Kho bạc phối hợp chi trả chặt chẽ tiền bồi thường sự cố môi trường biển

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Sáng ngày 14/12/2016, tại họp báo thông báo kết quả công tác của hệ thống Kho bạc Nhà nước năm 2016, Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, thông qua kiểm soát chi tính đến 30/11, Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán 24,6 tỷ đồng.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Đức Minh
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Đức Minh

Kho bạc từ chối thanh toán 24,6 tỷ đồng qua kiểm soát chi

Thông tin với báo giới, Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, trong năm 2016, hệ thống KBNN đã hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch công tác năm. Cụ thể, đã hoàn thành xong 31 đề án chính sách, trong đó 2 đề án chính đã được triển khai đúng tiến độ của năm và tiếp tục thực hiện theo kế hoạch năm 2017.

Đồng thời, hệ thống KBNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP, hệ thống KBNN đã tổ chức nhiều giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2016.

Tính đến 30/11, toàn hệ thống kiểm soát chi thường xuyên ước đạt 659.386 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng), bằng 78,8% dự toán. Thông qua kiểm soát chi, các đơn vị KBNN đã phát hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ thanh toán khoảng 26.396 khoản chi chưa đủ thủ tục. Số tiền thực từ chối thanh toán là 24,6 tỷ đồng.

Trả lời báo giới về việc chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền trung, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi  KBNN- ông Vũ Đức Hiệp cho biết, KBNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chi trả chính xác, kịp thời đúng quy định đối với các đối tượng bị thiệt hại ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, không để xảy ra tiêu cực.

Số tiền KBNN đã chuyển tới KBNN tỉnh cũng như KBNN huyện là 3.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 13/12, các Phòng tài chính kế hoạch huyện đã rút tiền từ KBNN để trực tiếp chi trả hơn 1.379 tỷ đồng/2.728 tỷ đồng (có danh sách đền bù do UBND các tỉnh đã phê duyệt).

"Có nhiều trường hợp là người dân không thể đến nhận được tiền do thiên tai vẫn thường xuyên xảy ra tại các tỉnh này. Thậm chí có cán bộ phòng tài chính địa phương đã đến nhận tiền để chi trả nhưng lại phải gửi lại kho bạc vì người dân không thể đến nhận được do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ", ông Hiệp thông tin.

Huy động vốn đạt 99,9%

Theo báo cáo của KBNN, công tác huy động vốn năm 2016 đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết ngày 7/12/2016, tổng khối lượng huy động đạt trên 281.294 tỷ đồng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ - bà Trịnh Thị Vân Anh, công tác huy động vốn năm 2016 đạt được kết quả khả quan. 

Bà Vân Anh cho biết, năm 2016 kinh tế vĩ mô dưới dự điều hành quyết liệt của Chính phủ  tương đối ổn định, lạm phát và mặt bằng lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, trong năm qua một số cơ chế chính sách liên quan đến huy động vốn đã được điều chỉnh kịp thời, nhất là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN bổ sung sửa đổi một số điều của Thông tư 36 /2014/TT-NHNN liên quan đến việc quy định tỷ lệ giới hạn đầu tư trái phiếu của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Đặc biệt có cho phép nới tỷ lệ đầu tư lên khiến các tổ chức này có những thuận lợi hơn trong việc tiếp cận trái phiếu Chính phủ. 

Hơn nữa do kinh tế trong nước ổn định nên các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới đầu tư tại Việt Nam khiến tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016 tăng lên mức 12% so với mức 8,5% của năm 2015. 

Bà Vân Anh cho hay, với việc huy động vốn để đầu tư phát triển, Bộ Tài chính đã thực hiện huy động từ nhiều nguồn với nhiều kênh khác nhau và trái phiếu Chính phủ chỉ là một trong những kênh đó. Nhờ việc huy động tốt,  Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh nâng mức huy động thêm 31.000 tỷ đồng, một mặt để không phải huy động qua các kênh khác, mặt khác nhằm có nguồn cung trái phiếu Chính phủ đều đặn trên thị trường.

Trong công tác huy động vốn, KBNN cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp như công khai kế hoạch, lịch biểu phát hành cả năm và hàng quý để các nhà đầu tư chủ động tham gia thị trường; điều chỉnh tần suất đấu thầu, khối lượng, lãi suất từng đợt phát hành để phù hợp với tình hình thị trường; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu chính phủ từ 3 năm đến 30 năm (trong đó tập trung chủ yếu vào trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên) nhằm kéo dài kỳ hạn trung bình trái phiếu, giảm áp lực trả nợ cho NSNN trong ngắn hạn.