Đến năm 2025, 100% mua sắm công thường xuyên sẽ thực hiện qua mạng

Theo vst.mof.gov.vn

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/07/2016 về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2025. Mục tiêu chung của kế hoạch là 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia vào năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực hiện đấu thầu qua mạng là thành phần quan trọng của chính phủ điện tử, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), truyền thông vào quá trình tương tác giữa các bên liên quan trong các hoạt động mua sắm công và quản lý thực hiện hợp đồng, bao gồm chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, các cơ quan giám sát, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội dân sự trong các hoạt động mua sắm công và quản lý thực hiện hợp đồng nhằm nâng cao khả năng quản trị nhà nước, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải cách TTHC, tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, ngăn ngừa tham nhũng và nâng cao niềm tin của người dân vào hoạt động đấu thầu mua sắm công.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đặt tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn là hệ thống duy nhất trên toàn quốc thực hiện chức năng thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu và đấu thầu qua mạng theo quy định tại khoản 26 Điều 4 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, đóng vai trò là một cổng thông tin điện tử duy nhất cho toàn bộ các hoạt động đấu thầu mua sắm công.

Theo kế hoạch, đến năm 2018 các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động nâng cấp, quản lý và vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại hoạt động an toàn, ổn định và thông suốt đáp ứng yêu cầu sử dụng; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện tốt quy định của pháp luật về nội dung cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng; ban hành các thông tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu qua mạng; nâng cấp, hoàn thiện bộ phận hỗ trợ người sử dụng hệ thống, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ; triển khai thu chi phí lựa chọn nhà thầu qua mạng và bảo lãnh dự thầu qua mạng thông qua ngân hàng, cổng thanh toán trực tuyến, kết hợp sử dụng hóa đơn điện tử; triển khai bảo lãnh dự thầu qua mạng; triển khai các dịch vụ cung cấp thông tin đấu thầu thông qua thiết bị di động, thư điện tử...

Để thực hiện được các mục tiêu trên, các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai sáng kiến hợp đồng công khai (Open Contracting); Hệ thống theo dõi, đánh giá công tác đấu thầu và Hệ thống cơ sở dữ liệu về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu; nghiên cứu xây dựng hệ thống danh mục hàng hóa điện tử (e-Catalog) áp dụng cho mua sắm thường xuyên qua mạng và mua sắm tập trung qua mạng; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể.

Trong giai đoạn 2019 - 2025, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sẽ quản lý, giám sát nhà đầu tư PPP trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống đấu thầu qua mạng tổng thể; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho đấu thầu qua mạng giai đoạn mới phù hợp với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể; thực hiện kết nối Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể với các hệ thống chính phủ điện tử khác; phát triển các tiện ích cung cấp thông tin đấu thầu, tham gia đấu thầu, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, quá trình thực hiện hợp đồng thông qua thiết bị di động và triển khai thanh toán trực tuyến giữa chủ đầu tư cho nhà thầu trúng thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng theo đúng tiến độ giải ngân.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tình hình thực tế điều chỉnh tăng tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cho từng năm đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Tài chính để tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu; giúp phòng, chống tham nhũng hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế xã hội./.