Kế toán công sẽ làm minh bạch tài chính lĩnh vực công

Theo PL/mof.gov.vn

Ngày 31/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

Kế toán công góp phần làm minh bạch bức tranh tài chính lĩnh vực công.
Kế toán công góp phần làm minh bạch bức tranh tài chính lĩnh vực công.

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - phó trưởng ban thường trực Ban soạn thảo chuẩn mực kế toán công Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Cổng TTĐT Bộ Tài chính về những nội dung liên quan đến việc thực hiện Đề án.

PV: Ngày 31/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC Phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam, ông có thể cho biết các nội dung chủ yếu của Đề án?

Ông Vũ Đức Chính.
Ông Vũ Đức Chính.

Ông Vũ Đức Chính: Ngày 31/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC Phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Đề án được thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và tại các đơn vị trong lĩnh vực công; nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công, kịp thời, đầy đủ và được quốc tế thừa nhận. Xác định các cơ sở để xây dựng báo cáo tài chính nhà nước, thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước của Kho bạc nhà nước. Bên cạnh đó là thúc đẩy sự hội nhập của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công với khu vực và thế giới, góp phần nâng cao tính minh bạch và có thể so sánh được của các thông tin tài chính.

Đề án được triển khai nhằm nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán (CMKT) công của Việt Nam (VPSAS) trên cơ sở Chuẩn mực kế toán công quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán công của của Việt Nam áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công phải đảm bảo các yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam; là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.

Việc nghiên cứu, xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam gắn với việc triển khai đề án xây dựng mô hình lập báo cáo tài chính nhà nước; làm cơ sở, nền tảng cho hệ thống cơ chế, chính sách tài chính Nhà nước với hệ thống văn bản pháp luật liên quan như Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật chứng khoán… đã và đang được cải cách phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Tôi cho rằng việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là căn cứ ban hành hệ thống chế độ kế toán hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và ngân sách nhà nước.

Như vậy, Đề án sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và tại các đơn vị trong lĩnh vực công... Nhưng để triển khai Đề án, Bộ Tài chính cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết gì để triển khai thực hiện Đề án?

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án để đảm bảo ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam theo từng giai đoạn, tôi sẽ phân tích về lộ trình áp dụng và giải pháp thực hiện Đề án như sau:

Về lộ trình áp dụng: Giai đoạn 1 (2019): Sau khi ban hành Đề án công bố hệ thống Chuẩn mực kế toán công Việt Nam sẽ thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập chuẩn mực kế toán công của Việt Nam để triển khai các hoạt động, dự kiến trước tháng 12/2019; Giai đoạn 2 (2020-2024): Nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố các CMKT công Việt Nam theo lộ trình sau: Đợt 1: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020; Đợt 2: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021; Đợt 3: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2022; Đợt 4: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023; Các đợt còn lại: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2024.

Sau khi ban hành được 21 chuẩn mực (4 đợt), Bộ Tài chính sẽ tổng kết, đánh giá và lựa chọn các chuẩn mực còn lại trong các giai đoạn tiếp theo phù hợp với điều kiện cơ chế, chính sách trong khu vực công phải được sửa đổi, bổ sung đồng bộ, phù hợp với với các nguyên tắc của chuẩn mực.

Trường hợp cơ chế tài chính, ngân sách không điều chỉnh phù hợp, cần xác định rõ các nội dung không áp dụng theo chuẩn mực kế toán công quốc tế. Như vậy, trong các đợt còn lại sẽ ban hành các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi có đủ điều kiện để giải quyết sự khác biệt phù hợp với kinh tế Việt Nam.

  Đối với các giải pháp thực hiện Đề án, từ năm 2019 ngoài việc thành lập Ban soạn thảo và tổ biên tập Chuẩn mực kế toán công để tiến hành nghiên cứu xây dựng chuẩn mực, cần phải thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, như xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản trong lĩnh vực tài chính, kế toán; dịch chuẩn mực kế toán công quốc tế ra tiếng Việt; nghiên cứu, xây dựng chuẩn mực; thực hiện công bố chuẩn mực; đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền về lộ trình, phương án công bố Chuẩn mực kế toán công quốc tế… và hỗ trợ triển khai chuẩn mực kế toán công Việt Nam đến các đơn vị.

 Khi triển khai Đề án liệu có thuận lợi và khó khăn gì thưa ông?

Về thuận lợi, hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam sau khi ban hành sẽ là cơ sở để các đơn vị trong lĩnh vực công thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính, cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn lực thuộc Nhà nước đặc biệt là thống nhất tập trung dữ liệu của các đơn vị kế toán công và áp dụng các quy dịnh của kế toán theo thông lệ chung của quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kế toán công.

Kế đó là việc triển khai hệ thống chuẩn mực kế toán công là một nội dung trong Chiến lược phát triển tài chính nói chung, kế toán kiểm toán nói riêng. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia kế toán đã từng bước được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp dần dần đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật về kế toán và pháp luật kinh tế khác và khả năng thích ứng và ứng dụng công nghệ thông tin ở các đơn vị phù hợp với trình độ phát triển công nghệ, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra đó là việc công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo thông lệ quốc tế sẽ gặp phải các khó khăn, vướng mắc nhất định, đó là sự khác biệt giữa cơ chế chính sách tài chính và chuẩn mực kế toán; một số nhân lực kế toán công còn chưa đáp ứng được yêu cầu; rào cản ngôn ngữ; yếu tố văn hóa, tư duy.

Tôi cho rằng đây là một đề án rất phức tạp về mặt kỹ thuật, có phạm vi rộng vì vậy cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Tài chính, của các bộ, ngành, địa phương về quan điểm định hướng và mục tiêu thực hiện. Tạo điều kiện về các nguồn lực cần thiết để triển khai, hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành các địa phương, các đơn vị trong lĩnh vực công, cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp, các chuyên gia về kế toán trong việc thực hiện các nội dung về xây dựng và triển khai Đề án theo lộ trình được phê duyệt.

Xin cảm ơn ông!