Hoàn thiện mục tiêu, trọng tâm kiểm toán chi ngân sách tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 Tháng 3/2020

Hiện nay, công tác kiểm toán chi ngân sách nhà nước nói chung, hoạt động kiểm toán tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập nói riêng ở nước ta đã cơ bản bao quát được quá trình quản lý và điều hành ngân sách của các bộ, ngành.

Hoạt động kiểm toán đã cơ bản bao quát được quá trình quản lý và điều hành ngân sách của các bộ, ngành.
Hoạt động kiểm toán đã cơ bản bao quát được quá trình quản lý và điều hành ngân sách của các bộ, ngành.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường hợp hoạt động kiểm toán này chưa phát huy hết năng lực; nội dung kiểm toán chưa gắn với lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng được giao và cũng chưa có sự liên hệ nhiều với việc đạt được các mục tiêu kiểm toán… Bài viết đánh giá một số thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện mục tiêu, trọng tâm kiểm toán chi ngân sách nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trong bối cảnh hiện nay

Về chức năng kiểm toán chi ngân sách nhà nước

Điều 13, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật. Như vậy, mục tiêu của kiểm toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) được gắn chặt với chức năng của kiểm toán, đó là kiểm tra, đánh giá, xác nhận và tư vấn, các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản của bộ, ngành phải thực hiện đầy đủ các mục tiêu. Cụ thể như: Thu thập các bằng chứng kế toán phù hợp để đánh giá việc chấp hành pháp luật về NSNN, pháp luật về kế toán, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị được kiểm toán xử lý các tồn tại và các vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý tài chính, kế toán…

Đơn vị sự nghiệp giáo dục thực hiện khoán chi được hiểu là đơn vị được Nhà nước cấp cho một khoản kinh phí và trao quyền cho đơn vị chủ động sử dụng khoản kinh phí và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Xuất phát từ ý nghĩa đó, hoạt động kiểm toán chi NSNN tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đặt ra các mục tiêu cụ thể sau:

- Xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính.

- Thu thập bằng chứng kiểm toán phù hợp để đánh giá việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước.

- Phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước của các đơn vị sử dụng ngân sách; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Với các mục tiêu trên, hoạt động kiểm toán chi NSNN tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, lập, phân bổ và giao dự toán các nguồn kinh phí; quản lý, điều hành, sử dụng nguồn kinh phí NSNN cấp; quản lý và sử dụng tài sản, đất đai, trụ sở làm việc.

Hai là, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng các nguồn thu phí, lệ phí, thu sự nghiệp, hoạt động kinh doanh dịch vụ, cụ thể như: Lập và giao dự toán các nguồn thu sự nghiệp tại đơn vị; quản lý các khoản thu, chi và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; việc trích lập và sử dụng các quỹ; chi trả thu nhập tăng thêm; việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN.

Ba là, đánh giá kết quả thực hiện việc triển khai cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bốn là, tập trung kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hồ sơ thủ tục, chứng từ thanh quyết toán, chấp hành các chế độ, định mức đối với các khoản chi thanh toán vượt giờ, chi thu nhập tăng thêm, thuê thuê khoán chuyên môn trong biên soạn giáo trình, các hoạt động coi thi, chấm thi, xác định kết quả hoạt động tài chính và chi trích lập các quỹ, chi hoạt động chuyên môn nghiệp vụ khác.

Nhìn chung, mục tiêu và trọng tâm của công tác kiểm toán chi NSNN tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thực hiện khoán chi đã cơ bản được đặt ra và triển khai trong thực tiễn. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa xây dựng được quy trình kiểm toán chi NSNN riêng cho từng loại hình đơn vị và hoạt động kiểm toán chi NSNN nói chung, công tác kiểm toán chi NSNN tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập chủ yếu được vận dụng theo Quy trình kiểm toán ngân sách bộ, ngành ban hành theo Quyết định số 04/2017/QĐ-KTNN ngày 31/3/2017 của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Qua nghiên cứu hồ sơ kiểm toán, việc thực hiện khoán chi tại một số đơn vị sự nghiệp giáo dục cho thấy, với mục tiêu và trọng tâm kiểm toán trên thì kết quả kiểm toán chưa thể đánh giá được công tác tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ, tính hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hoàn thiện mục tiêu, trọng tâm của kiểm toán tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập

Nâng cao chất lượng kiểm toán việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì Đoàn kiểm toán tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập cần bổ sung và đổi mới trọng tâm kiểm toán phù hợp với cơ chế hiện hành, cụ thể như sau:

Về mục tiêu

Mục tiêu kiểm toán của cuộc kiểm toán thường căn cứ vào mục tiêu tổng quát đã được quy định trong các hướng dẫn của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, để phù hợp với đặc điểm tổ chức hoạt động và cơ chế quản lý của các đơn vị sự nghiệp giáo dục nói riêng, thì công tác kiểm toán chi NSNN tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập cũng cần bổ sung các mục tiêu cụ thể sau: Đánh giá công tác tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ, tính hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các trường đại học công lập với các trọng tâm là đánh giá kết quả, mức độ tự chủ, cụ thể như: (i) Về thực hiện nhiệm vụ; (ii) Tổ chức bộ máy, nhân sự; (iii) Tự chủ về tài chính. Thông qua kiểm toán phát hiện những bất cập để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục trong quá trình quản lý, điều hành; tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập.

Về trọng tâm và nội dung kiểm toán chi tiết

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động kiểm toán chi NSNN đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thời gian qua, đặc biệt là để đáp ứng các mục tiêu đặt ra thì công tác kiểm toán chi NSNN tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập cần phải xác định được trọng tâm và các nội dung kiểm toán tương ứng như sau:

Thứ nhất, đánh giá thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, cụ thể gồm:

- Đánh giá việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về tự chủ trong thực hiện tuyển sinh:

- Kiểm tra các hồ sơ về mở mã ngành đào tạo có thực hiện theo quy định; căn cứ xây dựng và thực hiện Đề án đào tạo chất lượng cao.

- Đánh giá về thực hiện các kiểm định đối với các chương trình đào tạo trong nước.

- Đánh giá việc tuân thủ các quy định trong thực hiện liên kết đào tạo (trong nước và với nước ngoài).

- Đánh giá việc tuân thủ trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên: Các giảng viên đã thực hiện đủ giờ nghiên cứu khoa học? Các đề tài nghiên cứu khoa học có mang tính ứng dụng và được quan tâm?...

Thứ hai, đánh giá thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự như sau:

- Kiểm toán việc thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy với các nội dung sau: Kiểm toán về hoạt động của Hội đồng trường, trong đó chủ yếu là việc phê duyệt các chủ trương đầu tư phát triển của trường. Kiểm toán đánh giá tình hình việc xây dựng và thực hiện các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự…

- Kiểm toán việc thực hiện tự chủ về lao động cũng cần tập trung vào những nội dung sau:

+ Kiểm toán tình hình thực hiện thực hiện tự chủ về lao động, tình hình xây dựng và thực hiện đề án vị trí việc làm; việc thực hiện tự chủ về biên chế, hình thức tuyển dụng; việc thực hiện chính sách, hợp đồng theo Luật Viên chức, Bộ luật Lao động; việc thực hiện tự chủ trong quản lý nhân sự.

+ Đánh giá chất lượng lao động, trong đó cụ thể tình hình lao động có biến động hàng năm theo xu hướng phát triển tích cực: Căn cứ theo bậc hàm của các giảng viên và cán bộ công nhân viên (số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ).

+ Đánh giá về tình hình về thu nhập người lao động trong đó cụ thể đánh giá về Quỹ Tiền lương thực tế và thu nhập thực tế bình quân có được đảm bảo và mức độ tăng theo từng năm…

Thứ ba, đánh giá việc thực hiện tự chủ về tài chính:

- Kiểm toán việc tự chủ về các khoản thu học phí và các khoản thu khác, cụ thể:

+ Kiểm toán các khoản thu học phí, lệ phí, thu sự nghiệp để đánh giá về cơ sở việc xây dựng mức thu học phí, lệ phí theo từng hệ đào tạo và việc thực hiện mức thu có theo cơ sở xây dựng.

+ Đánh giá mức tăng học phí theo từng năm, có tuân theo lộ trình, đánh giá việc miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên; việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu học phí.

+ Kiểm toán các khoản thu dịch vụ, việc khai thác các khoản thu dịch vụ đào tạo (nếu có) theo quy định, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các khoản thu để đánh giá mối quan hệ giữa các khoản thu.

+ Kiểm toán các khoản thu liên quan đến liên doanh liên kết để kiểm tra xem xét cơ sở, điều kiện để liên doanh liên kết, tỷ lệ phân chia lợi nhuận (doanh thu) giữa 2 bên, mức giá.

+ Kiểm toán các khoản thu liên quan đến NSNN cấp cho hoạt động theo đề án.

- Kiểm toán việc quản lý các khoản chi:

+ Đánh giá việc xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

+ Đánh giá việc quản lý và tổng hợp chi hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của các đơn vị trực thuộc;

+ Đánh giá việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, định mức của nhà nước, quy chế chi tiêu nội bộ trong quản lý sử dụng các nguồn kinh phí;

+ Đánh giá tỷ lệ chi cho người lao động, việc xây dựng phương án tiết kiệm và chi trả thu nhập tăng thêm.

+ Đánh giá về tỷ lệ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của đơn vị; Đánh giá việc thực hiện trích lập và sử dụng các quỹ cơ quan, trong đó, chú trọng việc trích lập và sử dụng quỹ đầu tư và phát triển và chi đầu tư tài chính.

+ Đánh giá về thực hiện trách nhiệm xã hội với các chính sách học bổng, khuyến khích học tập và tín dụng đối với sinh viên.

+ Đánh giá về việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Thông qua kết quả kiểm toán chi NSNN tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc công khai các số liệu và tình hình quản lý, sử dụng NSNN nhằm bảo đảm tính minh bạch của ngân sách. Đồng thời, triển khai xây dựng chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước trở thành cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Kiểm toán nhà nước;
2. Kiểm toán Nhà nước (1999), Quyết định số 143/1999/QĐ-KTNN ngày 28/9/1999 quy định về trình tự lập và xét duyệt báo cáo kiểm toán;
3. Kiểm toán Nhà nước (2017), Quyết định số 04/2017/QĐ-KTNN ngày 31/3/2017 quy trình kiểm toán ngân sách trung ương (bộ, ngành);
4. Kiểm toán Nhà nước (2018), Công văn số 181/KTNN-TH về việc hướng dẫn mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2018;
5. Học viện Tài chính (2010), Giáo trình quản lý chi ngân sách nhà nước, NXB Lý luận Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội;
6. Vương Đình Huệ (2003), Nội dung và phương pháp kiểm toán hoạt động đối với chương trình dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2003, Kiểm toán Nhà nước;
7. Các website: kiemtoannn.gov.vn, baokiemtoannhanuoc.vn, tapchitaichinh.vn.