Hợp tác quốc tế của Kho bạc Nhà nước trong bối cảnh mới

Trần Kim Anh

Với mục tiêu mở cửa để hội nhập và phát triển, những năm qua, ngành Tài chính đã đạt được nhiều thành tựu trong các quan hệ quốc tế song phương và đa phương sâu, rộng. Cùng toàn ngành Tài chính, Kho bạc Nhà nước luôn đặt ra mục tiêu cho công tác đối ngoại là chủ động, tích cực để nắm bắt, tận dụng được các cơ hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác quốc tế, thực hiện tốt chủ trương, quan điểm trong chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính là mở rộng quan hệ quốc tế để phát triển, hướng tới “Xây dựng Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước”.

Kho bạc Nhà nước luôn sẵn sàng hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, củng cố, gìn giữ mối quan hệ truyền thống đặc biệt với các đối tác.
Kho bạc Nhà nước luôn sẵn sàng hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, củng cố, gìn giữ mối quan hệ truyền thống đặc biệt với các đối tác.

Điểm nhấn trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Kho bạc Nhà nước

Xuất phát từ mục tiêu duy trì và triển khai hoạt động hợp tác song phương, đa phương có hiệu quả để huy động và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, Kho bạc Nhà nước (KBNN) xác định hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế là cầu nối để duy trì các mối quan hệ, hợp tác cùng phát triển giữa các nước trên thế giới, là nền tảng giữ gìn quốc gia ổn định, tạo lập môi trường hòa bình; phát triển và khẳng định vị thế, uy tín của Bộ Tài chính nói chung và KBNN nói riêng. Thấm nhuần tinh thần đó, trong những năm qua, KBNN luôn sẵn sàng hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, củng cố, gìn giữ mối quan hệ truyền thống đặc biệt với các đối tác; tổ chức triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Một số hoạt động và phương thức đối ngoại, hợp tác quốc tế nổi bật mà đơn vị đã triển khai trong thời gian qua có thể điểm qua như sau:

Thứ nhất, trong khuôn khổ dự án do các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài tài trợ có các dự án tiêu biểu như Dự án Cải cách Quản lý tài chính công, mà cấu phần quan trọng nhất là xây dựng hệ thống TABMIS do Ngân hàng Thế giới và đối tác là các nhà thầu nước ngoài tài trợ theo hình thức hợp đồng quốc tế. Dự án Cải cách Quản lý Tài chính công nói chung, dự án TABMIS nói riêng đã giúp KBNN hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc. Ngoài thành công về công nghệ thông tin, Dự án này còn hỗ trợ KBNN rất nhiều trong quá trình đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý nghiệp vụ trong lĩnh vực kế toán nhà nước, quản lý ngân quỹ và kiểm soát cam kết chi...

Thứ hai, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác do Quỹ tín thác đa biên các nhà tài trợ MDTF2 hỗ trợ, KBNN triển khai một số đề án quan trọng như: Đề án cải cách Quản lý ngân quỹ; Đề án Tổng kế toán Nhà nước... Trong các hình thức hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, đây là hình thức hiệu quả hơn cả, theo đó, với một nguồn tài trợ nhất định, các đơn vị chủ trì đề án có quyền tự chủ hoàn toàn trong việc xác định nội dung, tổ chức khảo sát nước ngoài, tổ chức hội thảo lấy ý kiến, hay thuê tư vấn quốc tế và trong nước đáp ứng đúng yêu cầu của đơn vị.

Thứ ba, chương trình hợp tác song phương với nước ngoài: Đây là hình thức được triển khai mạnh mẽ và có đóng góp cho quá trình triển khai Chiến lược phát triển KBNN. Nổi bật nhất trong hình thức hợp tác này là Chương trình hợp tác song phương giữa KBNN Việt Nam với Tổng cục Tài chính công thuộc Bộ Tài chính Pháp. Chương trình này đã góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện bộ máy tổ chức và các quy trình hoạt động nghiệp vụ KBNN. Trong giai đoạn 2011-2016, triển khai chương trình hợp tác, hai bên đã phối hợp tổ chức các đoàn công tác về các chủ đề bao phủ nhiều lĩnh vực hoạt động của KBNN như triển khai và vận hành Hệ thống TABMIS và các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); Chế độ kế toán phục vụ cho TABMIS và tiếp theo là Tổng kế toán Nhà nước...

Hợp tác song phương của KBNN với nước ngoài không chỉ mang tính chất học hỏi như với Tổng cục Tài chính công Pháp, thời gian qua, KBNN còn có các chương trình hợp tác song phương và hỗ trợ đặc biệt đối với Kho bạc Quốc gia Lào và Bộ Tài chính và Vật giá Cu Ba.

Trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Bộ Tài chính hai nước, hoạt động hợp tác giữa KBNN Việt Nam và Kho bạc quốc gia Lào thời gian qua tập trung giúp Kho bạc Quốc gia Lào về các nội dung: (i) Tư vấn xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý dưới Nghị định trong lĩnh vực quản lý và hoạt động kho bạc; (ii) Hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao trình độ về tin học cho cán bộ Kho bạc Quốc gia Lào; (iii) Hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn cho Kho bạc Quốc gia Lào; (iv) Hỗ trợ tổ chức triển khai thí điểm ngành dọc đến cấp huyện.

Về hợp tác song phương với CuBa, trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính hai nước, KBNN đã làm việc với nhiều đoàn khảo sát tại Việt Nam và tư vấn trao đổi kinh nghiệm tại Cu Ba về lĩnh vực kho bạc. Đặc biệt, năm 2016, được sự cho phép của Bộ Tài chính, KBNN đã tổ chức đoàn công tác sang tư vấn và trao đổi kinh nghiệm với Bộ Tài chính và Vật giá Cu Ba về các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động nghiệp vụ kho bạc. Đồng thời, ký kết Chương trình hợp tác về lĩnh vực Kho bạc giai đoạn 2016-2020 giữa KBNN và Tổng vụ Thực hiện (Ngân sách Bộ Tài chính và Vật giá Cu Ba). Thực hiện Chương trình hợp tác, hàng năm KBNN và Bộ Tài chính và Vật giá Cu Ba thường xuyên tổ chức trao đổi đoàn công tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm về rất nhiều lĩnh vực hoạt động kho bạc mà Cu Ba quan tâm như: Tổ chức bộ máy hệ thống kho bạc qua các thời kỳ, nguyên tắc và tổ chức thực hiện giám sát, kiểm soát KBNN địa phương, quy định và quy trình lập và điều hành ngân sách...

Thứ tư, KBNN tham dự các diễn đàn và tổ chức quốc tế: KBNN hiện và là thành viên của Hiệp hội Kho bạc quốc tế (AIST) và Cộng đồng hành nghề Kho bạc thuộc Mạng lưới quản lý chi tiêu công châu Á (PEMNA).

Hiệp hội Kho bạc quốc tế là một tổ chức được Pháp, Maroc, Madagasca khởi xướng từ năm 2006. Đây là hội nghề nghiệp được thành lập nhằm mục tiêu phát triển hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Kho bạc tại các nước thành viên; Xúc tiến và tư vấn hỗ trợ công tác hiện đại hoá hoạt động kho bạc; Trao đổi thông tin, kinh nghiệm và ý tưởng cải cách giữa các cơ quan kho bạc thành viên... từ đó thiết lập quan hệ giữa các thành viên và “diễn đàn” hợp tác kho bạc để liên kết, giúp đỡ các thành viên đạt được mục tiêu hoạt động của mình.

Thời gian qua, KBNN tích cực tham gia hầu hết các hội nghị, hội thảo của Hiệp hội Kho bạc quốc tế được tổ chức ở một số quốc gia trên thế giới với nhiều nội dung phong phú về các nghiệp vụ có liên quan đến hoạt động kho bạc. Thông qua các hội thảo, hội nghị, KBNN đã học hỏi, thu nhận được nhiều kinh nghiệm của các nước cũng như tạo được uy tín và hình ảnh của KBNN Việt Nam đối với thế giới.

KBNN đã đăng cai tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề của Hiệp hội AIST tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu đến từ 14 quốc gia thành viên và một số tổ chức quốc tế... Chủ đề của Hội thảo là “Hiện đại hóa các cơ quan Kho bạc thông qua điện tử hóa/số hóa”. Các đại biểu đã thảo luận các nội dung về Hiện đại hóa các cơ quan Kho bạc thông qua điện tử hóa/số hóa các nghiệp vụ kho bạc như: Những lĩnh vực khác nhau mà số hóa có thể được triển khai liên quan đến kế toán - kiểm soát chi - kiểm soát thu; Các vấn đề, chiến lược được lựa chọn, lợi ích và các trở ngại trong việc triển khai số hóa; Trình bày kinh nghiệm của các nước thành viên và trao đổi thảo luận với các chuyên gia của một số tổ chức quốc tế.

Thứ năm, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khảo sát, đào tạo ở nước ngoài nhằm mở rộng quan hệ và nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức KBNN. Theo hình thức này, KBNN đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính, Dự án Cải cách quản lý Tài chính công tổ chức các đoàn khảo sát nghiệp vụ về lĩnh vực kế toán nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ, quản lý ngân quỹ chính phủ tại nhiều nước như: Anh, Cộng hòa Séc, Đức, Nam Phi, Canada, Australia, Newzealand, Malaysia... để tìm hiểu về mô hình tổ chức các hoạt động nghiệp vụ ngân quỹ, kế toán nhà nước...

Bên cạnh đó, KBNN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới trong thời gian dài với những hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật của các tổ chức tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đối với lĩnh vực Kế toán nhà nước, WB đã chia sẻ và hiểu được khó khăn của KBNN Việt Nam khi lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN); Xác định sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ KBNN Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện BCTCNN. KBNN đã thực hiện cải cách trong các lĩnh vực chủ yếu như: Lĩnh vực thu, chi, kiểm soát chi, quản lý ngân quỹ, huy động vốn, kế toán nhà nước (lập BCTCNN), lĩnh vực kiểm toán nội bộ. Trong thời gian tới, tinh thần hợp tác của 2 bên cần được làm sâu sắc thêm. Cụ thể, WB và KBNN chọn lựa 3 lĩnh vực nghiệp vụ để hỗ trợ là:

- Về lĩnh vực kế toán nhà nước: KBNN đã tổng hợp và lập được các BCTCNN các năm 2018, 2019, 2020 với các mục thông tin tổng thể về tình hình tài chính của nhà nước, tuy nhiên thực tế vẫn chưa đầy đủ thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng, vì vậy hiện BCTCNN vẫn chưa được công khai rộng rãi. KBNN cần tiếp tục sự hỗ trợ kỹ thuật của WB để sửa đổi, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến BCTCNN (Luật, Nghị định, Thông tư về BCTCNN).

- Về quản lý ngân quỹ và huy động vốn: KBNN cần hỗ trợ kỹ thuật của WB về quản lý danh mục nợ trái phiếu chính phủ (TPCP) hiệu quả, triển khai các nghiệp vụ để tái cơ cấu danh mục nợ TPCP (như nghiệp vụ mua lại, hoán đổi TPCP), triển khai các nghiệp vụ mới theo thông lệ quốc tế như phát hành trái phiếu hỗ trợ thanh khoản thị trường.

- Về lĩnh vực công nghệ thông tin: Giai đoạn trước, KBNN đã nhận được sự hỗ trợ của WB để xây dựng hệ thống TABMIS. Hiện tại, hệ thống này cần phải nâng cấp để thực hiện các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển KBNN đến 2030, đáp ứng những cải cách trong cải tiến nghiệp vụ, sử dụng những công nghệ mới, tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ Kho bạc. Năm 2021, KBNN đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật của WB tư vấn đối với việc xây dựng mô hình mới để tận dụng các công nghệ tiên tiến, là kiến trúc microservice các hệ thống CNTT trong quản lý tài chính công (FMIS) để nâng cấp hệ thống TABMIS (FMIS- VDBAS). KBNN mong muốn WB hỗ trợ kết nối, liên hệ với phía đối tác Hàn Quốc để KBNN Việt Nam học được các kinh nghiệm kỹ thuật trong thiết kế kiến trúc Dbrain thế hệ mới (Dbrain+) phục vụ công tác quản lý tài chính công của Chính phủ...

Với IMF, thời gian qua, KBNN đã nhận được những hỗ trợ tư vấn kỹ thuật để triển khai Chiến lược phát triển KBNN, tăng cường năng lực cán bộ KBNN, thông qua các khóa đào tạo tại chỗ, các hội thảo, khóa đào tạo tại nước ngoài về tài chính công, ngân sách, quản lý ngân quỹ, cải thiện chất lượng Báo cáo Tài chính nhà nước và rút ngắn thời gian lập báo cáo... Với những trợ giúp của IMF, các cán bộ KBNN Việt Nam có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước và các chuyên gia quốc tế về hoạt động và nghiệp vụ liên quan đến hệ thống thông tin tài chính toàn diện, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những định hướng có thể áp dụng vào công tác cải cách và hiện đại hóa trong quản lý tài chính công nói chung và số hóa KBNN nói riêng.

Nhìn chung, trong những năm qua, hoạt động đối ngoại KBNN đã góp phần nâng cao vị thế của ngành Tài chính nói chung và KBNN nói riêng, góp phần tích cực quảng bá hình hành Việt Nam trên trường quốc tế.

Định hướng hợp tác quốc tế của Kho bạc Nhà nước thời gian tới

Nhằm đẩy mạnh phát triển KBNN trong bối cảnh mới, ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 nêu rõ: “Kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và tiếp thu, tiếp cận trình độ phát triển tiên tiến của khu vực và thế giới, dựa trên phương thức quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lí tài chính quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước”. Tiếp đó, ngày 04/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2222/QĐ-BTC về việc phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Trên cơ sở đó, KBNN xác định thúc đẩy hợp tác quốc tế để góp phần thực hiện thành công Chiến lược đạt được các mục tiêu của Bộ Tài chính trong việc thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030.

Quyết định số 6219/QĐ-KBNN ngày 01/12/2022 của Tổng Giám đốc KBNN ban hành về việc phân công thực hiện các nhiệm vụ, đề án triển khai Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 nêu rõ: “Phát triển và đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế; tiếp cận các công nghệ quản lý hiện đại và tranh thủ các nguồn lực quốc tế; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với kho bạc các nước” đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà KBNN phải triển khai thực hiện.

Xuất phát từ mục tiêu duy trì và triển khai hoạt động hợp tác song phương, đa phương có hiệu quả để huy động và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, KBNN xác định, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế chính là cầu nối để duy trì các mối quan hệ, hợp tác cùng phát triển giữa các nước trên thế giới, là nền tảng giữ gìn quốc gia ổn định, tạo lập môi trường hòa bình; phát triển và khẳng định vị thế, uy tín của Bộ Tài chính nói chung và KBNN nói riêng.

Thấm nhuần quan điểm này, KBNN luôn sẵn sàng hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, củng cố, gìn giữ mối quan hệ truyền thống đặc biệt với các đối tác song phương sẵn có với KBNN. Đồng thời, tiếp cận khảo sát và xây dựng mối quan hệ mới với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới có bối cảnh phát triển kinh tế, mô hình quản lý tương đồng, luôn thực hiện tốt vai trò là thành viên tích cực, hoạt động hiệu quả trong các diễn đàn hợp tác đa phương Cộng đồng hành nghề Kho bạc (T-Cop) thuộc Mạng lưới Quản lý chi tiêu công Châu Á (PEMNA), Hiệp hội Kho bạc quốc tế (AIST); Chủ động, củng cố, duy trì và tranh thủ sự hỗ trợ của các Tổ chức tư vấn quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Văn phòng hỗ trợ Kỹ thuật Bộ Ngân khố Hoa Kỳ (OTA).

Dự báo tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới những năm tới còn nhiều khó khăn và diễn biến khó lường, kinh tế tăng trưởng thấp, phục hồi không đồng đều sau Đại dịch, khủng hoảng năng lượng diễn ra trên toàn cầu, lạm phát tăng cao… kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái, do vậy, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế nói chung luôn yêu cầu phải nắm bắt cơ hội để hợp tác phát triển, cần phải chủ động, thích ứng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh thế giới và tình hình khu vực ngày càng biến động, phức tạp và khó lường.

KBNN đã xây dựng Kế hoạch hoạt động đối ngoại giai đoạn (2023-2025), hướng tới thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Theo đó, KBNN tăng cường nghiên cứu, khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn tại các nước là đối tác song phương, đa phương như: Nga, Lào, Hungary, Nhật, Pháp, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Canada… PEMNA, AIST; Tổ chức đón tiếp, làm việc với khoảng 10 đoàn vào KBNN là các đối tác truyền thống và các tổ chức tư vấn quốc tế như: IMF, WB, OTA… sẵn sàng mở rộng các quan hệ mới, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. KBNN tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật các nhu cầu nghiên cứu, khảo sát và học hỏi kinh nghiệm của các nước để chủ động kết nối, trình Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch thực hiện theo từng năm phù hợp tình hình triển khai thực tế, đáp ứng yêu cầu đặt ra từng thời kì của các ngành, các cấp.

Các nhiệm vụ được đặt ra trong hợp tác quốc tế lĩnh vực KBNN giai đoạn tới chủ yếu xoay quanh các nội dung gồm: (i) Kế toán Nhà nước: Tổng hợp, phân tích Báo cáo tài chính chính phủ; Công tác lập báo cáo tài chính nhà nước, hướng tới phù hợp với chuẩn mực kế toán công quốc tế; Phân tích báo cáo tài chính nhà nước; Cách thức tổ chức, xây dựng, cải thiện Kế toán đồ (COA); (ii) Quản lý ngân quỹ: Thị trường trái phiếu; Trái phiếu xanh; Đầu tư ngân quỹ, hệ thống dự báo luồng tiền; (iii) Kiểm soát chi: Nghiên cứu xây dựng cơ chế, quy trình nghiệp vụ quản lý, kiểm soát cam kết chi trung hạn...; (iv) Công nghệ thông tin: Hệ thống thông tin ngân quỹ nhà nước và hệ thống thông tin kết nối kho dữ liệu, định hướng, giải pháp chuyển đổi số trong quản lý KBNN...

Bên cạnh đó, với một số hoạt động nghiệp vụ theo chức năng và nhiệm vụ mới của KBNN, kinh nghiệm của các quốc gia thành viên thuộc cộng đồng hành nghề Kho bạc thuộc PEMNA và chuyên gia cao cấp của các tổ chức quốc tế (IMF, WB) về báo cáo tài chính tổng hợp của Chính phủ là bài học kinh nghiệm cho KBNN trong quá trình xây dựng và hình thành mô hình Tổng kế toán Nhà nước, Quản lý Ngân quỹ và các hoạt động hiện đại hóa nghiệp vụ Kho bạc...

Trong thời gian tới, KBNN đặc biệt chú trọng tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ với 2 tổ chức tư vấn quốc tế là WB và IMF, đặc biệt là WB phục vụ cho quá trình cải cách, hiện đại hóa KBNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 455/QĐ-TTG ngày 13/4/2022 về việc phê duyệt và phát triển Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030;
  2. Bộ Tài chính, Quyết định số 2222/QĐ-BTC ngày 04/11/2022 về việc phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030;
  3. Kho bạc Nhà nước, Quyết định số 6219/QĐ-KBNN ngày 01/12/2022 về việc phân công thực hiện các nhiệm vụ, đề án triển khai Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030;
  4. Kho bạc Nhà nước, Quyết định số 212/QĐ-KBNN ngày 13/4/2011 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển Hợp tác quốc tế KBNN đến năm 2020;
  5. Kho bạc Nhà nước, Vụ Hợp tác Quốc tế, Tờ trình số 33/TTr-HTQT về việc rà soát, cập nhật kế hoạch đối ngoại năm 2022 và xây dựng Kế hoạch hoạt động đối ngoại giai đoạn (2023-2025).