IPAF: Việt Nam sẽ trụ vững trong bối cảnh toàn cầu bất ổn

Theo Minh Châu/ndh.vn

Ông Arief Ramayandi, chuyên gia kinh tế Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chia sẻ, Châu Á sẽ tăng trưởng vững chắc 6% vào năm 2018 và 2019 tỷ lệ tăng trưởng sẽ khoảng 5,8.

Tình hình tài chính ở Châu Á và các quốc gia mới nổi là chủ đề nóng những tháng vừa qua. Nguồn: Internet
Tình hình tài chính ở Châu Á và các quốc gia mới nổi là chủ đề nóng những tháng vừa qua. Nguồn: Internet

Ngày 14-15 tháng 11/2018, tại Hà Nội, công ty TNNN Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phối hợp Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức hội nghị thường niên và Hội nghị quốc tế Diễn đàn các công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề "Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện". Năm nay đại diện Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của IPAF.

Hội nghị được tổ chức với mục đích tăng cường năng lực và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các thành viên Diễn đàn IPAF, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia. Đồng thời đóng góp cho sự ổn định của kinh tế từng quốc gia và khu vực Châu Á thông qua thúc đẩy hợp tác và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm chuyên môn giữa các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) công. Thông qua hoạt động của các thành viên, IPAF sẽ củng cố cơ chế ứng phó với khủng hoảng để thúc đẩy khả năng phục hồi của nền kinh tế khu vực.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC cho biết trong cuộc họp chiều qua giữa các thành viên IPAF và ADB đã kết nạp thêm thành viên mới là công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Theo ông Hải, Hội nghị năm nay thảo luận về chủ đề "Củng cố an ninh tài chính Châu Á và giải pháp thực hiện" là vấn đề cấp thiết để thị trường tài chính từng quốc gia thành viên và khu vực phát triển ổn định và bền vững.

Phát biểu tại hội nghị,Giám đốc ADB Việt Nam Eric Sidgwickchia sẻ, chủ đề năm nay đưa ra đúng lúc vì tình hình tài chính ở Châu Á và các quốc gia mới nổi là chủ đề nóng những tháng vừa qua. Chi phí tài chính tăng do Fed tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ Trung, kết hợp điều kiện tài chính khó khăn tại Châu Á, các chỉ số thể hiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ...khiến các nước trong khu vực phải củng cố an ninh tài chính và làm thế nào tạo dư địa để có thể chống chọi với bên ngoài.

Theo giám đốc ADB Việt Nam, 2 thập kỷ vừa qua các nước khu vực Châu Á có khả năng chống chịu tốt hơn với khủng hoảng. Các bài học từ khủng hoảng cũng chỉ ra tầm quan trọng trong việc xây dựng khả năng ứng phó và giải pháp liên quan đến quản lý tài sản, quản lý về dự trữ ngân sách quốc gia, dự trữ ngoại hối, điều hành tỷ giá, nợ xấu, giám sát mạnh mẽ, phát triển sâu sắc thị trường vốn trong nước, có sự kết nối để có thể ứng phó với rủi ro tài chính mang tính hệ thống bên ngoài.

Ông Arief Ramayandi, chuyên gia kinh tế Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chia sẻ Châu Á sẽ tăng trưởng vững chắc 6% vào năm 2018 và 2019 tỷ lệ tăng trưởng sẽ khoảng 5,8%, điều này được thúc đẩy nhờ sự tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu nội địa mạnh mẽ nhờ nhu cầu tiêu dùng tư nhân tăng. Lạm phát được kiểm soát dù giá nhiên liệu và thực phẩm tăng. Rủi ro lớn nhất bắt nguồn từ leo thang xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu.

Tin tốt là lạm phát vẫn được kiểm soát, giá tiêu dùng toàn cầu vẫn duy trì ở mức 2,8% cho đến năm 2019.

IPAF: Việt Nam sẽ trụ vững trong bối cảnh toàn cầu bất ổn - Ảnh 1
Dự báo tăng trưởng kinh tế các nước của ADB

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng có thể tác động đến thương mại toàn cầu. GDP Trung Quốc có thể giảm 0,5% dự báo ban đầu, còn chưa tính tác động từ khu vực tài chính. Nếu căng thẳng leo thang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trong 2-3 năm tới và GDP có thể giảm 1,3% so với dự báo. Các rủi ro khác như tỷ giá do ảnh hưởng dịch chuyển của dòng vốn. Chuyên gia ADB cho rằng sự đảo chiều đột ngột của dòng vốn có thể phá vỡ ổn định tài chính và kinh tế.

Tuy nhiên nhìn lại cuộc khủng hoảng Châu Á từ năm 1997, 2008 thì các nền kinh tế Châu Á đều hồi phục rất tốt nhờ sự cải cách nội bộ. Các Quốc gia cũng có gói hỗ trợ (QE) để phục hồi tăng trưởng. Khu vực châu Á có tiềm năng và động lực lớn để đối mặt và vượt qua được thách thức của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông Sebastian Eckardt, trưởng kinh tế học Ngân hàng thế giới tại Việt Namcho rằng khu vực Châu Á tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới nhưng rủi ro đang gia tăng và tiềm năng tăng trưởng chậm lại. Đây là cơ hội để các quốc gia tái cấu trúc.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 3% và có sự phân hoá giữa các nền kinh tế, Hoa Kỳ tăng trưởng ổn định, Châu Âu và Nhật tăng trưởng dưới kỳ vọng. Tăng trưởng GDP năm nay của khu vực Châu Á khoảng 6,3-6,7% và trung hạn 2019-2020 có thể tăng trưởng chậm lại ở mức 6%.

Thương mại toàn cầu đã đạt đỉnh vào đầu 2018. Bên cạnh đó giá hàng hoá đang tăng, giá năng lượng tăng nhanh hơn các mặt hàng khác, ảnh hưởng nhất định đến cán cân thương mại và ảnh hưởng đến lạm phát các nền kinh tế khu vực.

Chuyên gia WB cho rằng có sự gia tăng sự bất ổn tài chính của khu vực do ảnh hưởng từ đồng USD mạnh và chính sách thắt chặt tiền tệ tại khu vực EU và Nhật, điều này dẫn đến việc di chuyển tài sản từ các quốc gia đang phát triển đến các nơi an toàn hơn. Thị trường trái phiếu đang chịu áp lực, theo dự báo áp lực này sẽ tăng lên khi Mỹ tăng lãi suất.

Trong bài phát biểu ADB chỉ ra 2 rủi ro chính là xung đột thương mại Mỹ và trung Quốc, hai là Mỹ tăng lãi suất, quay lại bài học năm 1997 sáng kiến Chiengmai đưa ra sáng kiến quỹ tiền tệ Châu Á và đồng tiền Châu Á. Cho tới thời điểm này tăng trưởng xuất khẩu và dòng vốn nước ngoài, ý tưởng liên quan đến đến đống tiền Châu Á đến đâu và quan điểm của ADB thế nào?

Ông Arief Ramayandi, chuyên gia kinh tế ADB:Tôi nghĩ rằng có nhiều nội dung cần xem xét trước khi triển khai đồng tiền chung. Có nhiều bài học từ đồng tiền chung Châu Âu, và chúng ta không được phép giả định rằng những gì chúng ta học được từ Châu Âu có thể áp dụng ngay tại Châu Á. Có nhiều điểm khác biệt giữa các quốc gia do đó khó có khả năng đưa ra đồng tiền chung Châu Á trong tương lai gần. Chúng ta có thể thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia thành viên bằng cách sử dụng đồng tiền của các quốc gia thay vì sử dụng đồng USD, giảm rủi ro về tỷ giá hối đoái trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó có thể giải quyết vấn đề chung ở khu vực khi phải đi vay ngoại tệ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đang có chương trình cải cách mạnh mẽ khu vực Nhà nước, thúc đẩy phát triển bền vững hơn. Thời gian tới dự báo Việt Nam vẫn tương đối tốt dựa trên 2 động lực chính là hội nhập thế giới. Việt Nam ký và đàm phán 16 hiệp định thương mại với các thị trường quan trọng như châu Âu, Bắc Mỹ, Canana, điều này không chỉ mang lại cơ hội xuất khẩu cho các DN mà VN đang hài hoà hệ thống chính sách pháp luật, là quá trình chuyển mình quan trọng, cải cách thể chế. Thứ hai, Việt Nam đang cải cách môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, Chính phủ đặt mục tiêu cải cách hàng đầu Asean. Ông Tuấn tin rằng Việt Nam sẽ trụ vững trong bối cảnh toàn cầu bất ổn.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và đầu tư)nhận định Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và dòng vốn FDI. Tuy nhiên nhiều nước hiện nay đang thu hút chính sách đầu tư khuyến khích nhà đầu tư quay lại. Lý do là xu hướng tiêu dùng thay đổi, như mua Buberry không muốn sản xuất tại Trung Quốc mà muốn made in England. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự thay đổi xu hướng mẫu mã rất nhanh nên nếu sản xuất ở các quốc gia khác sẽ rất mất thời gian. Điều này ám chỉ sự bất định xảy ra rất nhanh. Câu chuyện này phải được các nhà điều hành chính sách lưu ý. Chúng ta buộc phải có hệ thống cảnh báo sớm, ổn định thị trường trong nước. Đây không phải là việc riêng của chính phủ mà cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống để chống sự bất định bên ngoài. Nếu có hệ thống này thì khi bị tác động sự đối phó của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn bằng cách nâng cao quản trị doanh nghiệp.