Kho bạc Nhà nước nỗ lực giải ngân vốn đầu tư năm 2016

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Năm 2016, các cơ chế chính sách liên quan đến quản lý tài chính nói chung, quản lý kiểm soát chi thường xuyên và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng có nhiều thay đổi, liên quan đến quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật ngân sách nhà nước.

Luôn bám sát các Nghị quyết của Chính phủ cũng như nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nên năm 2016, KBNN đã làm tốt công tác kiểm soát vốn ngân sách.
Luôn bám sát các Nghị quyết của Chính phủ cũng như nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nên năm 2016, KBNN đã làm tốt công tác kiểm soát vốn ngân sách.

Công tác giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục đầu tư qua nhiều bước... dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) đạt thấp. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp và cùng với việc triển khai Nghị quyết số 01/NQ- CP, Nghị quyết số 60/NQ- CP và Chỉ thị số 22/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện tốt công tác kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn.

Điều hành linh hoạt, kiên quyết

Đối với công tác kiểm soát chi thường xuyên, ngay từ đầu năm, KBNN đã hướng dẫn, chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố rà soát, thực hiện kiểm soát chi NSNN trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Hệ thống KBNN đã từ chối, không thanh toán đối với kinh phí thường xuyên đã giao dự toán đầu năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa được phê duyệt dự toán, chưa thực hiện bất kỳ công đoạn nào của công tác tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn (trừ các khoản được phép thực hiện theo quy định của pháp luật và trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện - gọi tắt là đặc biệt).

Bên cạnh đó, KBNN đã tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án theo hai khu vực phía Bắc tại Hà Nội, phía Nam tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của Vụ Đầu tư, Cục Quản lý Nợ & Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN). Qua đó, những vướng mắc về cơ chế chính sách, về tổ chức thực hiện và triển khai dự án đã được thảo luận và trao đổi, được giải đáp, hướng dẫn thực hiện...

Công tác báo cáo tình hình kiểm soát chi và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) cũng được KBNN và các đơn vị trong hệ thống quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, nhất là các kỳ báo cáo số liệu giải ngân đến ngày 30/9/2016 và 31/12/2016, làm cơ sở để KBNN báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 (theo quy định tại Nghị quyết số 60).

Các KBNN địa phương cũng đã thực hiện kiểm soát chi NSNN trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao; kiên quyết từ chối, không thanh toán đối với kinh phí thường xuyên đã giao dự toán đầu năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa được phê duyệt dự toán, chưa thực hiện bất kỳ công việc nào của công tác tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng (trừ các khoản đặc biệt).

Về kiểm soát chi đầu tư, KBNN các địa phương đã chủ động rà soát, nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 của từng dự án; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính các cấp, các cơ quan ban ngành và các chủ đầu tư tìm hiểu nguyên nhân vướng mắc, nhất là những dự án chưa giải ngân, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%), dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để tham mưu, báo cáo các cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời.

Cần quy định rõ những trường hợp dừng thanh toán

Tính đến ngày 30/11/2016, đối với chi thường xuyên, hệ thống KBNN đã kiểm soát đạt 659.386 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng) bằng 78,8% dự toán năm). Ước giải ngân chi thường xuyên cả năm 2016 (tính đến ngày 31/1/2017) là 784.134 tỷ đồng, đạt 93,7% dự toán.

Đối với chi đầu tư, đến ngày 30/11/2016, hệ thống KBNN kiểm soát chi đạt gần 217.508 tỷ đồng, bằng 64,3% so với kế hoạch năm. Ước cả năm (tính đến ngày 31/1/2017) giải ngân vốn đầu tư là hơn 285.860 tỷ đồng, đạt 86,1% kế hoạch vốn nhà nước giao cấp qua KBNN.

Số liệu báo cáo nói trên cho thấy, sự chuyển biến tích cực trong công tác kiểm soát chi và giải ngân vốn đầu tư XDCB, chỉ trong 4 tháng triển khai Nghị quyết số 60 (tháng 7, 8, 9, 10) vốn đầu tư XDCB giải ngân qua KBNN là 106.369,4 tỷ đồng, chiếm 53,7% tổng số vốn đầu tư đã giải ngân từ đầu năm đến nay và bằng 116,4% tổng số vốn đầu tư đã giải ngân của 6 tháng đầu năm. Điều này có thể nhận thấy rõ các giải pháp (tại Nghị quyết số 60) đã phát huy hiệu quả rõ rệt, các bộ ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ nên đã có dấu hiệu tích cực góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Tuy nhiên, theo KBNN, trên thực tế đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc, như: nhu cầu chi NSNN của các đơn vị khá lớn, các nhiệm vụ chi, nhất là các khoản chi mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, đã được các đơn vị xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí; hoặc các khoản chi sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô, thiết bị tin học phát sinh đột xuất, không thể trì hoãn... Việc dừng thanh toán đối với những trường hợp này thực hiện sau ngày 30/6/2016 đã ảnh hưởng đến các hoạt động thường xuyên của các đơn vị. Do đó, KBNN đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng để có biện pháp giải quyết, quy định rõ các trường hợp dừng thanh toán để các đơn vị thực hiện.

Đồng thời, để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 60, đồng thời nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, KBNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ hủy dự toán đối với kế hoạch vốn năm 2016 mà đến ngày 31/01/2017 các bộ ngành giải ngân chưa hết, còn dư tại KBNN, để thực hiện giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Đối với các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/9/2016 dưới 50% và các dự án có quyết định đầu tư sau ngày 31/3/2016, đề nghị điều chỉnh trong nội bộ, chuyển kế hoạch cho các dự án có khả năng thực hiện, hoàn thành trong năm hoặc dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư đã được giao 2016.