Số hóa, điện tử hóa Kho bạc Nhà nước - Lựa chọn tối ưu trong thời đại công nghệ 4.0

Theo: baohaiquan.vn

Trong thời đại ngày nay, kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế xã hội. Đối với lĩnh vực Kho bạc, điện tử hóa, số hóa sẽ giúp hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) tập trung nhanh các nguồn thu của ngân sách nhà nước, chi trả kịp thời các khoản chi cho các đơn vị thụ hưởng…

Hoạt động tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước. Ảnh: ST.
Hoạt động tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước. Ảnh: ST.

Điện tử hóa, số hóa - Nghĩ phải lớn nhưng bắt đầu từ cái nhỏ

Nói về công tác số hóa, điện tử hóa hệ thống KBNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng: “Đây là lựa chọn tối ưu trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0. Hiện đại hóa, số hóa sẽ giúp KBNN thực hiện việc hạch toán, kế toán, thống kê, báo cáo, thông tin các nguồn tài chính quản lý nợ công, tài sản công hiệu quả, minh bạch”.

Mặc dù thời gian qua hệ thống KBNN đã rất nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với các nghiệp vụ kho bạc như: Xây dựng hệ thống quản lý thu ngân sách nhà nước, hệ thống quản lý chi ngân sách nhà nước; Hệ thống thanh toán giữa Kho bạc và ngân hàng; Chương trình dịch vụ công trực tuyến…, nhưng việc thực hiện điện tử hóa, số hóa của hệ thống Kho bạc vẫn gặp nhiều bất cập. Đó là chưa triển khai một cách đồng bộ tất cả các nghiệp vụ kho bạc, chủ yếu là nghiệp vụ thu – chi ngân sách và thanh toán; Tính hiệu quả chưa thực sự cao do nghiệp vụ quản lý kho bạc chưa thực sự hoàn chỉnh…

Tại Hội thảo chuyên đề của Hiệp hội Kho bạc quốc tế (AIST) với chủ đề "Hiện đại hóa kho bạc thông qua điện tử hóa, số hóa”, tổ chức tại Hà Nội hồi cuối tháng 3/2018 vừa qua, nêu quan điểm về vấn đề này, ông Didier Cornillet - Tổng thư ký AIST cho rằng, việc số hóa, điện tử hóa tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động, và đây là thách thức lớn đối với các cơ quan hành chính các nước nói chung và của Việt Nam nói riêng trong khía cạnh đảm bảo hiệu quả của các hoạt động công quyền.

Cũng theo ông Didier, việc chuyển từ chứng từ giấy sang số hóa, điện tử hóa sẽ vấp phải không ít khó khăn, thách thức. Rất khó để có thể số hóa toàn bộ trong cùng một thời điểm. Do vậy cần phải có một lộ trình thích hợp, linh hoạt trong triển khai để quá trình số hóa được tiếp nhận dễ dàng hơn bởi các đối tượng liên quan. “Chúng ta phải nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ. Cần có sự nghiên cứu nghiêm túc về hệ quả của quá trình, khía cạnh xây dựng các quy định cũng như tổ chức về mặt nhân lực, kế toán…” - ông Didier đưa ra ý kiến.

Phân tích thêm về sự cần thiết phải số hóa, điện tử hóa hệ thống Kho bạc trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, ông Seghrouchni Mohamed El Amine – Trưởng phòng Phát triển công nghệ thông tin đến từ Morocco, cho rằng: “Việc điện tử hóa, số hóa sẽ giúp chúng ta chi tiêu hợp lý, hiệu quả, giúp cải thiện môi trường kinh doanh. Từ vài năm nay trên thế giới nổi lên vấn đề lo ngại là hủy hoại môi trường. Bởi thực tế chúng ta sử dụng quá nhiều giấy trong quá trình làm việc (mỗi năm chúng ta sử dụng khoảng 400 tấn chứng từ giấy, tương đương khoảng 40 triệu USD), theo đó phải khai thác lượng cây rừng rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường. Việc số hóa sẽ giúp chúng ta cải thiện tài nguyên môi trường...” – ông Seghrouchni nói.

Chia sẻ về lộ trình số hóa, điện tử hóa của hệ thống Kho bạc Morocco, ông Seghrouchn cho biết, hiện nước này có những bước rất cụ thể nhằm loại bỏ hoàn toàn hồ sơ giấy. “Năm 2018, chúng tôi tăng cường cơ sở pháp lý về số hóa. Năm 2019 sẽ triển khai kỹ thuật về đấu thầu. Năm 2020 sẽ yêu cầu tất cả các đơn vị đấu thầu thông qua con đường điện tử, nộp hồ sơ mời thầu điện tử, và năm 2021 sẽ hoàn toàn bỏ hồ sơ giấy...” – ông Seghrouchni chia sẻ.

Lộ trình hướng đến Kho bạc điện tử

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, dù mô hình quản lý kho bạc của Việt Nam có sự khác biệt nhất định so với Kho bạc các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng các Kho bạc đều có những chức năng, nhiệm vụ chung khá tương đồng như: Tập trung nguồn thu, quản lý chi ngân sách, quản lý dòng tiền; bên cạnh đó là thực hiện hạch toán, kế toán các khoản nợ cũng như tài sản công. Theo đó, để hướng đến mô hình Kho bạc điện tử, hiện hệ thống KBNN chủ trương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu chi ngân sách nhà nước, về quản lý tài chính công, tài sản công. Trên cơ sở đó, chuẩn hóa các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc. Đồng thời, có giải pháp phát triển hệ thống công nghệ thông tin điện tử hóa, số hóa cho phù hợp với cơ chế phân cấp quản lý ngân sách giữa Trung ương và địa phương...

Từ thực tiễn hoạt động của hệ thống Kho bạc các nước trên thế giới, các đại biểu tham gia Hội thảo "Hiện đại hóa Kho bạc thông qua điện tử hóa, số hóa” đã thống nhất rằng, để hướng đến Kho bạc điện tử, loại bỏ hoàn toàn chứng từ giấy cần 10 bước hoàn thiện. Cụ thể, cần phổ cập thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng đối với các nhà cung cấp và chi cho thanh toán cá nhân (lương và trợ cấp). Bước tiếp theo là số hóa hệ thống cân đối kế toán công; ủy nhiệm chi; triển khai thuế và thanh toán qua mạng để tăng nguồn thu từ thuế; tích hợp hệ thống kế toán địa phương với hệ thống kế toán Trung ương; tạo bản sao điện tử của các chứng từ kèm hoặc không kèm chữ ký điện tử; sử dụng chữ ký số cho báo cáo quản lý; số hóa hiện trạng số dư; số hóa từ nguồn (nguyên phát) các chứng từ và bước cuối cùng là số hóa chữ ký điện tử…

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc số hóa, điện tử hóa trong hệ thống Kho bạc, ông Tạ Anh Tuấn, quyền Tổng Giám đốc KBNN cho biết: Hệ thống KBNN đang triển khai quá trình hiện đại hóa nhằm tiến tới xây dựng một Kho bạc điện tử - một bước đi rất quan trọng trong lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020.

Chắc chắn với lộ trình chi tiết cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Kho bạc các nước trên thế giới nói chung và hệ thống KBNN Việt Nam nói riêng, mô hình Kho bạc điện tử với sự chuyển đổi từ chứng từ giấy sang số hóa, điện tử hóa là tương lai không xa. Và chắc chắn, đây cũng là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.