Hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng cá nhân tại các ngân hàng thương mại cổ phần

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2019

Hiện nay, tín dụng cá nhân là hoạt động mang lại thu nhập lớn cho các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam và rủi ro tín dụng cũng chiếm tỷ trọng lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng. Trước những thay đổi của yếu tố vĩ mô cùng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường tài chính, ngân hàng và xu hướng hội nhập làm cho nguy cơ xảy ra rủi ro tín dụng ngày càng cao và hoạt động quản trị rủi ro tín dụng ngày càng được quan tâm. Một trong các biện pháp hữu hiệu để quản trị rủi ro tín dụng cá nhân được các ngân hàng quan tâm là xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

Rủi ro tín dụng là loại rủi ro phát sinh trong quá trình cấp tín dụng của ngân hàng. Nguồn: internet
Rủi ro tín dụng là loại rủi ro phát sinh trong quá trình cấp tín dụng của ngân hàng. Nguồn: internet

Về hệ thống kiểm soát nội bộ trong hệ thống ngân hàng

Hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) là một phần quan trọng trong hệ thống ngân hàng. Hệ thống KSNB hoạt động tín dụng của các ngân hàng được tổ chức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống KSNB và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong điều kiện thị trường tài chính Việt Nam đang hội nhập thì việc thiết lập KSNB hoạt động tín dụng theo Ủy ban Tổ chức tài trợ (COSO) là cần thiết để đảm bảo an toàn tín dụng cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Theo đó, KSNB hoạt động tín dụng là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, cơ cấu của tổ chức tín dụng được xây dựng và tổ chức thực hiện nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro tín dụng. Hệ thống KSNB theo chuẩn COSO bao gồm 5 bộ phận chính:

- Môi trường kiểm soát: Bao gồm các chức năng quan trị và quản lý, các quan điểm, nhận thức và hành động của các nhà lãnh đạo đơn vị liên quan đến KSNB và tầm quan trọng của KSNB đối với hoạt động của đơn vị.

- Đánh giá rủi ro: Nhà quản lý đánh giá rủi ro như một phần của việc thiết kế, vận hành hệ thống KSNB để giảm thiểu các sai sót. Khi các rủi ro được nhận diện, nhà quản lý cần đánh giá khả năng xảy ra của chúng và mức độ nghiêm trọng được  xem là cơ sở để xác định cách thức quản lý rủi ro.

- Hoạt động kiểm soát: Là các chính sách và thủ tục mà nhà quản lý đã thiết lập để hỗ trợ việc đạt được mục tiêu của đơn vị về hoạt động, tuân thủ. Nhà quản lý phải xác định cách giải quyết những rủi ro đã được nhận diện và đánh giá xem việc kiểm soát rủi ro có đem lại lợi ích cho đơn vị không.

- Thông tin và truyền thông: Sự hiện diện của hệ thống thông tin và truyền thông có hiệu quả là một phần quan trọng của kết cấu KSNB hữu hiệu. Hệ thống thông tin và trao đổi là các hoạt động nhận diện, đánh giá các rủi ro kinh doanh từ đó quyết định các biện pháp đối phó rủi ro.

- Hoạt động giám sát: Là quy trình đánh giá hiệu quả của hệ thống KSNB trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, hệ thống KSNB dù hoàn hảo đến đâu cũng chỉ có thể cung cấp cho đơn vị một sự đảm bảo hợp lý để đạt được mục tiêu và không thể ngăn chặn sai sót và rủi ro.

Đặc điểm tín dụng cá nhân ảnh hưởng đến thiết kế và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ

Rủi ro tín dụng là loại rủi ro phát sinh trong quá trình cấp tín dụng của ngân hàng, biểu hiện trên thực tế qua việc khách hàng không trả được nợ hoặc trả nợ không đúng hạn cho ngân hàng. Hoạt động cho vay là hoạt động lớn nhất và chủ yếu của ngân hàng thương mại (NHTM), thu nhập từ hoạt động cho vay chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập của ngân hàng, đây cũng là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro nhất. 

Đối với khách hàng cá nhân, phần lớn khoản cấp tín dụng cho cá nhân là nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đặc điểm rủi ro tín dụng trong cho vay kinh doanh đối với khách hàng cá nhân của NHTM được thể hiện như sau: Khoản vay thường có giá trị nhỏ nhưng số lượng các khoản vay lớn; Các khoản cho vay có độ rủi ro cao; Rủi ro liên quan đến người đứng đầu; Rủi ro thiếu vốn; Rủi ro thiếu hồ sơ theo dõi; Rủi ro do thông tin kế toán chất lượng kém

Thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ tín dụng cá nhân trong các ngân hàng thương mại

Hiện nay, các NHTM đều hướng đến phát triển cho vay tiêu dùng, đây là mảng hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đối tượng vay chủ yếu là các khách hàng cá nhân. Một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu rủi ro tín dụng là thiết lập hệ thống KSNB đủ mạnh để kiểm soát các nghiệp vụ cho vay. Thực trạng hệ thống KSNB hoạt động tín dụng cá nhân của hệ thống các NHTM được thể hiện cụ thể qua 5 bộ phận cấu thành, gồm:

Môi trường kiểm soát

Hầu hết, các NHTM đã ban hành các quy định đối với tín dụng cá nhân, tuy nhiên nhiều văn bản chưa thực sự có hiệu lực. Ban quản trị chưa thực sự quan tâm đến việc duy trì và phát triển KSNB tín dụng cá nhân trong NHTM. Các nhà quản lý chưa tuân thủ nguyên tắc thận trọng trong kế toán thể hiện qua việc phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Về cơ cấu tổ chức, phần lớn các NHTM đã xây dựng cơ cấu phù hợp với quy mô và đặc điểm hoạt động của hệ thống. Tuy nhiên, trách nhiệm của từng thành viên chưa được quy định cụ thể, ở các chi nhánh vẫn còn hiện tượng vi phạm nguyên tắc bất kiêm nhiệm do việc thiếu nhân sự.

Về công tác nhân sự, trong những năm gần đây, các NHTM đã chú trọng đến việc tạo môi trường làm việc để xây dựng đội ngũ nhân viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn đảm bảo đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, công tác khen thưởng, kỷ luật và đề bạt chưa thực sự gắn với hiệu quả công việc nên làm giảm tác dụng của công tác đánh giá, vẫn tồn tại nhiều sai phạm, nguyên nhân bắt nguồn từ đội ngũ nhân viên ngân hàng.

Đánh giá rủi ro tín dụng

Tình hình rủi ro tín dụng cá nhân của các NHTM cổ phần Việt Nam gắn với các vấn đề như nợ xấu, tín dụng đen, chiếm dụng vốn, thua lỗ, những biến động lớn trên thị trường tiền tệ… Số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2018 ước khoảng 163 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống khoảng 2,4%, giảm 0,1% so với năm trước. Theo thống kê của NHTM, tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 12/2018 của các một số ngân hàng có xu hướng tăng so với 2017, điển hình như: ACB là 1.675 tỷ đồng (tăng 0,73%); MBbank là 2.837 tỷ đồng (tăng 1,32%); Eximbank là 1.921 tỷ đồng (tăng 1,84%)...

Hiện nay, nhiều NHTM đã ban hành các chính sách quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường... cũng như thành lập các bộ phận ứng phó với rủi ro. Tuy nhiên, các biện pháp trên phần lớn chỉ hướng đến mục tiêu phát hiện và giảm thiểu rủi ro mà chưa chủ động trong nhận diện rủi ro, chưa quan tâm đến các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro của hệ thống.

Hoạt động kiểm soát rủi ro

Hiện tại, nhiều NHTM đã và đang thực hiện tốt công tác phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, đặc biệt là tại các NHTM áp dụng Basel II, tuy nhiên, hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng cá nhân vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Tại một số ngân hàng, phòng khách hàng thực hiện đủ 3 chức năng và chịu trách nhiệm đối với mọi khâu chuẩn bị cho một khoản vay, do đó nhiều công việc tập trung hết một nơi, thiếu sự chuyên sâu dẫn đến chất lượng công tác chưa cao; quy trình cấp tín dụng ở một số ngân hàng vẫn còn cồng kềnh, phức tạp, quy trình cho vay cá nhân tương tự quy trình cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn.

Hệ thống thông tin và truyền thông

Hầu hết, các ngân hàng đều chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nâng cấp ngân hàng lõi phù hợp với quy mô và nhu cầu phát triển dịch vụ sản phẩm cũng như quản trị hệ thống ngân hàng hiện đại. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực chuyên môn mà một số bộ phận chưa đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Tại không ít ngân hàng do quy mô lớn nên việc thiết lập các kênh thông tin giữa các chi nhánh, phòng giao dịch và hội sở còn nhiều hạn chế; các cấp quản lý ở chi nhánh chưa nắm bắt kịp thời chỉ đạo của cấp trên, ngược lại thông tin phản hồi cho quản lý cấp trên cũng còn chậm.

Hoạt động giám sát, kiểm soát

Bộ phận kiểm toán nội bộ đã được thành lập tại tất cả các NHTM, tuy nhiên, hoạt động của bộ phận này còn nhiều hạn chế do yếu cả về nhân sự và chuyên môn. Đặc biệt, với hoạt động tín dụng cá nhân do số lượng hồ sơ vay tại các hệ thống rất lớn nên việc kiểm toán chỉ tiến hành được với một số lượng hữu hạn, do đó chưa đánh giá chính xác chất lượng hoạt động cũng như phát hiện kịp thời các gian lận và nhầm lẫn. Hầu hết các ngân hàng đều đã xây dựng quy định về đánh giá hệ thống KSNB, nhưng báo cáo chỉ chủ yếu mô tả cơ cấu tổ chức, tình hình thực hiện kế hoạch, rà soát các văn bản... mà chưa đánh giá các nguyên tắc căn bản của hệ thống KSNB.

Đề xuất một số giải pháp

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng nói riêng và hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung, phương hướng hoàn thiện hệ thống KSNB thời gian tới cần chú trọng một số nhóm giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo hành lang cho việc nâng cao hiệu quả của hệ thống KSNB. Các ngân hàng nên ban hành các quy định về an toàn hoạt động cho hệ thống dựa trên các quy định của Ngân hàng Nhà nước, các chuẩn mực, nguyên tắc kế toán, kiểm toán được chấp nhận rộng rãi và áp dụng các nguyên tắc về giám sát ngân hàng của Basel.

Hai là, hoàn thiện môi trường kiểm soát tín dụng cá nhân làm nền tảng cho việc xây dựng các phần còn lại của hệ thống KSNB. Cụ thể, nâng cao ý thức về tuân thủ các quy định, quy trình tín dụng cá nhân, coi trọng tính chính trực và các giá trị đạo đức không chỉ của nhân viên mà cả các nhà quản lý cấp cao của hệ thống; Phân định rõ trách nhiệm của cá nhân và bộ phận khi tham gia vào quy trình tín dụng cá nhân nhằm ngăn chặn và phát hiện kịp thời các sai phạm.

Ba là, hoàn thiện quy trình đánh giá rủi ro tín dụng. Các ngân hàng cần nhanh chóng kiện toàn các bộ phận nghiên cứu, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc KSNB hoạt động tín dụng cá nhân nhằm nhận diện rủi ro và tham mưu cho ban điều hành.

Bốn là, hoàn thiện hệ thống thông tin và truyền thông. Các ngân hàng cần đầu tư hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển hệ thống quản lý nội bộ nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô và mức độ phức tạp của hoạt động tín dụng cá nhân, cũng như yêu cầu quản trị điều hành hệ thống.

Năm là, hoàn thiện hoạt động giám sát các kiểm soát đối với hoạt động tín dụng, để đảm bảo tính minh bạch và tăng cường giám sát của HĐQT; Các ngân hàng cần tách biệt chức năng giám sát và chức năng điều hành kinh doanh của HĐQT. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần hoàn thiện hệ thống KSNB theo 17 nguyên tắc mở rộng của COSO 2013. Theo đó, cần đánh giá hệ thống KSNB dựa theo 3 tuyến phòng thủ: Lớp trực tiếp giao dịch với khách hàng; Khối phê duyệt; Hệ thống các phòng ban giám sát và giải ngân...

Theo xu hướng hiện nay, hầu hết các NHTM cổ phần tại Việt Nam xác định hướng đi của một ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại với đối tượng khách hàng mục tiêu là các DN vừa và nhỏ và các hộ gia đình. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, các nhà quản lý đã có sự đầu tư đúng mức vào hoạt động của hệ thống KSNB của ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy, hệ thống KSNB ngân hàng hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, do đó phải hoàn thiện các yếu tố để hệ thống KSNB trở thành công cụ đắc lực trong việc phát hiện, cảnh báo và ngăn ngừa sai phạm trong hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng cá nhân nói riêng.  

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước (2011), Thông tư số 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng;

2. Phu Hung Securities, Báo cáo ngân hàng 2018, Cập nhật kết quả kinh doanh ngành Ngân hàng 2018;

3. Nguyễn Hoàng Phương Thanh (2017), Kiểm soát nội bộ theo COSO 2013, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số tháng 5/2017;

4. COSO 2013 Guidance on COSO Website.