Hoàn thiện quy định pháp luật tài chính nhằm phòng ngừa các vi phạm pháp luật

Bảo Thương

Thời gian qua, Bộ Tài chính luôn chủ động rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật tài chính nhằm hỗ trợ phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ.

Trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng

Sau 03 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tình hình phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã có những chuyển biến tích cực. 

Để đạt được kết quả này, trong thời gian qua, việc hoàn thiện quy định pháp luật tài chính nhằm hỗ trợ phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tài chính tiếp tục triển khai.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Luật này cụ thể hóa các quy định về nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh như cấm đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động, nguyên tắc hoạt động của đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động môi giới bảo hiểm để nhằm chuẩn hoá hoạt động phân phối bảo hiểm... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, đồng thời là cơ sở pháp lý nhằm ngăn chặn những đối tượng có hành vi vi phạm.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lễ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. 

Đồng thời, Bộ trình Chính phủ ban hành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn, hải quan, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, quản lý sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước, kế toán, kiểm toán độc lập, chứng khoán và thị trường chứng khoán, kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng.

Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị pháp chế năm 2023 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính.
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị pháp chế năm 2023 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính.

 

Bộ Tài chính cũng ban hành theo thẩm quyền các thông tư như: Thông tư số 87/2021/TT-BTC quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, Thông tư số 51/2021/TT-BTC hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Thông tư số 55/2021/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại... nhằm chủ động xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc trong lĩnh vực tài chính, hỗ trợ phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bộ Tài chính đã có các công văn như: Công văn số 5359/BTC-UBCK; Công văn số 5360/BTC-UBCK... đề nghị Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ nhằm quản lý, xử lý các tài sản mã hoá, tải sản ảo, tiền ảo. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành.

Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Cùng với việc đẩy mạnh hoàn thiện quy định pháp luật tài chính, Bộ Tài chính xác định công tác triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bộ Tài chính luôn chủ động, tích cực triển khai để cung cấp kịp thời thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm đã được phê duyệt, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của đơn vị mình. Giai đoạn từ ngày 25/5/2020 đến ngày 24/5/2023, công tác này được tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, thiết thực.

Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã lập kế hoạch và phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến các đối tượng và cán bộ, công chức ngành Tài chính để nắm vững, triển khai thực hiện hiệu quả các Luật đã được Quốc hội thông qua: Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Phòng, chống rửa tiền...

Các đơn vị thuộc Bộ còn thường xuyên tổ chức họp báo, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; Tổ chức viết bài, đưa tin về các chính sách pháp luật mới ngay sau khi văn bản được ban hành.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc thù ngành Tài chính, qua đó giúp cán bộ, công chức Bộ Tài chính và doanh nghiệp, người dân tiếp cận chủ trương, chính sách, pháp luật được thuận lợi, góp phần phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Bộ Tài chính, để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định giúp hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạn tài sản trong thời gian tới, toàn Ngành sẽ tiếp tục rà soát quy định của pháp luật, đánh giá các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát hiện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để điều chỉnh cho phù hợp.

Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, chú trọng việc đưa ra các quy định nhằm hỗ trợ công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; Tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản...