Giải ngân vốn đầu tư 2016:

Dồn sức 'chạy' về đích trong 4 tháng

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 đã khởi sắc hơn sau khi có Nghị quyết số 60/NQ- CP (NQ60) của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy giải ngân. Nhưng đến thời điểm này tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước đây.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hạnh Thảo
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hạnh Thảo

Để tăng tốc giải ngân trong 4 tháng còn lại, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phối hợp cùng Vụ Đầu tư, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị tọa đàm với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đích đến cuối cùng là giải ngân đạt 100% như nhiệm vụ của Chính phủ đặt ra.

8 tháng mới giải ngân đạt gần 43% kế hoạch

Tính đến hết ngày 31/8/2016, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) giải ngân qua KBNN là 139.868 tỷ đồng, đạt 42,9% kế hoạch vốn năm 2016. Trong đó giải ngân vốn XDCB tập trung từ NSNN trên 102.009 tỷ đồng, đạt 44,2% kế hoạch, giải ngân vốn TPCP trên 12.037 tỷ đồng, đạt 28,1% kế hoạch.

Theo đánh giá từ Vụ Kiểm soát chi, KBNN, mặc dù tỷ lệ giải ngân đã cải thiện hơn rất nhiều so với trước thời điểm Chính phủ ban hành NQ60, nhưng vốn đầu tư giải ngân vẫn thấp hơn cùng kỳ 3 năm gần đây về cả số tương đối và số tuyệt đối.

Đơn cử, năm 2013 giải ngân được trên 143.728 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch; năm 2014 giải ngân được trên 160.106 tỷ đồng, đạt 56,5% kế hoạch; năm 2015 giải ngân được trên 143.718 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch.

Riêng nguồn vốn ODA, tổng số vốn được KBNN kiểm soát, xác nhận đủ điều kiện để giải ngân đến thời điểm báo cáo (31/8/2016) là 18.019,2 tỷ đồng, đạt 37,6% kế hoạch vốn Chính phủ giao.

Đến nay có một số địa phương có vốn ODA đã kiểm soát, xác nhận tại KBNN đạt tỷ lệ khá cao như: Hà Nội 1.517 tỷ đồng, đạt 94,6% kế hoạch; Phú Thọ 264,5 tỷ đồng, đạt 84,5% kế hoạch; Kiên Giang 136 tỷ đồng, đạt 74,5% kế hoạch; Đà Nẵng 377,2 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch...

Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương chủ dự án chưa làm thủ tục kiểm soát, xác nhận vốn ODA tại KBNN như: Vĩnh Long (kế hoạch 44 tỷ đồng); Bắc Ninh (kế hoạch 112 tỷ đồng), Tây Ninh (kế hoạch 148 tỷ đồng); hoặc vẫn còn một số địa phương chủ dự án cũng đã làm thủ tục đề nghị xác nhận vốn ODA nhưng tỷ lệ xác nhận vốn ODA đạt thấp như: Hưng Yên, Đăk Lăk.

Đánh giá về công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư trong 8 tháng qua, ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN cho biết, tỷ lệ giải ngân đã có nhiều chuyển biến tích cực kể từ khi thực hiện NQ 60. Theo đó, từ đầu tháng 7 đến nay, giải ngân vốn đầu tư tăng trên 48.477 tỷ đồng, chiếm 34,6% tổng số vốn đầu tư đã giải ngân từ đầu năm đến nay; trong đó vốn đầu tư giải ngân trong tháng 7 là 24.147 tỷ đồng; vốn đầu tư giải ngân trong tháng 8 là 24.330 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả giải ngân đến ngày 31/8/2016 của cả nước đạt chưa cao.

Theo ông Hiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân còn chậm, nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ, trong tháng 1/2016, các chủ đầu tư vừa phải thực hiện giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2016, vừa phải tập trung thực hiện giải ngân đối với kế hoạch năm 2015 với số vốn trên 26.006 tỷ đồng, chiếm 18,5% tổng số vốn giải ngân đến ngày 31/8/2016.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện thủ tục đối với các dự án được phép kéo dài từ năm 2015 sang năm 2016 theo quy định tại Luật Đầu tư công, với số vốn trên 9.794 tỷ đồng (tính đến ngày 31/8/2016), nên chưa chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2016. 

Đặc biệt, đối với một số dự án khởi công mới năm 2016 triển khai chậm là do: Đây là năm đầu tiên các chủ đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, như: việc lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; về thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; mô hình Ban quản lý dự án (Ban quản lý dự án chuyên ngành và Ban quản lý dự án khu vực)... nên, các chủ đầu tư cũng mất khá nhiều thời gian để triển khai thực hiện.

Mục tiêu phải giải ngân 100% vốn đầu tư

Tại buổi tọa đàm, đại diện đến từ các bộ, ngành, địa phương đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thanh toán vốn đầu tư. Các khó khăn tập trung chủ yếu ở việc phân bổ kế hoạch vốn, thời gian hoàn tất thủ tục hồ sơ, báo cáo số liệu ghi thu ghi chi,... Hay như việc thanh toán nguồn vốn ODA, có giai đoạn giải ngân theo kế hoạch, có giai đoạn lại giải ngân theo tiến độ, nên gây lúng túng cho các chủ đầu tư...

Đại điện KBNN, Vụ Đầu tư, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã ghi nhận những ý kiến này để giải quyết theo thẩm quyền nhằm sớm tháo gỡ, đẩy nhanh việc thanh toán vốn.

Tại buổi tọa đàm, Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Việt Hồng cũng cho biết, sau khi NQ 60 của Chính phủ có hiệu lực, tỷ lệ giải ngân đã có tiến triển tốt nhưng so với yêu cầu thì vẫn chưa đạt.

“Qua 8 tháng giải ngân đạt 42,9% kế hoạch vốn. Riêng, tháng 7 và tháng 8, sau khi có NQ 60, tỷ lệ giải ngân đã vượt lên bằng 50% của 6 tháng đầu năm. Nhưng mục tiêu được Chính phủ đề ra là hết năm 2016, phải giải ngân đạt 100% số vốn. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho 4 tháng còn lại sẽ phải bằng nhiệm vụ của cả 8 tháng qua”, ông Hồng nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Hồng, để hoàn thành nhiệm vụ, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương xử lý dứt điểm đối với những dự án còn có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công xây dựng. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ thanh toán,... gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư: đối với các dự án đến hết ngày 30/9/2016 có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch thì sẽ kiên quyết không bố trí kế hoạch vốn năm 2017 và các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch để làm cơ sở điều chỉnh giảm vốn cho những dự án đã có khối lượng thực hiện hoặc điều chỉnh vốn giữa các bộ, ngành, địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía KBNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền, các sở ban ngành tại địa phương để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Đặc biệt, KBNN sẽ kiên quyết từ chối không thanh toán các khoản chi không đúng chế độ, không có trong định mức, tiêu chuẩn.