Giải pháp vượt qua thách thức trong kiểm toán dự án đầu tư

Theo TS. Hoàng Phú Thọ/baokiemtoannhanuoc.vn

Đầu tư xây dựng là lĩnh vực quan trọng, giữ vai trò trọng yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Kiểm toán xin giới thiệu bài tham luận của TS. Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV - tại Hội thảo “KTNN trong tiến trình phát triển đất nước”.

Các kiểm toán viên KTNN khu vực IX kiểm toán một dự án đầu tư xây dựng.
Các kiểm toán viên KTNN khu vực IX kiểm toán một dự án đầu tư xây dựng.

Thời gian qua, KTNN đã tập trung phát hiện những bất cập, hạn chế trong quản lý đầu tư xây dựng công trình đối với từng giai đoạn của quá trình đầu tư; chỉ rõ những sai phạm, khuyết điểm và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đồng thời đi sâu phân tích, đánh giá tính kinh tế và hiệu quả đầu tư của các dự án. Tuy nhiên, do hoạt động kiểm toán thực hiện trên cơ sở xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro (tức là chấp nhận mức độ rủi ro ở ngưỡng hợp lý) nên việc kiểm toán nói chung và kiểm toán dự án đầu tư nói riêng đã gặp không ít khó khăn và thách thức.

Những khó khăn, thách thức trong kiểm toán quản lý dự án đầu tư 

Một là, các dự án đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) được quản lý tương đối chặt chẽ, bài bản, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA...). Tại một số dự án, quy định của hiệp định vay vốn thường áp đặt việc áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng, công nghệ thi công mới, vật tư, vật liệu, trang thiết bị máy móc tiên tiến hiện đại, định mức, đơn giá nhân công (thường là của nước cho vay) chưa từng được áp dụng tại Việt Nam, phương pháp phân tích chi phí, đơn giá của nước ngoài có nhiều điểm khác biệt so với các hướng dẫn của Việt Nam.

Trong khi đó, các kiểm toán viên lại chưa có điều kiện tiếp cận để nắm bắt; trình độ và kinh nghiệm của nhiều kiểm toán viên còn hạn chế trong việc tính toán thiết kế công trình, nhất là các công trình lớn, công trình sử dụng tiêu chuẩn xây dựng, công nghệ thi công của nước ngoài.

Hai là, số lượng văn bản quản lý về lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình rất lớn và thường xuyên thay đổi, điều chỉnh theo từng thời kỳ; quy định về định mức công tác tư vấn trong các dự án ODA còn thiếu, giá các gói thầu tư vấn này thường do chính tư vấn lập dựa trên những định mức, đơn giá do chính họ đưa ra.

Trong các dự án ODA, rất nhiều hạng mục không có định mức và đơn giá. Khi lập dự toán, tư vấn đưa một giá trị tạm tính (được phép), thường là rất cao, đặc biệt với các hạng mục công việc chung, dẫn đến kiểm toán viên không có căn cứ để kiểm toán tính tuân thủ đối với các hạng mục này. 

Ba là, công tác kiểm toán hiện nay chủ yếu là hậu kiểm, tại thời điểm kiểm toán, hầu hết các hạng mục chìm khuất đã được hoàn thành và phủ lấp. Đoàn kiểm toán chủ yếu dựa trên hồ sơ tài liệu hoàn công do đơn vị cung cấp nên rất khó phát hiện tồn tại bất cập về chi phí, chất lượng công trình. Một số đoàn kiểm toán thực nghiệm kiểm tra hiện trường chủ yếu bằng phương pháp quan sát, đo kích thước hình học, lấy mẫu hoặc thuê tư vấn kiểm định đánh giá chất lượng công trình. 

Bốn là, đa số trong các cuộc kiểm toán dự án đầu tư, việc cung cấp hồ sơ, tài liệu cho đoàn kiểm toán còn chậm. Thường thì sau khi triển khai kiểm toán từ 1 đến 2 tuần, đơn vị mới cung cấp cơ bản xong tài liệu; thông tin, số liệu báo cáo tài chính tại thời điểm khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán khác với số liệu báo cáo tại thời điểm kiểm toán, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng cuộc kiểm toán.

Năm là, hệ thống văn bản hướng dẫn kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ đối với dự án đầu tư, kiểm toán chuyên đề còn thiếu, do vậy, việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của dự án đầu tư còn chưa thống nhất, thiếu căn cứ, bằng chứng thuyết phục; các đánh giá nhận xét mới chỉ là ý kiến chủ quan của kiểm toán viên vốn chủ yếu dựa trên cơ sở các bằng chứng thu thập và báo cáo của đơn vị được kiểm toán để phân tích, đánh giá.

Sáu là, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị tại một số đơn vị được kiểm toán còn chậm, dây dưa kéo dài. Trong khi đó, chế tài đối với việc chậm trễ thực hiện các kiến nghị kiểm toán lại chưa có, gây ảnh hưởng đến hiệu lực kiến nghị kiểm toán.

Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý dự án đầu tư

Để nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN cần tăng cường đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. 

Sau đây là một số nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán đầu tư xây dựng:

Thứ nhất, nhóm giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán lĩnh vực XDCB cho kiểm toán viên. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kiểm toán viên cần tập trung vào việc bồi dưỡng, bổ sung đào tạo về lĩnh vực kiểm toán đầu tư dự án, kiểm toán chuyên đề lĩnh vực đầu tư XDCB; tăng cường đào tạo nghiệp vụ kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin; đưa thêm nội dung kiểm toán thực hành vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên.

Bên cạnh đó, KTNN cũng cần đầu tư xây dựng các mô hình công trình xây dựng và các thiết bị kiểm tra công trình để phục vụ cho công tác đào tạo kiểm toán công trình xây dựng; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, tăng cường giao lưu học tập về nghiệp vụ kiểm toán đầu tư XDCB.

KTNN cần tiếp thu, áp dụng những phương pháp kiểm toán mới, tăng cường ứng dụng rộng rãi phương pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và công nghệ tin học trong hoạt động kiểm toán; chú trọng xây dựng và đưa vào khai thác các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động kiểm toán đầu tư XDCB.

Thứ hai, nhóm giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động đoàn kiểm toán.

KTNN cần đa dạng hóa loại hình và phương pháp kiểm toán, áp dụng kết hợp loại hình kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính; coi trọng đúng mức loại hình kiểm toán hoạt động để nâng cao hiệu quả kiểm toán. KTNN cần xem xét áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực đầu tư XDCB nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý và sử dụng vốn trong đầu tư XDCB.

Để có thể tham gia làm tốt ngay từ đầu và nắm bắt thông tin về quá trình xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư, KTNN cần kết hợp cả phương thức tiền kiểm và hậu kiểm. Bên cạnh đó, KTNN cũng cần chủ động triển khai tiền kiểm các dự án đầu tư xây dựng lớn nhằm thẩm định, đánh giá, xem xét tính khả thi, tính hiệu quả của dự án trước khi chính thức phê duyệt dự án; tập trung thẩm định, phản biện đối với các điều kiện về tài chính, giá cả và phương án hoàn trả vốn đầu tư...

Thứ ba, nhóm giải pháp tăng cường quản lý hoạt động kiểm toán.

KTNN cần đổi mới phương pháp, hình thức để nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chất lượng kiểm toán, trong đó lưu ý công tác tự kiểm tra, kiểm soát của các KTNN chuyên ngành và khu vực; đề cao vai trò của thủ trưởng đơn vị gắn với trách nhiệm quản lý, điều hành, kiểm tra giám sát cán bộ, công chức, kiểm toán viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao; duy trì nghiêm chế độ báo cáo định kỳ nâng cao chất lượng kiểm toán tổng hợp để đánh giá công tác quản lý điều hành và việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm đối với từng thành viên trong đoàn kiểm toán, từ đó rút ra bài học cho những lần kiểm toán sau.