Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo báo cáo tài chính nhà nước

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Nội dung của báo cáo tài chính nhà nước bao gồm các thông tin về tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác; nguồn vốn của nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước.

Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc. Ảnh T.L minh họa
Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc. Ảnh T.L minh họa

Lập báo cáo tài chính nhà nước và từng địa phương

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về báo cáo tài chính Nhà nước, lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ký ban hành.

Dự thảo Nghị định gồm 5 Chương và 24 Điều. Trong đó, đối tượng áp dụng của Nghị định là các đơn vị lập báo cáo, các đơn vị cung cấp thông tin để lập báo cáo và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Theo quy định của Luật Kế toán 2015, việc lập báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương và bao gồm 4 báo cáo: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước, Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.

Trong đó, Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc do nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc. Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do nhà nước quản lý trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Việc công khai thông tin tài chính là rất quan trọng, theo kinh nghiệm các nước hiện nay, toàn bộ thông tin trên báo cáo tài chính Chính phủ được công khai trên các ấn phẩm và mạng internet. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay mới đang bắt đầu triển khai thực hiện lập báo cáo tài chính nhà nước, việc công khai toàn bộ thông tin trên báo cáo có thể chưa phù hợp.

Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định theo hướng công khai các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước liên quan đến tài sản, công nợ, nguồn vốn, kết quả hoạt động và lưu chuyển tiền tệ của nhà nước.

Để việc tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước được đầy đủ, kịp thời và phù hợp phụ thuộc rất nhiều vào việc cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị thuộc các lĩnh vực khác nhau thuộc các cấp ngân sách. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, đảm bảo cho  Kho bạc Nhà nước (KBNN) có đầy đủ thông tin lập báo cáo tài chính nhà nước theo yêu cầu, dự thảo Nghị định đã dự thảo theo hướng quy định các cơ quan, đơn vị thuộc các đối tượng cung cấp thông tin theo từng cấp ngân sách có trách nhiệm lập các báo cáo cần thiết để gửi cho KBNN đồng cấp.

Điều này cũng góp phần tăng cường tính khả thi, nâng cao chất lượng và đảm bảo tính kịp thời của thông tin báo cáo. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định cụ thể về thời hạn lập và gửi báo cáo của các đơn vị cho KBNN các cấp như sau: Ngân sách và tài chính xã, đơn vị cấp huyện: trước ngày 30/4 của năm tài chính tiếp theo; KBNN huyện, đơn vị cấp tỉnh: trước ngày 30/6 của năm tài chính tiếp theo; KBNN tỉnh, đơn vị cấp trung ương: trước ngày 31/8 của năm tài chính tiếp theo.

Không yêu cầu bổ sung cán bộ mới cho việc lập báo cáo

Dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm cụ thể của đơn vị lập báo cáo tài chính nhà nước như sau:

KBNN tỉnh lập báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, trình UBND tỉnh để báo cáo HĐND tỉnh; đồng thời gửi cho KBNN để lập báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc.

KBNN lập báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

Cơ quan tài chính phối hợp với KBNN trong việc cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi NSNN và cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước.

Bộ Tài chính cho biết, để chuẩn bị cho việc triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật, Vụ Kế toán Nhà nước (Kho bạc Nhà nước) đã được chuyển đổi thành Cục Kế toán Nhà nước từ ngày 01/10/2015, trong đó có Phòng Tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước. Như vậy, hiện nay, tại cơ quan KBNN trung ương, bộ phận thực hiện chức năng Tổng KTNN đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Tại KBNN tỉnh, thành phố; KBNN quận, huyện, thành phố, thị xã về cơ bản không thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị này. Phòng/bộ phận Kế toán Nhà nước sẽ được bổ sung nhiệm vụ thực hiện chức năng Tổng KTNN để phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên vào năm 2019.

Như vậy, đối với các đơn vị KBNN không yêu cầu bổ sung cán bộ mới so với tổng mức định biên KBNN đã được giao, tuy nhiên KBNN sẽ tổ chức bố trí, sắp xếp phù hợp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ mới được giao từ trung ương đến địa phương.

Nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính nhà nước

Cũng theo Bộ Tài chính, trong điều kiện hiện nay, nhu cầu về thông tin tài chính kế toán nhà nước ngày càng phát triển cả về tính chất, nội dung và quy mô. Kế toán nhà nước được xem như công cụ hiệu quả giúp nhà nước quản lý, kiểm tra, kiểm soát được các nguồn lực tài chính hiện có phục vụ đắc lực cho yêu cầu củng cố, hiện đại hóa và phát triển đất nước; yêu cầu minh bạch và công khai hóa tài chính cả trong và ngoài nước.

Hơn nữa, các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ cũng luôn quan tâm tới tình hình tài chính và khả năng trả nợ của nhà nước. Nếu những thông tin đó được cung cấp đầy đủ, tin cậy thì nhà nước sẽ được vay nợ trong những điều kiện thuận lợi (thời hạn, lãi suất, số tiền vay, các điều kiện khác...).

Ngược lại, nếu các nước và các tổ chức tài trợ không được thoả mãn về những thông tin cần thiết, chắc chắn nhà nước sẽ gặp khó khăn khi đi vay, nhất là hiện nay Chính phủ đang chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế trong điều kiện phải cạnh tranh giữa nhiều nước cùng đi vay trên thị trường tài chính quốc tế.

Đồng thời, nhu cầu thông tin bên ngoài về tình hình tài chính nhà nước đã trở thành một thực tế. Trong quá trình đàm phán các chương trình tài trợ giữa nước ta và các quốc gia cũng như các tổ chức tài chính quốc tế thì yêu cầu cung cấp đầy đủ, trung thực các số liệu về tình hình tài chính nhà nước vẫn được đưa lên hàng đầu. Thậm chí, các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) còn sẵn sàng ủng hộ việc xây dựng hệ thống kế toán nhà nước trước khi bắt đầu các chương trình tài trợ khác.

Việc soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước, theo Bộ Tài chính là cần thiết, nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn Luật Kế toán, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện. Đồng thời, việc xây dựng báo cáo tài chính nhà nước phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với thông lệ quốc tế còn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính của nhà nước.