Hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường đến năm 2025

Việt Hoàng

Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ô nhiễm nhựa là một thách thức lớn với thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng. Lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển và có hệ thống quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện như Việt Nam.

Sáng kiến Hợp tác Công - Tư quản lý rác thải nhựa được khởi động từ ngày 19/2/2020 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và 03 doanh nghiệp: Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Unilever Việt Nam nhằm mục tiêu đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn và quản lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam. Chương trình đề ra mục tiêu thông qua chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc.

Từ những bước tiến lạc quan trong 2 năm qua, Chương trình hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa tiếp tục đề ra lộ trình trong những năm tới, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường đến năm 2025.  

Lộ trình từ năm 2022 đến năm 2025, Chương trình đặt ra mục tiêu nghiên cứu, áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa có giá trị thấp, từ đó nâng cao kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam. Khép kín vòng tuần hoàn bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến, kết hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để thiết kế và sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa có thể tái sử dụng hoặc tái chế. Tăng cường, thúc đẩy hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa tái chế...

Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như: Đường nhựa tái chế; Gạch, ngói sinh thái từ rác thải nhựa có giá trị thấp; Hạt nhựa tái chế; Năng lượng từ chất thải, biến chất thải nhựa thành RDF; Bao bì tái chế: thúc đẩy thiết kế 100% có khả năng tái chế và sản xuất bao bì vật liệu có thể sử dụng và tái chế.

Tầm nhìn dài hạn cho nhiệm vụ đối thoại và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn trong lộ trình 2022 - 2025 bao gồm: Hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đưa nhựa vào kinh tế tuần hoàn; Thúc đẩy các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đóng góp vào việc áp dụng toàn diện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam, Chương trình hợp tác Công - Tư quản lý rác thải nhựa là giải pháp cấp thiết và mang tính thực tiễn cao trong việc thúc đẩy mô hình Kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam; hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường, từ đó góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về ‘0’ vào giữa thế kỷ của Chính phủ tại Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow.