chỉ tiêu đánh giá tổng quát các hoạt động. Thông qua các chỉ tiêu có thể đánh giá mức độ rủi ro cao hay thấp, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục đưa rủi ro về tối thiểu nhất. Có thể kể đến các chỉ tiêu như: rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, khả năng thu hồi nợ trong hoạt động cho vay…

Thực trạng phân tích tài chính tại các ngân hàng thương mại

Như phân tích ở trên, công tác phân tích tài chính ở các NHTM ngày càng trở nên quan trọng. Trong các báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đều có nhận định: “Các NHTM nên chú trọng đến công tác phân tích tài chính và coi đó như một báo cáo quan trọng và có ý nghĩa lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”. Do đó, nhiều ngân hàng đã tham gia vào công tác phân tích tài chính như: VietinBank, BIDV, Á Châu ACB, An Bình Bank...

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có hơn 80% NHTM quan tâm đến hiệu quả hoạt động của mình thông qua việc đánh giá các chỉ tiêu tài chính.

VietinBank là một trong số các ngân hàng quan tâm, coi trọng công tác phân tích tài chính. Cụ thể, ngày 1/4/2022, VietinBank tổ chức Hội nghị cập nhật kết quả kinh doanh năm 2021, tổng kết đánh giá toàn bộ hoạt động với sự góp mặt của tất cả các thành viên có liên quan. Tại Hội nghị, Ngân hàng này cho biết, trong bối cảnh môi trường kinh doanh năm 2021 còn nhiều khó khăn, thách thức từ ảnh hưởng của dịch bệnh, VietinBank đã nỗ lực thực hiện các biện pháp cải thiện cơ cấu tài sản sinh lời; gia tăng tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn ngắn ngày nhằm tiết kiệm chi phí vốn. VietinBank đã đạt được những kết quả tích cực cả về quy mô và hiệu quả, hoàn thành và vượt các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Cụ thể:

- Dư nợ tín dụng của VietinBank tăng 11,1% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ bình quân tăng 12,3% so với cuối năm 2020; tỷ trọng dư nợ bình quân của phân khúc có tỷ suất sinh lời cao như bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tích cực từ 54% năm 2020 lên 57% năm 2021.

- Nguồn vốn huy động thị trường I của VietinBank hợp nhất đạt 1,16 triệu tỷ đồng, tăng hơn 17,3% so với năm 2020. Tiền gửi CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng trưởng hơn 20%; tỷ trọng tiền gửi CASA/tổng nguồn vốn tăng từ mức 19,6% năm 2020 lên hơn 20% năm 2021.

- Tổng thu nhập hoạt động năm 2021 của VietinBank tăng 17,2% so với năm 2020. Thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng, chiếm 21,4% tổng thu nhập hoạt động. Trong đó, thu thuần dịch vụ tăng 13,7% so với năm 2020; thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, tiếp tục đứng top đầu về cả doanh số và thị phần kinh doanh ngoại tệ trên thị trường; thu XLRR (thu nợ đã xử lý rủi ro) đạt 3.245 tỷ đồng, tăng 85,2% so với năm 2020.

- Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,26%. VietinBank tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ bao nợ xấu đạt 180,4%.

- Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank năm 2021 đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2020, tạo nguồn lực tài chính vững mạnh để VietinBank tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế; đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tạo đà tăng trưởng bền vững của VietinBank.

Thực tế công tác phân tích của Ngân hàng VietinBank cho thấy, có rất nhiều chuyển biến tích cực đến từ phía quan điểm nhìn nhận của nhà quản trị, họ quan tâm nhiều hơn đến việc đánh giá nhận xét các chỉ tiêu quan trọng trong quá trình hoạt động. Phân tích tài chính trở thành 1 điều lệ thường niên ở các kỳ kinh doanh và hơn hết là sự chuyển biến tích cực đến từ phía người thực hiện công tác phân tích và nguồn dữ liệu được sử dụng.

Người thực hiện công tác phân tích phải có chuyên môn sâu về các nội dung về phương pháp phân tích và biết cách đánh giá, nêu bật được kết quả và nguyên nhân tác động đến một nội dung phân tích nào đó. Về nguồn dữ liệu được sử dụng trong phân tích cần thiết phải có tính trung thực, hợp lý cao, mức độ tin cậy lớn và được kiểm chứng bởi các bên độc lập.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công có được, cũng cần nói đến những hạn chế còn tồn tại trọng quá trình thực hiện phân tích tài chính tại các NHTM. Nổi bật nhất là công tác phân tích chỉ mới được chú trọng ở những ngân hàng có quy mô, có hoạt động kinh doanh nổi trội, các ngân hàng khác chưa thật sự tập trung và chưa phát huy hết những điểm mạnh mà công cụ phân tích mang lại.

Tiếp đó, một số ngân hàng đã sử dụng công cụ phân tích tuy nhiên chưa thường xuyên, chưa nhiều nội dung phân tích và chưa sử dụng đúng những phương pháp cần thiết để mang lại hiệu quả cao nhất. Người thực hiện công tác chưa nhiều kinh nghiệm, việc phân tích đôi khi mang tính chất bắt buộc nhưng không có kết quả.

Giải pháp hoàn thiện công tác phân tích tài chính tại các ngân hàng thương mại

Với thực tế trên, để hoàn thiện hoạt động phân tích tài chính, các NHTM cần tập trung vào các nội dung sau:

Một là, hoàn thiện quá trình thu thập thông tin.

Thu thập thông tin là quá trình thật sự quan trọng, quyết định đến kết quả của hoạt động kinh doanh trong các ngân hàng. Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thật sự là rất phức tạp với nhiều lĩnh vực, nhiều mảng do đó, để phân tích có kết quả cao cần thu thập thông tin liên quan đến từng lĩnh vực, từng mảng riêng theo quy trình nhất định. Quy trình đó có thể được thực hiện theo hướng xem xét nội dung cần phần tích, xác định thông tin cần thu thập và tiến hành thu thập. Thông tin có thể được thu thập từ nhiều chi nhánh, nhiều bộ phận do đó cần biết phân tích nội dung nào để tiến hành thu thập đảm bảo đầy đủ cho quá trình phân tích và nhận xét.

Hai là, hoàn thiện về nội dung phân tích.

Trong báo cáo phân tích có rất nhiều nội dung phân tích, mỗi ngân hàng cần xác định nên phân tích những nội dung nào, bổ sung thêm nội dung nào để hoàn chỉnh hơn. Bên cạnh đó, ngân hàng cần xác định những đối tượng nào sẽ sử dụng kết quả của quá trình phân tích để mở rộng hơn về nội dung, tối ưu hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nhìn nhận đánh giá và có những quyết định đúng đắn đến từ phía các đối tượng đó.

Ba là, hoàn thiện về phương pháp phân tích.

Mỗi nội dung chỉ tiêu phân tích đều có những phương pháp riêng, các phương pháp có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau nhằm vừa đánh giá ở mặt tổng quát, vừa đi sâu chi tiết nhằm đánh giá được ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến các chỉ tiêu cần phân tích. Các phương pháp thường được sử dụng trong phân tích như so sánh, loại trừ, liên hệ cân đối, dupont, tỷ số…. Hầu hết các phương pháp đều dễ thực hiện, nên việc kết hợp nhiều phương pháp không làm mất nhiều thời gian nhưng hiệu quả mang lại cao.

Bốn là, hoàn thiện về nguồn nhân lực.

Nhân lực là đối tượng trực tiếp thực hiện công tác phân tích, sử dụng các kinh nghiệm đã có để tác động vào nguồn thông tin, thông qua các phương pháp cho ra kết quả tốt nhất, phục vụ cho nhu cầu của nhà quản trị và các đối tượng quan tâm khác. Do đó, nguồn nhân lực cần đảm bảo về mặt kinh nghiệm, kỹ năng và khả năng đánh giá nhìn nhận cao, nguồn nhân lực có thể đến từ bên trong các ngân hàng hoặc các chuyên gia bên ngoài.

Kết luận

Trong thời kỳ hội nhập, để phát triển ổn định và lâu dài, các doanh nghiệp cần có những công cụ hỗ trợ, trong đó công cụ phân tích tài chính là một trong những công cụ đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp nói chung mà các ngân hàng nói riêng cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho công cụ này. Tuy nhiên, để vận hành tốt công cụ này, cần có những thay đổi trong quan điểm của nhà quản trị, cần có một quy trình hoàn chỉnh từ khâu bắt đầu cho đến xử lý và khâu kết thúc. Cần thực hiện các giải pháp đi sâu vào từng khâu để hoàn thiện hơn về quá trình phân tích, giúp công cụ phát huy tốt vai trò của mình và đưa ra những nhận định, đánh giá hiệu quả nhất cho từng đối tượng sử dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Thị Thủy (2018), Báo cáo tài chính: Phân tích – Dự báo và Định giá, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
  2. Nguyễn Văn Công (2017), Giáo trình Phân tích báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
  3. Lê Đức Toàn (2011), Giáo trình Quản trị tài chính, Trường Đại học Duy Tân;
  4. Nguyễn Năng Phúc (2013), Giáo trình Phân tích Báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế Quốc Dân.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 5/2023