Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Theo Thanh Tùng

Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 Luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.

Tham dự Họp báo có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến các Luật được công bố và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020

Cụ thể, 11 Bộ luật và Luật được công bố gồm: Bộ luật Lao động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán.

Tại Họp báo, đại diện cơ quan chủ trì các Luật tương ứng đã giới thiệu tóm tắt những nội dung cơ bản và những điểm mới của các Luật được công bố. Thay mặt cơ quan KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đã giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Theo đó, ngày 26/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, gồm các nội dung chính như sau:

Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Luật KTNN năm 2015 chưa quy định rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan dẫn đến quá trình thực hiện Luật có khó khăn, vướng mắc. Do vậy, để khắc phục hạn chế nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã giải thích rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán tại khoản 2a Điều 3 (quy định tại khoản 1 Điều 1 của  Luật). Ngoài ra, Luật còn bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN... của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật cũng quy định việc truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Theo đó, về truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã quy định tại khoản 2 Điều 11 và điểm h, khoản 2, Điều 39 (tại điểm a khoản 3 và điểm b khoản 6 Điều 1). Đồng thời, Luật còn quy định khi khai thác, truy cập thông tin, dữ liệu điện tử thì KTNN phải chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật, bảo mật thông tin.

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, Luật đã bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của KTNN theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ về phòng chống tham nhũng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã quy định bổ sung vào khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 10 nội dung: “Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng” (tại khoản 2 Điều 1).

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 và bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 13 giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước “Ban hành Quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng” (tại khoản 4 Điều 1 của Luật).

Về bổ sung quy định KTNN xử phạt vi phạm hành chính, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Luật xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, đây là khoảng trống pháp lý cần sớm được khắc phục. Do vậy, việc trao cho KTNN thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết, bảo đảm hiệu quả cho hoạt động của KTNN. Luật đã quy định mang tính nguyên tắc về việc xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 6a Điều 11 như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, với mục tiêu nâng cao chất lượng kiểm toán, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, Luật bổ sung Điều 49a về Kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung Điều 64a về cơ quan thanh tra và KTNN (tại khoản 10 Điều 1), trong đó quy định về trách nhiệm phối hợp của KTNN (với vai trò là cơ quan chủ trì) với cơ quan thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch hằng năm, trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và khi tiến hành hoạt động kiểm toán, thanh tra để xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã quy định rõ đơn vị được kiểm toán, tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán; đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Luật cũng bổ sung, quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN.

Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN quy định rõ trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của Quyết định giải quyết khiếu nại tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trình tự thủ tục khởi kiện thực hiện theo Luật Tố tụng Hành chính và để thực hiện được việc khởi kiện thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm các quy định về khởi kiện để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp quy định của pháp luật hiện hành có thể thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành (Điều 2).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

Cũng tại Họp báo, đại diện các bộ, ngành đã giải đáp một số câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến các quy định và việc thực thi các Luật vừa được công bố.